Đề thi quốc gia sẽ bám sát thực tiễn

Các trường THPT và giáo viên đang đưa ra nhiều phương án để chuẩn bị tốt cho thí sinh bước vào kỳ thi quốc gia.

Yêu cầu ra đề của kỳ thi THPT quốc gia 2016 là chú trọng về phát triển kỹ năng tư duy và liên hệ thực tiễn của học sinh (HS). Trong đó, đề cho theo hướng tăng cường đề thi mở nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của HS để giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước, đồng thời hạn chế các câu hỏi yêu cầu phải nhớ máy móc các con số và sự kiện. Qua đó tăng cường câu hỏi ở mức vận dụng cao, đảm bảo độ phân hóa cao hơn so với năm 2015.

Phần nâng cao sẽ phân hóa triệt để

ThS Nguyễn Đình Độ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TP.HCM), cho rằng thực ra đề thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD&ĐT đã đưa 40% câu hỏi nâng cao, tuy nhiên mức độ phân hóa không cao khiến các em có phổ điểm sàn sàn nhau (20-22 điểm), gây khó khăn cho các trường xét tuyển. Để khắc phục điều này, năm 2016 đề thi THPT quốc gia tiếp tục theo hướng đưa 40% câu hỏi khó với mục tiêu khắc phục triệt để tình trạng các trường tốp trên “so bó đũa chọn cột cờ”. Như vậy, phải làm tốt khâu đề thi, thí sinh làm chắc tay, kết quả tuyển sinh mới chính xác, có sự phân hóa sức học của HS.

Theo thầy Độ, thời gian tới Bộ sẽ công bố đề thi minh họa. Theo đó, các trường sẽ bám bộ đề thi này, hình dung chi tiết hơn về cấu trúc đề, các dạng câu hỏi để có định hướng ôn luyện sát với kiến thức. Tuy nhiên, trong các bài kiểm tra định kỳ, nhà trường đã đưa tổ hợp các bài thi bám sát với cấu trúc đề thi của Bộ, như ấn định thời gian 180 phút đối với môn toán-văn, các môn còn lại là 90 phút.

“Cách làm bài kiểm tra như thế này sẽ giúp các em tập làm quen với không khí phòng thi, tâm lý ổn định khi gặp các dạng câu hỏi cơ bản và nâng cao. Kết quả cho thấy thời gian đầu các em còn lúng túng với các dạng câu hỏi, tuy nhiên cứ thực hành liên tục các em sẽ làm rất ấn tượng” - thầy Độ chia sẻ.

Theo ThS Ngô Thanh Sơn - dạy toán Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM), với môn toán chủ trương của Bộ là ra đề chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, cũng như tỉ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% thì các câu từ câu 1 đến câu 6 sẽ có độ khó không chênh lệch với đề thi THPT quốc gia năm 2015.

Việc cho câu 8, 9 quá dễ như năm 2015 đã dẫn đến việc chỉ phân loại được HS trung bình khá và HS giỏi. Vì vậy HS cần chú ý năm nay các câu 7, 8, 9 sẽ được nâng dần độ khó, ít nhất là bằng với mức độ của đề thi ĐH ở các năm trước.

Đề thi quốc gia sẽ bám sát thực tiễn - 1

Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập ngoài giờ lên lớp tại Trường THPT Nhân Việt. Ảnh: PHẠM ANH

Cập nhật thời sự liên tục cho HS lớp 12

Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp thời gian này đã tổ chức nhiều hoạt động dưới cờ, ngoại khóa với các chuyên đề thời sự, liên môn do các tổ bộ môn thực hiện. Chẳng hạn, cho các em thuyết trình, tổ chức cho HS xem thời sự, tự HS phát biểu theo chủ đề về một vấn đề nào đó... Đa phần các vấn đề đưa ra đều là thời sự đang diễn ra, có tác động xã hội rất nhiều.

Thầy Trần Văn Phúc, Hiệu trưởng trường, cho hay theo kinh nghiệm từ năm trước, đề thi THPT quốc gia đã ra theo hướng mở nên trường không áp dụng dạy theo phương pháp truyền thống nữa mà trường phải tích hợp liên môn và lồng ghép nhiều kiến thức liên quan giữa các bộ môn thông qua nhiều hình thức khác nhau. Vì đề ra theo hướng này đòi hỏi óc phân tích, khả năng tư duy, lập luận, nhìn nhận và thể hiện quan điểm của HS rất cao, ngay cả đáp án cũng là mở chứ không gói gọn được nên nhà trường phải chuẩn bị sớm.

Lê Hoàng MT, HS tại một trường THPT ở quận 10, cho hay dù các thầy cô có soạn ra nhiều dạng đề bám theo đề thi năm ngoái, trong đó có các câu hỏi mở để HS hình dung, tuy nhiên để tự tin hơn, nhiều HS chọn cách mua các đề thi thử trên mạng về giải. “Theo em, cái chính vẫn là nắm vững kiến thức cơ bản các môn trong chương trình lớp 12, còn phần nâng cao tùy năng lực sẽ ôn tập theo từng cấp độ, đến đâu hay đến đó” - em T. nói.

Cuối tháng 4 tới, trường tổ chức bốn đợt thi để các em thử sức cho kỳ thi THPT quốc gia, theo đó cấu trúc đề thi, thời gian làm bài sẽ được kiểm soát như thi thật. Đồng thời trong các phòng thi bố trí hai giám thị để giám sát. Mục đích để các em vững vàng tâm lý khi vào phòng thi và tập làm quen với bài thi.

ThS NGUYỄN ĐÌNH ĐỘ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân

Theo công bố của Bộ GD&ĐT, đề thi quốc gia năm 2016 có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Các câu hỏi mức độ cơ bản trong đề thi chiếm khoảng 60%, đảm bảo các thí sinh làm bài đạt mức điểm đủ để công nhận tốt nghiệp THPT. Các câu hỏi mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% để phục vụ mục đích tuyển sinh ĐH-CĐ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Điền- Phạm Anh (Pháp Luật TPHCM)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN