Giá cá tra sụt giảm, cổ phiếu DN cá tra lại tăng trưởng… âm

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, một loạt cổ phiếu các doanh nghiệp (DN) cá tra đang niêm yết trên sàn chứng khoán đều có mức tăng trưởng âm, kể cả những “ông lớn” trong ngành như Vĩnh Hoàn (mã: VHC), Hùng Vương (mã: HVG), Nam Việt (Navico, mã: ANV),...

Điều này khá nghịch lý bởi trong bối cảnh giá cá tra giảm, các DN cá tra có được lợi thế ở chi phí đầu vào (cá giống, cá nguyên liệu) thấp hơn; đồng thời, kích thích nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường do giá khá hấp dẫn.

Sau một thời gian tăng phi mã thúc đẩy người dân đào ao mở rộng quy mô nuôi, hiện giá cá tra nguyên liệu và cá tra giống đang sụt giảm từ 30 - 50%, mức thấp nhất 10 năm qua. Đáng nói, giá cổ phiếu nhiều DN cá tra lại đang sụt giảm mạnh.

Chế biến sản phẩm cá tra. Ảnh: IT.

Chế biến sản phẩm cá tra. Ảnh: IT.

Mức sụt giảm lớn nhất trong nhóm các DN cá tra đang niêm yết trên thị trường chứng khoán đến từ cổ phiếu HVG của Công ty CP Hùng Vương (mã: HVG). Tính đến cuối phiên ngày 23/8, giá cổ phiếu chỉ còn 2.910 đồng/CP, giảm 37,7% kể từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, hiện cổ phiếu HVG vẫn bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM duy trì trong diện kiểm soát đặc biệt do kết quả kinh doanh lỗ (sau soát xét bán niên của niên độ 1/10/2018 - 30/9/2019) và vi phạm về công bố thông tin.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên có ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của HVG do khoản lỗ lũy kế hiện tại và “vua cá tra” đang có các khoản vay đến hạn trả chưa được thanh toán tại các ngân hàng thương mại cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu.

Tương tự, giá cổ phiếu ANV của Navico từ đầu năm đến nay cũng giảm 4,3% xuống 24.800 đồng/CP, mặc dù ghi nhận lãi sau thuế 6 tháng đầu năm tăng gấp 1,8 lần cùng kì, lên 354 tỷ đồng.

Cổ phiếu IDI của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I cũng giảm 11,7% từ đầu năm đến nay, nguyên nhân có thể là do tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm 2019 của DN này giảm khoảng 29,1% so với cùng kỳ.

Thậm chí, cổ phiếu VHC của “ông lớn” Vĩnh Hoàn cũng giảm khoảng 4,2% từ đầu năm đến nay, mặc dù lãi sau thuế 6 tháng tăng hơn 70%, lên 727 tỷ đồng. Đáng lưu ý, một phần lợi nhuận của Vĩnh Hoàn trong 6 tháng đầu năm nay đến từ việc thoái vốn công ty liên kết Vạn Đức Tiền Giang trị giá 104 tỷ đồng; đồng thời không còn ghi lỗ từ thoái vốn công ty con.

Theo phân tích của một số công ty chứng khoán, sở dĩ giá cổ phiếu nhiều DN cá tra sụt giảm trong nửa đầu năm 2019 là do doanh nghiệp gặp bất lợi trong thuế chống bán phá giá từ Mỹ. Mặt khác, thị trường có sức tiêu thụ lớn là Trung Quốc cũng đang siết chặt chính sách nhập khẩu khiến hàng vào thị trường này ngày càng khó khăn.

Hàng loạt cổ phiếu DN cá tra có mức tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2019. Ảnh: Quốc Hải.

Hàng loạt cổ phiếu DN cá tra có mức tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2019. Ảnh: Quốc Hải.

Trong khi đó, số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho thấy, 4 tháng liên tiếp từ tháng 3 đến tháng 6, giá trị xuất khẩu cá tra giảm 6 - 17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, cá tra sang thị trường Trung Quốc có chiều hướng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các năm trước. Tính đến hết tháng 6, tổng giá trị xuất cá tra sang thị trường này đạt 254,3 triệu USD, tăng 1,2%, chiếm 26,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Riêng đối với thị trường Mỹ, tính đến hết tháng 6, tổng giá trị xuất cá tra sang thị trường này đạt 141,9 triệu USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và ASEAN là các thị trường xuất khẩu lớn của cá tra Việt Nam, do vậy, mọi chính sách liên quan đến nhập khẩu của thị trường này đều ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh mặt hàng cá tra này.

Khó khăn chồng chất, ”vua cá tra” Hùng Vương tiếp tục lỗ nặng

CTCP Thủy sản Hùng Vương mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III (giai đoạn từ 1/4 đến 30/6) cho niên độ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải ([Tên nguồn])
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN