Đại biểu QH bức xúc về chương trình thí điểm "lấy học sinh làm chuột bạch"

Sự kiện: Giáo dục

Đại biểu QH cho rằng thời gian qua có một số nơi thí nghiệm, thực nghiệm trong giáo dục không đạt yêu cầu, lấy học sinh ra làm chuột bạch, được thì tốt, không được thì không biết học sinh đi về đâu, sai một li, đi một dặm…

Đại biểu QH bức xúc về chương trình thí điểm "lấy học sinh làm chuột bạch" - 1

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Sáng nay 15-11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đại biểu (ĐB) Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề cập đến vấn đề thí nghiệm, thực nghiệm, mà thời gian qua có một số nơi không đạt yêu cầu, "lấy học sinh ra làm chuột bạch", được thì tốt, không được thì không biết học sinh đi về đâu, sai một li, đi một dặm…

"Chúng tôi có đặt vấn đề thi thí điểm, thực nghiệm phải được thông qua ở Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra cũng nhận định là cần có cơ quan kiểm chứng, phê duyệt trước khi thí điểm. Tiếp thu ý kiến này, ban soạn thảo đã đưa vào 2 khoản. Tuy nhiên, mới nghe qua thì thấy ban soạn thảo rất cầu thị, nhưng đọc kỹ vào câu chữ lại thấy cách viết lòng vòng, không thể hiện sự cầu thị" - ĐB Tuấn đánh giá.

Theo ĐB Dương Minh Tuấn, ở Điều 113 của dự thảo quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công. Theo ông, điều này đồng nghĩa áp dụng đại trà mới xin còn thí điểm thì không xin.

"Thực chất, quan điểm của ban soạn thảo vẫn giữ ý chí thí điểm, thực nghiệm là không thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi cho cái này không được" - ĐB Tuấn nói, đồng thời đề nghị ban soạn thảo có ý kiến về nội dung này.

"Việc thí điểm tốn tiền tỉ, học sinh làm chuột bạch nhưng lại do nguyên nhân gì đó không xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải nói cho chúng tôi biết lý do chứ đừng nói lòng vòng" - ĐB Dương Minh Tuấn cho hay.

Không thể bắt trẻ học để thành "ông nọ, bà kia"

Phát biểu thảo luận tại hội trường, ĐB Cao Đình Thưởng, Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Phú Thọ, cho rằng muốn đổi mới căn bản, sâu sắc, toàn diện trong giáo dục phải đi tìm trụ cột, tạo ra triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay. Theo ông, tư tưởng Hồ Chí Minh là một trụ cột chúng ta phải chú ý.

Đại biểu QH bức xúc về chương trình thí điểm "lấy học sinh làm chuột bạch" - 2

ĐB Cao Đình Thưởng

Về công tác đào tạo giáo viên, chuẩn trình độ, chế độ với nhà giáo, ĐB Cao Đình Thưởng khẳng định cần phải đầu tư cho "máy cái" của giáo dục là các trường sư phạm. Cần chọn người có phẩm chất, năng lực vào các trường sư phạm. Phải nâng cao vị thế và có chế độ ưu đãi rất cao với nhà giáo, thực hiện hướng chuẩn cho giáo viên, phương thức đào tạo tiến tới giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đều có trình độ đại học.

Theo ĐB, ở cấp mầm non, không nhất thiết phải đào tạo 4 năm, có thể 2,5 - 3 năm, cần chọn được cô giáo trẻ, đẹp, có sức khỏe để các cháu có tiếp cận học vấn ngay từ thời còn trẻ thơ.

Về chất lượng phương pháp dạy học. ĐB tỉnh Phú Thọ cho rằng hiện nay chất lượng giáo dục chưa cao, rất chậm đổi mới, nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm, nhẹ dạy kỹ năng sống, đào tạo làm người, hướng nghiệp. Chương trình sách giáo khoa quá nặng, học sinh khó tiếp thu. "Chúng ta hình như đang phức tạp hóa các vấn đề đơn giản".

"Ví dụ học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc, biết viết, học sinh phổ thông chỉ cần học kiến thức phổ thông, chúng ta đang hàn lâm hóa kiến thức đó. Những điều rất đơn giản trở thành rất phức tạp cho nên học sinh khó tiếp thu"- ĐB Thưởng đánh giá.

Theo ông, vấn đề này có nguyên nhân từ người lớn. Người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào óc trẻ làm việc học tập trở thành áp lực quá lớn, trẻ sợ học, chán học. Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình thành con người ta, giỏi toàn diện một cách quá sức dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ. "Đây là quan niệm rất sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực sở trường của trẻ em" - ông nói.

ĐB Thưởng cho rằng không thể bắt trẻ học để trở thành "ông nọ, bà kia" khi các cháu không thích, không đủ năng lực.

"Thử hỏi đã có mấy học sinh giỏi quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn và cần hiểu rằng trong một lớp, một trường chỉ có một em trở thành nhà văn, một em trở thành nghệ sĩ, một em là vận động viên chứ không phải là tất cả. Hãy dạy và định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân một cách hợp lý nhất" - ĐB Cao Đình Thưởng nói.

Sao chậm công bố chương trình khung mới?

Sự chậm trễ ban hành chương trình khung giáo dục phổ thông gây băn khoăn, lo lắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN