FLC lại "chơi lớn", lấn sân sang giáo dục, đào tạo cả tiến sĩ, phi công

CTCP Tập đoàn FLC mới đây đã công bố tài liệu họp cho Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 sắp tới.

Kế hoạch doanh thu 2019 tăng lên 20.000 tỷ đồng

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2019 trình cổ đông, Tập đoàn FLC tham vọng đạt doanh thu hợp nhất lên tới 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng 70% so với kết quả thực hiện năm 2018. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế dự kiến lần lượt đạt 720 tỷ đồng, tăng 6% và 570 tỷ đồng, tăng 24%. 

Theo ghi nhận đến hết Quý I, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FLC đạt lần lượt 3.018 tỷ đồng và 8 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch trên, FLC mới hoàn thành 15% chỉ tiêu doanh thu và 1,4% chỉ tiêu lợi nhuận.

FLC lại "chơi lớn", lấn sân sang giáo dục, đào tạo cả tiến sĩ, phi công - 1

Tập đoàn FLC lên kế hoạch doanh thu tăng mạnh trong năm 2019

Tiếp tục phát hành 300 triệu cổ phiếu tăng vốn, mở rộng ngành nghề kinh doanh

Tại Đại hội, HĐQT của FLC cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án chào bán 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ là 1.000:422. Mức giá chào bán thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phiếu, căn cứ vào tình hình mà HĐQT sẽ quyết định lại mức giá khác. Hiện giá cổ phiếu FLC trên thị trường chứng khoán đang dao động quanh ngưỡng 4.300 đồng/cổ phiếu, tức thấp hơn 60% so với giá chào bán. 

Một nội dung đáng chú ý khác được FLC trình cổ đông thông qua là về việc bổ sung ngành nghề nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực mới như y tế, giáo dục, nông nghiệp…Cụ thể, FLC đề nghị bổ sung các ngành nghề đó là: Giáo dục nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung họ cơ sở, trung học phổ thông; Đào tạo sơ cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; Giáo dục văn hóa nghệ thuật; Hoạt động của các trường đào tạo phi công và nhân viên hàng không.

FLC lại "chơi lớn", lấn sân sang giáo dục, đào tạo cả tiến sĩ, phi công - 2

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC

Trước đó vào đầu tháng 6, trên cơ sở đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chuyên môn khác và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kí văn bản đồng ý chủ trương cho phép thành lập Trường Đại học FLC tại tỉnh Quảng Ninh.

Trường Đại học FLC có tổng vốn đầu tư ước tính gần 4.000 tỷ đồng, dự kiến được xây dựng trên diện tích dự kiến khoảng 50 ha tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Trong diễn biến khác, FLC mới đây đã công bố về việc nhận được các quyết định cưỡng chế thuế. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 29/3 đến 7/6, FLC nhận được 4 quyết định cưỡng chế thi thành thuế của các Chi cục Thuế TP Hạ Long, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, TP Thanh Hóa.

Cơ quan thuế đã tiến hành cưỡng chế FLC bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Nhưng doanh nghiệp không công bố chi tiết số tiền bị cưỡng chế trong văn bản.

Tổng số tiền FLC bị cưỡng chế trong giai đoạn này là hơn 160 tỷ đồng với nguyên nhân chủ yếu là có hành vi nợ tiền thuế, và nộp chậm tiền thuế quá 90 ngày kể từ khi hết thời hạn nộp theo quy định.

Trước đó, cuối tháng 3, FLC công bố 66 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng từ năm 2015 đến nay. Đầu tháng 4, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros cũng công bố thông tin nhận được 31 quyết định cưỡng chế thuế với số tiền 116,5 tỷ đồng.

Sau ”cú đấm” của Youtube, Yeah1 đối mặt rủi ro 3,6 triệu USD

Nhiều khó khăn đặt ra với Yeah1 sau khi Youtube chấm dứt hợp tác mạng lưới đa kênh (MCN) với tập đoàn này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN