Đến bao giờ giá thịt lợn mới “hạ nhiệt”?

Giá lợn hơi những ngày gần đây lại biến động hỗn loạn khi dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu lan trên diện rộng tại nhiều tỉnh miền Bắc.

Dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu bùng phát trở lại đe dọa nguồn cung dài hạn khiến cơ hội giảm giá thịt lợn càng khó khăn

Dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu bùng phát trở lại đe dọa nguồn cung dài hạn khiến cơ hội giảm giá thịt lợn càng khó khăn

Giới chăn nuôi nhận định, giá thịt lợn có thể còn cao đến hết 2021.

Dịch có xu hướng lây lan rộng

Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 6/7, đại diện Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay cả nước có 251 xã thuộc 64 huyện của 17 tỉnh, thành phố có bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày. Trong đó, chỉ riêng trong tháng 6 có 14 tỉnh đã bị tái phát dịch, tại 143 xã với số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy 5.856 con; Từ đầu tháng 7 đến nay dịch tái phát tại 4 xã của 3 tỉnh. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy trong tháng là 136 con và nguy cơ tái phát diện rộng tại các tỉnh phía Bắc như Điện Biên, Cao Bằng.

Cụ thể, theo Sở NN&PTNT Cao Bằng, tại địa phương này, dịch đang diễn biến đáng lo ngại khi đã tái phát trên diện rộng, tiếp tục đe dọa sự an toàn của đàn lợn và ảnh hưởng đến xu thế tái đàn trong bối cảnh giá lợn hơi đang ở mức cao. Dịch tái phát từ tháng 4, tính đến ngày 20/6, đã có 103 hộ chăn nuôi thuộc 30 xã, thị trấn tại 9/10 huyện, thành phố trong tỉnh tái phát dịch tả lợn châu Phi.

Tương tự, tại Điện Biên, Chi cục Thú y tỉnh cho biết, chỉ trong tháng 6, dịch đã tái phát tại 11 thôn, bản thuộc 8 xã thuộc huyện Điện Biên, TP Điện Biên Phủ và huyện Mường Chà với số lượng tiêu hủy 192 con lợn.

Ngay cả tại Hà Nội, tính đến hiện tại, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng xảy ra tại 13 hộ chăn nuôi của 6 huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Trì, Đan Phượng, Mê Linh, Sơn Tây với 71 con lợn có trọng lượng 5.589kg phải tiêu hủy…

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, biện pháp để đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngăn ngừa sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi chính là thực hiện tốt mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm soát không cho dịch lây lan trên diện rộng để tích cực tái đàn...

Giá thịt lợn bao giờ giảm?

Giá lợn hơi ngày 6/7 tại miền Bắc dao động trong khoảng 90.000- 95.000 đồng/kg, đây là khu vực có mức giá cao nhất cả nước. Các tỉnh miền Trung và miền Nam cũng đang có xu hướng tăng khi lượng lợn sống nhập khẩu về nước khá khiêm tốn, dao động ngưỡng 81.000-90.000 đồng/kg. Các địa phương có sự tăng, giảm giá hỗn loạn theo tâm lý và nguồn cung tại địa phương. Nhiều chủ nuôi cho rằng, giá lợn hơi sẽ còn tăng cao ít nhất đến hết năm 2021 với tốc độ tăng đàn và diễn biến dịch như hiện tại.

Đại diện Bộ NN&PTNT xác nhận, tổng đàn lợn của cả nước đến tháng 6/2020 đạt 23,05 triệu con, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2019 (24,92 triệu con). Sản lượng thịt lợn 6 tháng đầu năm nay ước đạt 1,64 triệu tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện, giá lợn hơi dao động ở mức 86.000-93.000 đồng/kg và đang có xu hướng tăng mạnh. Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh và siêu thị vẫn ở mức cao, từ 150.000- 250.000 đồng/kg tùy loại.

Theo ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội), do tác động của dịch tả lợn châu Phi nên lượng người dân tham gia chăn nuôi không còn như trước đây, đồng nghĩa với việc nguồn cung đang giảm. Do đó, giá thịt lợn sẽ chắc chắn chưa thể giảm cho hết năm 2021.

Lý giải về điều này, ông Long cho rằng, thực tế đàn lợn thịt phụ thuộc vào việc tăng đàn nái, mà lợn nái thì chỉ còn ở các trang trại lớn. Những người dân muốn tái đàn phải mua con giống từ các chợ với giá cao, không rõ nguồn gốc nên rủi ro cao, nhiều khi mua về sau 7-15 ngày thì lợn phát bệnh chết.

Nguyên nhân là do giá lợn hơi trên thị trường tăng cao nên khi lợn ốm, mắc bệnh, một số người chăn nuôi giấu dịch, không báo đến cơ quan chuyên môn mà bán “chạy” dịch, giết mổ lợn để tiêu thụ; Mặt khác, do công tác giám sát, phát hiện, xử lý còn hạn chế nên có trường hợp vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan mầm bệnh.

Theo ông Long, trong những tháng vừa qua, việc tái đàn không có dấu hiệu tăng. Và với số lượng lợn sống nhập khẩu nhỏ giọt như hiện nay thì rất khó mong chờ thay đổi được thị trường từ giải pháp này. “Do đó, chúng ta cần chuẩn bị tâm lý đón nhận việc giá thịt lợn sẽ không thể giảm sâu ít nhất đến cuối năm 2021”, ông Long nhận định.

Cùng nhận định trên, chị Nguyễn Thị Hà (Quốc Oai, Hà Nội) một chủ nuôi khác khẳng định một cách chắc chắn: “Không thể giảm giá lợn hơi trong năm nay bởi lợn tái đàn hao hụt nhiều, khi đàn lợn con mua về chết rất nhiều. Hơn nữa, lợn giống đắt nên chủ nuôi thường dè chừng không nuôi tràn lan như trước đây. Người dân sợ nhất là sự quay lại của dịch tả lợn châu Phi nên từ khi có thông tin Hà Nội có dịch từ tháng 4, mọi người hầu như đã không còn tính toán đến việc chăn nuôi nữa”.

Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến hết ngày 5/7/2020, Việt Nam đã nhập 8.692 con lợn thịt từ Thái Lan. Hiện tại không có vướng mắc gì về việc kiểm dịch nhập khẩu, tuy nhiên cũng không thể nhập khẩu ồ ạt vì rủi ro dịch bệnh có thể xảy ra.

Cũng theo nhận định của Bộ NN&PTNT, giải pháp chính vẫn là kiểm soát dịch bệnh và tăng nhanh tái đàn mới có thể đưa giá thịt lợn về mức kỳ vọng bởi thịt lợn đông lạnh không phải là thói quen tiêu dùng của người dân, cũng không thể mạo hiểm bằng cách ồ ạt nhập khẩu.

Nguồn: [Link nguồn]

Choáng váng nhà hàng phục vụ bữa ăn bằng cả một gia tài

Các nhà hàng dưới đây không chỉ làm món ăn từ những nguyên liệu tốt nhất, mà còn sở hữu những đầu bếp giỏi nhất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Bùng phát cúm gia cầm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN