Giảm tải chương trình học, trả lại tuổi thơ, ba tháng hè cho học sinh

Sự kiện: Giáo dục

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất lo ngại, thậm chí thương các cháu học sinh vì hiện nay phải học quá nhiều, không còn khái niệm 3 tháng hè, không còn tuổi thơ nữa.

Giảm tải chương trình học, trả lại tuổi thơ, ba tháng hè cho học sinh - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Không để các trường tự chọn sách giáo khoa

Sáng 12/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật giáo dục sửa đổi. Liên quan đến việc thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Uỷ ban thẩm tra cho rằng, do thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế; một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội.

Thường trực ủy ban đề nghị cần bổ sung quy định Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc áp dụng đại trà sẽ có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, trong đó làm rõ các nội dung về quy trình, mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian thực hiện thí điểm.

Về thí điểm giáo dục, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thí điểm là làm thử, có thể thành công, cũng có thể thất bại. Bà Nga đặt câu hỏi: Thời gian qua có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là vấn đề “cải cách tiếng Việt”, vậy quan điểm của Chính phủ như thế nào về việc này?

Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, gần đây có rộ lên câu chuyện liên quan đến tài liệu học tập dạy tiếng Việt, rồi trước đây là công trình nghiên cứu của nhà khoa học Bùi Hiền. “Lúc đó tôi nói Chính phủ không có chủ trương cải cách tiếng Việt”, ông Đam nói. Còn với những tranh luận về tài liệu học tâp, theo ông, đó là một phương pháp dạy cho trẻ chứ không phải cải cách tiếng Việt. “Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt”, ông Đam nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định sử dụng sách giáo khoa tại điều 29 dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển rất lo ngại với quy định, các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để phục vụ cho giảng dạy học tập.

“Lúc đó bố mẹ mua sách này, nhưng đến trường thầy lại bảo không được, phải là sách kia. Quy định mỗi trường một chủ trương như vậy thì không hiểu ra sao? Điều này gây tốn kém rất lớn cho xã hội. Ở góc độ kinh tế là không hợp lý, lại không chính quy.

Quy định ở miền núi có một số sách không cần thiết thì có thể lược bỏ, hay sách nghiên cứu, học thêm thì tùy lựa chọn của gia đình, như vậy còn có thể được. Ngày chúng tôi học phổ thông 10 năm nhưng sách giáo khoa vẫn còn học được, anh vẫn để lại cho em học tốt", ông Hiển nhấn mạnh.

Thực nghiệm đổi mới nhiều, khổ học sinh

Tại phiên thảo luận, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng rất băn khoăn về quy định một chương trình nhiều sách giáo khoa, điều này phải hết sức cân nhắc, đặc biệt ở cấp tiểu học. Bà Hải cũng cho rằng, cử tri hiện nay rất bức xúc liên quan đến sách giáo khoa sử dụng một lần. Trung bình mỗi năm phụ huynh học sinh phải chi tới 1 nghìn tỷ đồng mua sách giáo khoa nhưng sử dụng một lần, rất tốn kém lãng phí. Bà Hải càng tỏ ra lo ngại, nếu tới đây áp dụng một chương trình nhiều sách giáo khoa, lúc đó NXB Giáo dục lại chiếm độc quyền xuất bản rất nhiều.

Cũng theo bà Hải, cử tri rất quan tâm đến việc thí điểm công nghệ giáo dục. Bà băn khoăn khi mô hình thự nghiệm trở thành đại trà. Trong khi luật giáo dục hiện hành còn nguyên giá trị, thì không ít nơi, điển hình như Hà Tĩnh đã dùng 100% sách công nghệ giáo dục, nghĩa là thành đại trà chứ không còn là thực nghiệm nữa.

“Đánh vần vuông tròn là phương pháp giáo dục, nhưng phụ huynh phản ánh, nhiều bài thơ có nhiều quan điểm khác lạ. Khi tôi đi tìm mua để tìm hiểu xem thực hư thế nào, thì các hiệu sách đều không bán, không mua được. Vậy phụ huynh muốn mua thì mua ở đâu? Có sự độc quyền trong việc cung cấp loại sách này không? Có sự độc quyền của NXB Giáo dục không?”, bà Hải đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị các cơ sở giáo dục phải được sử dụng sách giáo khoa ổn định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lo ngại khi vấn đề khai giảng hiện nay hình thức quá. Bà Ngân thấy thương học sinh, vì các cháu bây giờ không có hè, không có tuổi thơ, không có vui chơi. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần có tính thống nhất, đồng bộ, không thể có sách giáo khoa tự chọn được.

“Giáo dục bây giờ rất khó, không làm cho học sinh tiếp thu dễ dàng, đặt ra những cái quá cao siêu, hàn lâm, khác hẳn với cách học ngày xưa. Bây giờ thực nghiệm đổi mới nhiều quá, khổ học sinh”, bà Ngân cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị không thể quy định sách giáo khoa do nhà trường tự chọn, vì như vậy dẫn đến tiêu cực lớn, “giáo viên gợi ý và học sinh phải mua”. Giáo dục như thế là không toàn diện, tổng thể, cần thống nhất một loại sách giáo khóa trên cả nước, không để các trường tự chọn được.

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị phải giảm tải ngay các chương trình học cho học sinh và phải gắn liền với thực tế. “Đọc về dế mèn thì phải cho các cháu xem thực tế con dế là gì. Hay học về con trâu, phải chỉ cho các cháu con trâu như thế nào. Hiện nay kiến thức nhồi nhét quá nhiều, các cháu tí tuổi đã cận hết rồi. Phải giảm tải ngay chương trình học cho các cháu, nhất là đối với bậc tiểu học”, ông Tỵ nhấn mạnh.

Gần 50% học sinh lớp 1 đã học, sách của GS Hồ Ngọc Đại vẫn là... thí điểm?!

Được áp dụng và có kết quả khả thi, song nhiều nơi vẫn coi việc dạy theo sách Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ Giáo dục...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LUÂN DŨNG ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN