Từ chuồng đến chợ: Thịt heo tăng giá gấp đôi

Heo xuất chuồng hiện có giá 7 triệu đồng con/100kg, sau khi vào lò giết mổ, giá tăng lên gần 10 triệu đồng/con (78kg, trừ đầu và nội tạng), khi phân phối ra thị trường, con heo có giá khoảng 13 triệu đồng, gấp đôi so với giá xuất chuồng.

Tiểu thương “choáng” vì giá heo tăng chưa có điểm dừng

Tiểu thương “choáng” vì giá heo tăng chưa có điểm dừng

Ngày 15/11, tại nhiều chợ TPHCM như Bến Thành, Thị Nghè, Bà Chiểu, Hòa Bình…, giá thịt heo tăng cao ngất ngưởng, hầu hết đều trên 100.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt đùi từ 120.000-130.000 đồng, ba rọi (ba chỉ) 150.000 đồng/kg, ba rọi rút xương hơn 170.000 đồng/kg; sườn non 170.000-180.000 đồng/kg…

Giá tăng không dừng

“Heo tăng từng ngày, hôm nay giá này, mai đã nhích thêm vài ngàn đồng/kg. Giá này so với cách đây 2 tuần đã tăng từ 20.000-40.000 đồng/kg tùy loại. Heo tăng quá cao khiến ai cũng choáng váng, bữa giờ bán ế lắm vì khách không mua; chủ các quầy ăn cũng lấy hàng rất ít, họ chọn thực phẩm khác thay thế ” - bà Thu, chủ sạp quầy thịt heo tại chợ Bình Triệu (Q.Thủ Đức) than thở.

Theo nhiều tiểu thương chợ đầu mối, trước đây heo đủ trọng lượng mới được giết mổ thì nay có những ngày heo loại 50-60 kg/con về chợ rất nhiều. “Giá heo hơi tăng đột biến khiến chúng tôi cũng không kịp trở tay. Tuy giá cao nhưng có ngày không lấy được thịt do nguồn cung thiếu hụt. Giá heo hiện nay đang bằng hoặc cao hơn những ngày cao điểm Tết Nguyên đán năm 2019” - chị Thìn, tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn nói.

Ông Hưng, chủ hộ chăn nuôi heo ở Q.12 cho biết, do cung không đáp ứng đủ cầu nên giá tăng là chuyện đương nhiên. Một nguyên nhân sâu xa nữa là do thịt heo qua tay nhiều khâu trung gian trước khi ra thị trường, cũng góp phần đẩy giá thịt tăng cao. Ông dẫn chứng: “Một con heo hơi khoảng 100kg khi bán ra thị trường hiện nay có giá khoảng 7 triệu đồng. Thương lái mua rồi đem đi giết mổ, đưa ra chợ đầu mối, heo mảnh (trừ đầu, lòng) sẽ cộng thêm 15-20 giá (1,5-2 triệu đồng/con). Tiểu thương chợ lẻ mua lại, phân lọc xương, từng loại thịt và sẽ cộng thêm từ 22-25 giá tùy theo mãi lực từng chợ. Vị chi trung bình con heo ra thị trường có giá gấp đôi so với xuất chuồng”.

Ông Bảy, một người chăn nuôi ở Hóc Môn cho rằng có hiện tượng thương lái thổi giá, người chăn nuôi găm hàng khiến thị trường sốt giá. Thương lái không mua được heo từ hộ chăn nuôi, phải mua lại từ thương lái khác nên giá lại tiếp tục lên cao. Tuy nhiên, người bán vaccine và thức ăn chăn nuôi cũng tăng giá góp phần đẩy chi phí thịt lên cao. Giá cả cũng phụ thuộc nhiều vào các công ty lớn, họ tăng giá bao nhiêu thì thị trường tăng bấy nhiêu.

Tại “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai - địa phương cung cấp heo chủ lực cho thị trường khu vực phía Nam, tổng đàn chỉ còn trên 1,5 triệu con, giảm gần 50% so với trước. “Giá heo hơi của nhiều công ty chăn nuôi lớn “qua tay” các đại lý cũng đã ở mức 72.000-75.000 đồng/kg. Hầu như rất ít thương lái nhỏ lẻ mua được lợn hơi trực tiếp từ công ty chăn nuôi. Khi mua qua tay, giá heo hơi đã bị thổi thêm 5-7 giá”- một tiểu tương kinh doanh thịt heo tại TPHCM tiết lộ.

Dù giá heo thịt tăng chóng mặt, nhưng người chăn nuôi heo đẻ lại bất an, thấp thỏm do không ai dám tái đàn nên heo con cũng “ế” theo. Bà Đỗ Thị Út nuôi heo VietGap (H.Củ Chi) bộc bạch, đang có gần chục heo con chuẩn bị xuất chuồng (tầm 20kg/con). Trước đây bà bán tới 1,5 triệu đồng/con, nhưng nay giá chỉ còn 1 triệu đồng. “Heo nhà nuôi không nhiễm dịch tả châu Phi nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì tôi chuyên bán heo con. Dịch chưa có vaccine, người nuôi không dám tái đàn thì mình bán cho ai? Nếu cứ đà này thì sắp tới sẽ không còn thịt heo nữa” - bà Út nói.

Sẽ bán heo kiểu… chứng khoán

Hiện tượng thương lái tỏa đi khắp các địa phương để lùng mua heo, giá cao nhưng vẫn khó mua được hàng đang ra tại nhiều địa phương. Nguyên nhân do nhiều trại chăn nuôi không vội vàng xuất heo vì kỳ vọng mức giá còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nguồn heo ngày càng khan hiếm.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhìn  nhận, chưa bao giờ giá heo hơi lại biến động mạnh như những ngày qua. Heo hơi có thời điểm vượt ngưỡng 70.000 đồng/kg, mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. “Nguồn heo cung cấp ra thị trường hiện nay chủ yếu là của các công ty lớn, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại rất lớn do dịch tả heo châu Phi nên lượng heo còn rất ít” - ông Công nói.

Dù giá cao nhưng ông Công cho rằng thịt heo vẫn được tiêu thụ mạnh, do thực phẩm này chiếm 75% nhu cầu thịt của người dân. Dẫu vậy ông Công vẫn khuyến khích người dân nên thay thế thịt heo bằng thịt gà, vịt hoặc thịt heo mát trong thời điểm hiện nay.

Liên quan đến giá cả, chất lượng thịt heo, TPHCM cho biết sắp tới sẽ ra mắt sàn giao dịch thịt heo. Với sàn giao dịch thịt heo, cơ sở chăn nuôi và chợ đầu mối sẽ giao dịch trực tiếp. Người chăn nuôi và chợ đầu mối có quyền quyết định chính, thương lái chỉ cung cấp dịch vụ logistics là vận chuyển heo.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó trưởng ban đề án Sàn giao dịch heo TPHCM cho biết, mặc dù dịch tả heo châu Phi khiến thịt heo tăng giá, nhưng nhu cầu sử dụng thịt heo của người dân Sài Gòn vẫn rất lớn. Tuy nhiên, người dân vẫn có thói quen dùng thịt nóng là chủ yếu.

Thịt heo hiện nay đa số vẫn giết mổ thủ công, không bảo đảm dịch tễ cũng như an toàn thực phẩm. Phương thức mua bán truyền thống thông qua thương lái là chủ yếu sơ khai, đơn giản. TPHCM chỉ áp dụng máy móc vào khâu vận chuyển bằng xe tải từ điểm giết mổ đến chợ đầu mối, còn lại đa phần đều làm theo kiểu truyền thống. Kho lạnh còn rất sơ khai, thương lái vẫn còn tự động thu mua. Bên cạnh đó, người chăn nuôi và tiêu dùng vẫn ở vị trí bị động. Người chăn nuôi có hàng nhưng không quyết định được giá. Người tiêu dùng cũng không biết giá cụ thể là bao nhiêu để lựa chọn. Thông tin thị trường cũng không công khai, minh bạch, cơ quan nhà nước chưa quản lý được hết thương lái, người chăn nuôi...

“Định hướng là sàn giao dịch heo phải kết nối được chủ thể quan trọng trong chuỗi cung ứng, nhất là chủ thể chăn nuôi và chủ thể giết mổ và thương nhân chợ đầu mối, tiến tới chấm dứt lò giết mổ thủ công, tập trung giết mổ công nghiệp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa sản phẩm thịt heo chất lượng đến người tiêu dùng với giá hợp lý” - ông Hòa cho biết.

Người giết mổ nhỏ lẻ làm giá?

Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, nếu giá lợn cứ tăng như hiện nay, thị trường sẽ bị phá vỡ.  “Chính người giết mổ nhỏ lẻ đang làm giá, chứ các doanh nghiệp có hệ thống giết mổ hiện đại không làm giá", ông Dương phân tích và cho rằng “giá lợn do người Việt kéo lên và chúng ta có thể kéo xuống được”. Theo ông Kiều Đình Thép, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, gần 50 ngày kể từ khi giá heo hơi bắt đầu tăng, giá của công ty luôn thấp hơn thị trường. Tuy nhiên, nếu như tình trạng này kéo dài mãi, doanh nghiệp sẽ phải xin phép các cơ quan chức năng điều chỉnh giá cho phù hợp.  Những ngày gần đây, giá lợn hơi tăng cao, nhưng C.P bình ổn giá thịt lợn dao động từ 65.000- 67.000 đồng/kg.

Theo ông Phạm Quang Hiền, Giám đốc Hệ thống bán lẻ miền Bắc MeatDeli (Công ty Masan MEATLife), thịt mát của Masan đã phân phối từ đầu tháng 3 đến nay và hiện đã tổ chức 400 điểm bán tại các chợ và siêu thị, với giá ổn định.“ Hiện tại, nguồn đầu vào giá cả tăng, chúng tôi cũng điều chỉnh giá, tuy nhiên mức điều chỉnh rất ít”, ông Hiền nói. Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, dịp cuối năm chắn chắn giá lợn sẽ tăng cao, do nhu cầu tăng, tuy nhiên, mức tăng sẽ không quá cao, và không lo khủng hoảng nếu sản xuất tốt. “Nếu không chỉ đạo tốt thì sẽ tạo giá ảo, đẩy giá lên. Hiện dịch đã cơ bản kiểm soát tốt, các địa phương nên vận động người dân tái đàn có kiểm soát, đừng né tránh việc tái đàn. Nếu đủ điều kiện hãy hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn”, ông Dương nới.

Nam Khánh

Nguồn: [Link nguồn]

Giá thịt lợn tăng vọt do tiểu thương “làm giá”?

Ngày 14/11, giá nạc thăn ở mức 140.000 đồng/kg; sườn thăn 165.000 đồng/kg. Tăng trung bình 30% so với cuối tháng 10. Các chuyên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN