“Át chủ bài” lao dốc, đại gia Trịnh Văn Quyết “hụt hơi” trong cuộc đua tỷ phú

Sắc đỏ chiếm thế chủ đạo trên thị trường chứng khoán tuần qua, tài sản của nhiều đại gia Việt sụt giảm.

Tuần qua, thị trường chứng khoán đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có dấu hiệu chậm lại, FED hé lộ kế hoạch không tăng lãi suất đồng USD trong năm 2019 và tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,79% (thấp hơn so với mức 7,45% cùng kỳ năm ngoái). Phản ứng của nhà đầu tư đã cho thấy sự chưa ổn định của thị trường ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, VN-Index sụt mạnh gần 19 điểm trong phiên đầu tuần, sau đó là các phiên tăng giảm đan xen.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 7,95 điểm (0,8%), xuống 980,76 điểm. Giá trị giao dịch trên HSX giảm 28,5% xuống 19.850 tỷ đồng. HNX-Index cũng giảm 0,65 điểm (0,6%), xuống 107,44 điểm.

“Át chủ bài” lao dốc, đại gia Trịnh Văn Quyết “hụt hơi” trong cuộc đua tỷ phú - 1

Sắc đỏ chiếm thế chủ đạo trên thị trường Việt Nam trong tuần vừa qua

Trên sàn HSX, khối ngoại thực hiện 4 phiên mua ròng và 1 phiên bán ròng, tổng giá trị mua đạt 470 tỷ đồng. Trên sàn HNX, diễn biến mua bán cũng tương tự, giá trị mua ròng ở mức 31 tỷ đồng. Tổng cộng trên cả 3 sàn tuần qua, khối ngoại đã mua ròng khoảng 512 tỷ đồng, giảm 45 % so với tuần trước.

Các nhóm cổ phiếu thuộc nhóm dịch vụ, hàng tiêu dùng ghi nhận chiều hướng giảm mạnh nhất như: VJC (Vietjet Air) mất 2%; VNM (Vinamilk) mất 1,2; SAB (Sabeco) giảm 0,5%. Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, VCB (Vietcombank) và BID (BIDV) ghi nhận đà tăng giá tích cực, còn lại hầu hết đều đi xuống. 

Các ông lớn khác như VIC (Vingroup), VRE (Vincom Retail), GAS (PVGas) cũng trong tình trạng tương tự, chỉ có VHM (Vinhomes) và HPG (Hòa Phát) là tăng giá.

Diễn biến này đã khiến khối tài sản của các đại gia hàng đầu trên sàn chứng khoán như Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup), Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan), Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank), Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air) đồng loạt giảm sút.

Một đại gia khác là Trịnh Văn Quyết cũng mất hàng trăm tỷ đồng trong tuần qua do sự đi xuống của cổ phiếu ROS và FLC. Cụ thể, ROS giảm 400 đồng xuống 32.000 đồng/cổ phiếu; FLC giảm 70 đồng xuống 5.130 đồng/cổ phiếu. So với mức tăng 11,6% của thị trường từ đầu năm 2019 đến nay, giá của FLC đi ngang. Trong khi đó, ROS rơi từ ngưỡng 38.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng mất 17,3%.

“Át chủ bài” lao dốc, đại gia Trịnh Văn Quyết “hụt hơi” trong cuộc đua tỷ phú - 2

Diễn biến cổ phiếu ROS kể từ khi niêm yết tới nay. Nguồn: VNDirect

Trong năm 2018, doanh thu của ROS giảm 21,6% so với 2017 xuống 3.462 tỷ đồng, lợi nhuận sụt tới 78% xuống 185 tỷ đồng. Trong tháng 12/2018, vợ của ông Quyết cũng đã thoái toàn bộ 26,664 triệu cổ phiếu ROS, thu về khoảng 1000 tỷ đồng.

Hiện ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu 150,4 triệu cổ phiếu FLC, 382,2 triệu cổ phiếu ROS và 3,1 triệu cổ phiếu ART. Đà lao dốc của ROS đã khiến khối tài sản chứng khoán cả ông Quyết giảm xuống còn khoảng 13.238 tỷ đồng, trong đó phần lớn vẫn nằm tại ROS với 12.231 tỷ đồng. Ông Quyết hiện đã tụt xuống vị trí thứ 7 trong danh sách người giàu nhất trên sàn chứng khoán, sau ông Trần Đình Long (sở hữu 17.334 tỷ đồng).

Cuối năm 2017, khi ROS lập đỉnh một cách “thần kì” lên tới 214.100 đồng/cổ phiếu (chưa điều chỉnh), ông Trịnh Văn Quyết từng vượt qua cả ông Phạm Nhật Vượng trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản trên 68.000 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng đã vững vàng ở vị trí số 1 với khối tài sản khoảng 216.175 tỷ đồng.

Vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng lại bị tuột mất 5,4 nghìn tỷ đồng

Theo thống kê, cả 5 tỷ phú chứng khoán thuộc tốp 5 người giàu nhất trên sàn chứng khoán đều ghi nhận sự điều chỉnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN