Cán bộ lo "mất chỗ", chuyên gia lo "ế" cổ phần

Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, việc một số quy định chưa chặt chẽ đã tạo tâm lý ngại trách nhiệm hay sợ “mất chỗ” của một số người đứng đầu doanh nghiệp cổ phần hóa.

Ngày 22/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh”. Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay mới chỉ cổ phần hóa, thoái vốn được 35 trong tổng số 127 doanh nghiệp Nhà nước (tương ứng 27,5%) và 88 trong tổng số 405 doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn, bằng 21,8% so với kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, đây cũng chỉ là con số tương đối. Tại thời điểm này mà đánh giá công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm tiến độ là chưa thỏa đáng.

"Kinh nghiệm từ giai đoạn trước cho thấy, ba năm đầu thực hiện rất chậm, song hai năm cuối đã diễn ra rất nhanh vì đã có một quá trình chuẩn bị trước đó”, ông Long cho hay.

Kỳ vọng vào công đoạn “chạy nước rút” về đích ở chặng cuối, song ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn cho rằng, với kết quả trên có thể khẳng định, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm tiến độ theo kế hoạch của từng năm.

Dù kết thúc giai đoạn này có thể thành công về số lượng, song ông Trung vẫn lo ngại kết quả chào bán cổ phần không đạt được tỷ lệ cao so với số lượng mà doanh nghiệp đã được phê duyệt. Ông Trung dẫn chứng trường hợp của Tổng Công ty Sông Đà, chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 219,6 triệu cổ phần, tương đương 48,82% vốn điều lệ sau cổ phần hóa, song chỉ bán thành công 0,37% khối lượng chào bán, còn lại “ế” tới 99,63% cổ phần.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về nguyên nhân chậm trễ, giới chuyên gia cho rằng, các quy định trong cổ phần hóa được nhà nước ban hành chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm mục tiêu, hiệu quả và minh bạch khiến thời gian thực hiện sẽ lâu hơn. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương còn gặp những vướng mắc trong việc xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp.

Thêm vào đó, lãnh đạo tại một số doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa còn e ngại, sợ trách nhiệm. Ngoài ra, hiệu quả kinh doanh của một số doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa chưa hấp dẫn được giới đầu tư.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, khâu chuẩn bị cho tiến trình này rất quan trọng, do đó các doanh nghiệp phải chủ động sắp xếp theo đúng Luật Đất đai. Nếu các lãnh đạo địa phương không quyết liệt thực hiện sẽ khiến thời gian kéo dài, vì vậy Chính phủ cần phải quy định trách nhiệm phân cấp rõ ràng hơn.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Long, việc một số quy định chưa chặt chẽ đã tạo tâm lý ngại trách nhiệm hay sợ “mất chỗ” của một số người đứng đầu doanh nghiệp. “Đây là vấn đề ‘tế nhị’ nhưng vẫn phải nhìn vào thực tế đó bởi bên cạnh yếu tố thể chế, thị trường thì vai trò của các cá nhân là rất quan trọng”, ông Long cho hay.

Về chuyện sợ “mất chỗ”, Phạm Đức Trung cho rằng, tâm lý này chỉ xuất hiện ở một bộ phận cán bộ năng lực kém. Dù đã có quy định cụ thể, nhưng việc xử lý không nghiêm trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp cổ phần hóa và cơ quan đại diện đã dẫn đến sự chậm trễ kéo dài như vừa qua.

Cổ phần hóa ”siêu tốc” tại Cienco 1: Người lao động lãnh hậu quả

Dù chưa xử lý xong các vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội và chế độ cho người lao động của các công ty con,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN