Bí mật lâu đài Friedrichshof

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Thị trấn nhỏ Kronberg của nước Đức được đặt theo tên của dòng họ hiệp sĩ đã thành lập thị trấn vào năm 1220. Kronberg chỉ có 18 ngàn dân, nhưng có đến 56 triệu phú. Người giàu chọn nơi đây vì không khí trong lành, êm đềm và nhiều cây xanh của Công viên Nữ hoàng Victoria.

Và còn một điều hấp dẫn nữa, pháo đài hiệp sĩ trong thành phố mang tên Friedrichshof, được xem là có kho báu và nhiều điều bí mật....

Lâu đài Friedrichshof

Victoria Adelaide Mary Louisa  sinh năm 1840 là Công chúa Hoàng gia của Anh, từ nhỏ đã được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục tiên tiến. Năm 16 tuổi, Victoria đã đính hôn với Vương tử Friedrich của Phổ. 

Victoria và Friedrich đồng quan điểm rằng Phổ và đế quốc Đức tương lai sẽ trở thành một nhà nước quân chủ lập hiến giống mô hình Anh quốc. Bị phê phán về quan điểm tự do và nguồn gốc xuất thân Anh quốc, Victoria bị cả Vương tộc Hohenzollern cũng như triều đình Berlin tẩy chay.

Hoàng hậu Friedrich và người thân tại Lâu đài Friedrichshof.

Hoàng hậu Friedrich và người thân tại Lâu đài Friedrichshof.

Vào năm 1888, chồng bà là Friederich III lên làm vua nước Phổ, đồng thời cũng là Hoàng đế thứ hai của Đế quốc Đức, Victoria trở thành Hoàng hậu Đức và Phổ. Nhưng chỉ sau 99 ngày, đức vua bị bệnh ung thư thanh quản và qua đời khi mới 56 tuổi. Thời gian làm hoàng hậu quá ít - chỉ hơn 3 tháng, bà ít có cơ hội để gây ảnh hưởng đến chính sách của Đế chế Đức. Và người kế vị là con trai của bà là Wilhelm II (là Hoàng đế cuối cùng của Đức), một nhân vật cực kì bảo thủ so với song thân.

Sau cái chết của chồng, cũng năm 1888, Victoria mua Schonbusch Villa (ở Kronberg im Taunus – Đức), là nơi nghỉ ngơi vào mùa hè trước đây của thương gia Frankfurt Jacques Reis. Tại đây Victoria cho xây dựng một lâu đài khổng lồ được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Đức Ernst Eberhard von Ihne.

Lâu đài được xây dựng theo phong cách kiến trúc hỗn hợp: Tudorstil (nghệ thuật xây dựng của Anh thời kỳ cuối Gothic) với các yếu tố của những ngôi nhà nửa gỗ thời Phục hưng và Hessian.

Xung quanh tòa lâu đài có một công viên với thác nước và vườn hoa hồng, cùng một sân golf được cho là tốt nhất ở châu Âu. Lâu đài hoàn thành năm 1893 và được đặt tên là Friedrichshof để tưởng nhớ người chồng quá cố của bà. Hoàng hậu Victoria sống ở đây từ năm 1894 cho đến khi qua đời vào năm 1901 (60 tuổi), chỉ vài tháng sau cái chết của mẫu thân bà là Nữ vương Victoria.

Tấm bia kỷ niệm tại lâu đài Friedrichshof.

Tấm bia kỷ niệm tại lâu đài Friedrichshof.

Ở đây có hệ thống sưởi trung tâm, thang máy vận chuyển hàng hóa và đèn điện. Đã có nhiều vị khách nổi tiếng như Hoàng đế Nicholas II và Hoàng đế Đức – Phổ Wilhelm II viếng thăm lâu đài Friedrichshof.

Sau cái chết của hoàng hậu, lâu đài được chuyển giao cho Công chúa Margaret và sau đó đại diện của gia tộc Nessen - Nassau thừa hưởng với người cuối cùng là Hoàng tử Philip.

Friedrichshof sau chiến tranh

Vào mùa xuân năm 1945, quân đội 3 của Tướng George Patton, nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng của Lục quân Hoa Kỳ trong Chiến tranh Thế giới lần II, trong các chiến dịch ở Bắc Phi, Sicilia (một vùng hành chính tự trị của Ý), Pháp và Đức, từ 1943–1945 đã chiếm đóng Frankfurt. Khu vực này bị máy bay quân Đồng minh ném bom. Chỉ có rất ít tòa nhà trong thành phố, bao gồm lâu đài Friedrichshof và môi trường xung quanh  không trúng bom.

Victoria - Hoàng hậu Đức và Phổ.

Victoria - Hoàng hậu Đức và Phổ.

Bộ chỉ huy Mỹ đã mời chủ sở hữu lâu đài này rời khỏi đây một thời gian và quân đội Mỹ đến đây đóng quân. Tại đây có một câu lạc bộ sĩ quan ưu tú do Đại úy Kestlin Nash - một phụ nữ 42 tuổi, tới Đức để tìm kiếm sự phiêu lưu.

Trước khi vào quân đội, cô làm việc ở Hoa Kỳ với tư cách là trợ lý cho người quản lý câu lạc bộ quốc gia giàu có Phoenix. Khi đến lâu đài này, với sự giúp đỡ của 30 người hầu ở Đức, cô đã nhanh chóng thành lập câu lạc bộ. Sự nổi tiếng của nó đã lan rộng trong khu vực này. Không chỉ lính Mỹ, mà cả các sĩ quan sống trong những căn lều bụi bặm và ăn những khẩu phần khô khan, cũng thường đến thăm lâu đài Friedrichshof. Đến đây họ cảm thấy có một kỳ nghỉ thư giãn thực sự.

Chẳng mấy chốc, Friedrichshof trở thành một nơi ăn chơi nghỉ dưỡng nổi tiếng. Một số sĩ quan đã trở thành bạn với Đại úy Kestlin Nash - “nữ hoàng” của lâu đài trong thời gian này. Họ thường tổ chức tiệc vào buổi tối, nghe nhạc và nhảy múa. Trong số đó có Thiếu tá David Watson và Đại tá Jack Durant, người từng làm luật sư trước chiến tranh. Tới lui đây một thời gian, Đại tá Jack Durant (đã ly dị vợ) và nữ Đại úy Kestlin Nash đã có tình cảm với nhau.

Lấy trộm “kho báu”

Trong quá trình ở đây, Đại tá Jack Durant đã ra lệnh cho những người hầu Đức, dưới sự hướng dẫn của trợ lý anh ta là Corporal Carlton, tiến hành kiểm tra cẩn thận hầm của lâu đài Friedrichshof. Họ đã tìm thấy hầm rượu với 1.600 chai rượu vang Pháp từ thời Napoleon, mỗi chai có giá cả gia tài.

Một góc bên trong lâu đài.

Một góc bên trong lâu đài.

Quá vui mừng khi phát hiện hầm rượu, Đại tá Jack Durant kêu Corporal Carleton tiếp tục tìm kiếm và sáng hôm sau, họ phát hiện ra một kho báu trong lâu đài này. Kestlin Nash, Thiếu tá David Watson và Đại tá Jack Durant quá vui mừng, nhất là khi thấy khá nhiều những viên ngọc quý. Họ bàn nhau về việc “phải làm gì” với kho báu này.

Đại tá Jack Durant từng là luật sư nên ông ta khá hiểu luật. Ông ta cho rằng chỉ có tòa án quân sự Mỹ mới có thể phán xét họ về hành vi trộm cắp các giá trị trong thời chiến ở nước ngoài. Sau khi hết thời hạn ở đây, khi về Mỹ họ sẽ xin từ chức và xuất ngũ thì mọi việc sẽ êm xuôi. Sau khi bàn bạc thống nhất, các sĩ quan quyết định lấy cắp toàn bộ tài sản chứa trong lâu đài.

Sau khi chia báu vật, họ gửi nó từng phần bằng đường bưu chính của quân đội về Hoa Kỳ, đến địa chỉ những người thân của họ. Thiếu tá David Watson đã gửi tặng trang sức trị giá 2.500 đô la cho bạn gái của mình. Ông ta cũng bán một số mặt hàng, bao gồm một quả trứng Phục sinh Faberge. Đại tá Jack Durant và nữ Đại úy Kestlin Nash cũng bán một số đồ trang sức tại Thụy Sĩ.

Vào tháng 3/1946, thời gian phục vụ của nữ Đại úy Kestlin Nash ở Đức đã hết hạn. Bà và những người bạn của mình trở về Hoa Kỳ và ngay lập tức xin xuất ngũ để thực hiện dự định một cuộc sống thoải mái với số tài sản lấy được từ lâu đài Friedrichshof ở Đức.

Đại tá Jack Durant sau khi xin xuất ngũ và nghỉ hưu, ông đã mua một chiếc Chevrolet sang trọng với giá 1.400 đô la và đi đến Chicago gặp bạn gái của mình là nữ Đại úy Kestlin Nash. Ở đó, ông và bạn gái đã bán hầu hết hàng hóa đánh cắp được cho một thợ kim hoàn địa phương. Nhưng hải quan đã phát hiện và tịch thu số kim cương, đá quý nhập lậu vào nước này. Đại tá Jack Durant đã nhanh chóng chôn phần còn lại của kho báu bên lề đường gần nhà của anh trai mình.

Hình phạt

Sau khi những người lính Hoa Kỳ về nước, chủ nhân của lâu đài Friedrichshof đã quay trở lại, họ phát hiện mất nhiều tài sản giá trị. Ngay sau đó, Công chúa Hessian Sofia đã đến Cục Điều tra tội ác chiến tranh để báo cáo về việc bị trộm cắp kho báu của gia đình. Cô cũng cho biết những người Mỹ đã sống ở lâu đài Friedrichshof.

Lâu đài hiện nay là khách sạn sang trọng.

Lâu đài hiện nay là khách sạn sang trọng.

Một điều tra viên quân sự đã thẩm vấn những người hầu của Đức trong lâu đài. Họ khai Đại úy Kestlin Nash và Đại tá Jack Durant đã lấy các tài sản của kho báu.

Ở Mỹ, Đại tá Jack Durant đã kết hôn với nữ Đại úy Kestlin Nash. Cặp vợ chồng mới cưới đã tổ chức một buổi lễ "khiêm tốn", trong đó cô dâu đeo trang sức đã đánh cắp và sau đó họ đi hưởng tuần trăng mật. Nhưng văn phòng công tố viên quân đội đã theo bước chân của họ. Họ đã bị bắt tại một khách sạn ở Chicago để điều tra.

Đại úy Kestlin Nash đã không vượt qua bài kiểm tra phát hiện nói dối. Thiếu tá David Watson cũng vậy. Đại tá Jack Durant, ban đầu không nhận tội. Nhưng dưới áp lực mạnh mẽ của cơ quan điều tra, cuối cùng anh ta khai nhận việc lấy cắp tài sản ở lâu đài Friedrichshof. Cơ quan điều tra đã thu lại số tài sản đã mất từ những người mua của vợ chồng Đại tá Jack Durant, tịch thu tài sản lấy cắp từ Thiếu tá David Watson và từ Đại úy Kestlin Nash. Số tài sản mà Đại tá Jack Durant chôn gần nhà anh trai cũng được cơ quan chức năng đào lên.

Kết thúc điều tra, tòa án quân sự tổ chức tại Đức xử Đại úy Kestlin Nash 5 năm tù, Thiếu tá David Watson 3 năm. Đại tá Jack Durant 15 năm, vì anh ta có cấp bậc cao nhất, được xem là kẻ chủ mưu.

Câu chuyện về vụ trộm đồ trang sức trị giá 1,5 triệu đô la (ngày nay nó tương đương 55 triệu đô la) là vụ trộm nổi tiếng lúc bấy giờ xảy ra tại lâu đài Friedrichshof.

Vào ngày 1/8/1951, Bộ Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ đã trả lại những viên ngọc đã tịch thu được cho chủ nhân của chúng. Chủ lâu đài Friedrichshof cho biết số tài sản nhận lại chưa đến một nửa số bị đánh cắp.

Vào năm 1952, Đại tá Jack Durant được được ân xá. Ông này trở về với người vợ Kestlin Nash. Họ sống với nhau thêm hai mươi năm, cho đến khi người vợ qua đời.

Từ năm 1954, toà lâu đài này được sử dụng làm khách sạn. Nó nổi tiếng thế giới. Tại đây, bạn có thể thấy một số đồ nội thất nguyên bản, tác phẩm nghệ thuật từ bộ sưu tập của Hoàng hậu Victoria và thư viện phong phú của bà. Có một bức tượng của chồng bà - Frederick III ở phía trước khách sạn và một tấm bia kỷ niệm ở bên phải. Cảnh quan của Công viên Victoria xung quang lâu đài tuyệt đẹp. Những người hâm mộ về một thời phong kiến Hoàng gia vẫn đến đây để được tận mắt nhìn thấy lâu đài của Hoàng hậu Victoria.

Nguồn: [Link nguồn]

Lâu đài ”ma” ở Romania và những câu chuyện lạnh gáy

Hãy khám phá lâu đài Bran ở vùng Transylvania của Romania và tìm hiểu về những câu chuyện khiến nhiều người kinh hãi tại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Cảnh ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN