Xuất hiện 3 mặt trăng mới trong hệ Mặt Trời

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Ba mặt trăng mới sẽ được đặt tên theo nhân vật trong kịch Shakespeare và thần thoại Hy Lạp.

Theo Live Science, Liên minh Thiên văn quốc tế (IAU) vừa công nhận 3 "công dân" mới của Thái Dương hệ, bao gồm 1 mặt trăng quay quanh Sao Thiên Vương và 2 mặt trăng quay quanh Sao Hải Vương.

Sao Hải Vương ở tiền cảnh và Sao Thiên Vương ở phía xa vừa có thêm một số mặt trăng - Ảnh đồ họa: NASA

Sao Hải Vương ở tiền cảnh và Sao Thiên Vương ở phía xa vừa có thêm một số mặt trăng - Ảnh đồ họa: NASA

Mặt trăng quanh Sao Thiên Vương mang số hiệu S/2023 U1, là một trong những mặt trăng nhỏ nhất của hệ Mặt Trời với đường kính chỉ khoảng 8 km.

Nó quay một vòng quanh Sao Thiên Vương mất khoảng 680 ngày và là mặt trăng thứ 28 được biết đến của hành tinh này.

Theo "truyền thống", mặt trăng của Sao Thiên Vương sẽ được đặt tên chính thức theo tên một nhân vật nào đó trong kịch Shakespeare, cũng như các "anh chị em" Titania, Oberon và Puck của nó.

Các vệ tinh mới của Sao Hải Vương là S/2022 N5 và S/2021 N1, đường kính lần lượt là 23 km và 14 km, mất lần lượt 9 năm và gần 27 năm để quay quanh hành tinh mẹ khổng lồ.

Giống như các mặt trăng khác của Sao Hải Vương, chúng sẽ có tên chính thức được đặt dựa theo các con gái của nữ thần biển Nereus trong thần thoại Hy Lạp. Trước chúng, Sao Hải Vương có tổng cộng 16 vệ tinh tự nhiên được xác định.

Cả ba vệ tinh này là những mặt trăng mờ nhất từng được phát hiện bởi kính viễn vọng mặt đất, một lần nữa cho thấy sự phát triển của công nghệ có thể giúp con người nhìn vào vũ trụ ngày một xa hơn, rõ ràng hơn.

Trước đó vào đầu năm ngoái, IAU từng xác định thêm 12 mặt trăng Sao Mộc, nâng tổng số "con" của hành tinh này lên 92. Vài tháng sau đó, Sao Thổ tiếp tục có thêm 62 vệ tinh, biến nó thành hành tinh có nhiều mặt trăng nhất hệ Mặt Trời: 145 cái.

Trong khi đó, Trái Đất của chúng ta chỉ có 1 vệ tinh tự nhiên duy nhất là thiên thể mang tên Mặt Trăng.

Nguồn: [Link nguồn]

Tàu vũ trụ vấp ngã Odysseus chỉ còn vài giờ pin, sẽ sớm ngủ đông hoặc nếu không may là "chết" hẳn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN