Những bữa ăn bên trong hang Sơn Đoòng

Quảng Bình - Một bữa tối trong hang Sơn Đoòng thường có 7 món, được đầu bếp lên thực đơn cân đối, chế biến trong hang, đảm bảo đủ năng lượng cho du khách.

18h, tại bãi trại hố sụt 1 trong hang Sơn Đoòng, đầu bếp chính Hồng Quang cùng hai trợ lý bày biện những món ăn cho bữa tối. Các thành viên của đoàn chinh phục hang Sơn Đoòng đầu tiên trong năm 2024 đã trở về bãi trại trước đó một giờ.

Bữa tối ngày thứ hai của hành trình gồm thịt gà nướng chấm muối cheo, thịt bò xào ớt chuông, thịt lợn luộc, đậu phụ sốt cà chua, khoai tây chiên, gỏi rau lang, canh bí đao, các loại gia vị ăn kèm. Đồ uống là trà và cà phê. Một bữa ăn được đánh giá "trên mức đầy đủ" so với cơm nhà và "hoành tráng" so với một tour trekking, cho khoảng 18 đến 20 người.

Tour Sơn Đoòng 4 ngày 3 đêm trong hang, có tổng cộng 10 bữa ăn chính và các bữa phụ đêm cho những du khách có nhu cầu, gồm ngô, khoai, lạc nướng.

Anh Hồng Quang, 48 tuổi, người Quảng Bình, là đầu bếp của tour Sơn Đoòng đã 7 năm. Trước đây anh từng làm tại một số nhà hàng địa phương. Để chuẩn bị bữa ăn cho du khách, mỗi ngày, anh Quang thức dậy từ 5h, chuẩn bị bữa sáng, sau đó dọn dẹp và thực hiện hành trình cùng mọi người. Anh sẽ về bãi trại sớm hơn để làm bữa tối, rồi tiếp tục dọn dẹp và xem nguyên liệu cho ngày hôm sau, công việc kết thúc vào khoảng 22h.

Bữa tối thường được chế biến cầu kỳ nhất. Đồ ăn cho bữa tối đều có số lượng tương tự như trên, nhưng cách chế biến sẽ thay đổi. "Nếu ngày hôm trước làm thịt bò xào, hôm sau sẽ là bò cuốn lá lốt nướng", anh Quang nói.

Bữa sáng và trưa đơn giản hơn nhưng đều phong phú, đủ chất, không lặp lại, thường gồm bánh mì bò né, cơm chiên, mì gói, bánh tráng cuốn, bánh crepe, sandwich. Khách trong đoàn gồm cả người châu Á, châu Âu, Mỹ nên đồ ăn được chuẩn bị đa dạng để ai cũng ăn được, đảm bảo nạp đủ năng lượng.

Anh Quang là người tự lên thực đơn trước mỗi tour và tự chuẩn bị nguyên liệu. Thực phẩm mang theo sẽ được bảo quản lạnh, đảm bảo độ tươi và đầy đủ cho hai đêm đầu tiên của hành trình. Đêm thứ ba, đồ sẽ được tiếp tế từ phía lối ra của hang, vượt Bức tường Việt Nam ở hướng ngược lại.

"Cá không được sử dụng làm thực phẩm trong tour bởi khó bảo quản. Ngoài ra cá cũng có xương, gây rủi ro cho người ăn", anh Quang cho hay.

Anh Quang chế biến bữa tối tại bãi trại trong tour Sơn Đoòng, tháng 1/2024.

Anh Quang chế biến bữa tối tại bãi trại trong tour Sơn Đoòng, tháng 1/2024.

Mỗi tour có một đầu bếp chính, một hoặc hai phụ bếp. Đầu bếp của các tour hang động không chỉ cần kỹ năng nấu nướng, mà còn phải có sức khỏe bởi họ cũng thực hiện những quãng đường như một người chinh phục, đồng thời phải gánh theo hơn 10 kg hành lý.

Để phục vụ riêng cho các bữa ăn, hành lý của porter gồm có bình gas lớn, nặng khoảng 20 kg, bếp gas, nồi, chảo, bát đũa, các dụng cụ nấu nướng, và những đồ dùng cần thiết khác. Các porter khi hoàn thành công việc ban ngày cũng sẽ hỗ trợ bếp mỗi buổi chiều tối. Nhờ thế bữa tối cho đoàn khách, tour guide và nhóm hỗ trợ được thực hiện chỉ trong khoảng một tiếng. Nhóm hỗ trợ thường sẽ ăn trước, bữa ăn đơn giản, khách sẽ ăn sau và thường được bày biện cầu kỳ hơn.

Hoàng Anh, thành viên đoàn thám hiểm Sơn Đoòng đầu tháng 1, nói bữa nào cũng ăn hết sạch khẩu phần của mình, thậm chí còn "ăn giúp" một số người. "Các bữa ăn trong hang rất ngon, vừa miệng. Các mâm đều hết sạch khiến đầu bếp rất vui, có thêm hứng thú với công việc".

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Adventure và Oxalis Holiday, đơn vị cung cấp độc quyền tour Sơn Đoòng, cho hay công ty chuẩn bị kỹ và đầu tư các bữa ăn cho khách. Khi đặt tour, khách sẽ được hỏi về thói quen ăn uống vì trong rừng sâu không có hàng quán, cũng không mua được thêm thực phẩm.

Vì những yêu cầu thực tế này, công ty phải có đầu bếp nấu ăn ngon. "Rất may những thanh niên ở Phong Nha hay Tân Hóa đang làm đầu bếp hoặc trợ lý trước đây đều từng đi rừng cả tháng nên đã học cách nấu ăn ngon", ông Á cho hay.

Và theo ông Á khi khách ăn ngon và khen, "đầu bếp rất phấn khởi và tìm cách nâng cao hơn nữa chất lượng bữa ăn".

Khu vực ăn tối tại bãi trại, tháng 1/2024

Khu vực ăn tối tại bãi trại, tháng 1/2024

Mỗi tour Sơn Đoòng có trung bình 10 khách, gần 30 người phục vụ. Trong đó, 20 porter mang hàng lý, thực phẩm suốt hành trình, 5 trợ lý an toàn, một hướng dẫn viên, một chuyên gia hang động, 2 đầu bếp và một kiểm lâm. Họ đều là người địa phương, được tập huấn thường xuyên về an toàn, cứu hộ. Họ đảm bảo mang 600 kg trang thiết bị, vật dụng vào và ra khỏi hang, kể cả chất thải. Khi đoàn rời đi, các bãi trại được dọn dẹp, trả lại không gian sạch sẽ như ban đầu.

Tour nằm trong vùng lõi vườn quốc gia và cách xa tất cả các hỗ trợ từ bên ngoài như y tế, cấp cứu hay các hoạt động hỗ trợ khác dù vẫn có trang bị điện thoại vệ tinh để hướng dẫn viên liên lạc khi có sự việc khẩn cấp. Trường hợp khẩn cấp sẽ có máy bay trực thăng hỗ trợ.

Hang Sơn Đoòng nằm ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được mệnh danh là hang động đá vôi tự nhiên lớn nhất thế giới năm 2009. Hang được hình thành từ khoảng 2-5 triệu năm trước, khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Dòng nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Hang có chiều rộng 150 m, cao hơn 200 m, chiều dài gần 10 km.

Tour Sơn Đoòng được khai thác từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm, giới hạn mỗi tour khoảng 10 khách để đảm bảo yếu tố an toàn cho người tham gia, đồng thời dành thời gian tái tạo môi trường. Một năm có khoảng 1.000 đến 1.200 khách được phép khám phá Sơn Đoòng.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngay khi bước vào động Hang Tiên 1, Quảng Bình, anh Nguyễn Hải - tác giả của bức ảnh "Mắt Bão Tử Thần" - vỡ òa cảm xúc tới gần 30 phút vì bị mê hoặc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Hương ([Tên nguồn])
Địa điểm du lịch hot 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN