Việt Nam đã có bao nhiêu thuê bao di động?
Số thuê bao điện thoại di động trong nửa đầu năm 2018 đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Sáng 9/7, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2018. Theo đó, về công tác xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 8 đề án, hoàn thiện và trình lại 3 đề án (hiện đang chờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành).
Trong lĩnh vực viễn thông, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo tốt thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và người dân. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã giảm giá cước kết nối cuộc gọi giữa hai mạng di động từ ngày 1/5/2018; thông tin tuyên truyền về Kế hoạch chuyển đổi mã mạng, trong đó Kế hoạch chuyển đổi đầu số thuê bao di động từ 11 số sang 10 số; tiếp tục triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao.
Về kết quả sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, doanh thu dịch vụ viễn thông ước tính 6 tháng đầu năm 2018 đạt 181.948 tỉ đồng, đạt khoảng 49% so với kế hoạch (tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2017). Tổng nộp ngân sách ước đạt 23.531 tỉ đồng, đạt 51,35% kế hoạch.
Số thuê bao điện thoại di động đến thời điểm hiện nay vào khoảng 136 triệu thuê bao, tăng 10,28% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó thuê bao 4G tăng 53%. Số thuê bao điện thoại cố định đạt khoảng 5 triệu thuê bao.
Việt Nam đã có 136 triệu thuê bao di động.
Trong lĩnh vực CNTT, Bộ TT&TT đã có báo cáo Chính phủ về tổng kết 10 năm thực hiện Luật CNTT năm 2006; chỉ đạo phương án triển khai sửa đổi Luật CNTT; nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp CNTT. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số văn bản hướng dẫn triển khai Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg quy định thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam; hoàn thiện các văn bản quy định quản lý đầu tư, mua sắm, thuê sản phẩm dịch vụ CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước,...
Trong lĩnh vực bưu chính, Bộ đã ban hành Bộ Mã bưu chính quốc gia mới; nghiên cứu xây dựng hệ thống địa chỉ tại Việt Nam trên cơ sở Mã bưu chính quốc gia mới. Nghiên cứu, xây dựng Đề án chuyển giao cho VNPost thực hiện một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công thuộc lĩnh vực TT&TT.
Mạng lưới bưu chính công cộng hiện có gần 12.421 điểm phục vụ; bán kính phục vụ bình quân 2,91 km/điểm, số dân phục vụ bình quân đạt 7.463 người/điểm. 8.130 điểm Bưu điện - Văn hóa xã tiếp tục phát huy vai trò, phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân thông qua sách, báo và phương tiện thông tin liên lạc.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ TT&TT, VNPost đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai cổng thông tin điện tử tra cứu liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Trong vòng 3 tháng triển khai, trên cơ sở dữ liệu của ngành Lao động thương binh và xã hội cung cấp, VNPost đã thu thập thông tin của gần 1 triệu mộ liệt sĩ tại 3.000 nghĩa trang liệt sĩ. Số lượng ảnh đã chụp lên tới 2,5 triệu ảnh. Dự kiến đến 23/7/2018, Cổng thông tin điện tử tra cứu liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ thongtinlietsi.gov.vn sẽ chính thức được khai trương.
Quá trình chuyển đổi sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 15/9 năm nay.