Tàu thăm dò Voyager 1 của NASA “im bặt” hơn 3 tháng, cần phép màu để cứu nó

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Một trục trặc liên lạc đang ngăn cản tàu thăm dò Voyager 1 của NASA - tàu vũ trụ xa Trái đất nhất trong lịch sử - gửi dữ liệu về Trái đất và các nhà khoa học của sứ mệnh này đang ngày càng lo ngại.

Minh họa về tàu vũ trụ Voyager của NASA với ăng-ten của nó hướng về Trái đất. (Ảnh: NASA / JPL)

Minh họa về tàu vũ trụ Voyager của NASA với ăng-ten của nó hướng về Trái đất. (Ảnh: NASA / JPL)

Tàu Voyager 1, một trong những sứ mệnh không gian tồn tại lâu nhất của NASA, đang gặp trục trặc về liên lạc và các nhà khoa học ngày càng lo ngại rằng, tàu vũ trụ ở xa Trái đât nhất trong lịch sử này có thể không phục hồi được. Các kỹ sư hiện đang nỗ lực khắc phục một lỗi máy tính khiến con tàu không thể truyền dữ liệu về Trái đất.

Các quan chức NASA cho biết, tàu thăm dò Voyager 1 đã không thể gửi lại dữ liệu được thu thập bởi các thiết bị khoa học của nó từ ngày 14/11 năm ngoái. Theo nhóm hỗ trợ có trụ sở tại California, tàu thăm dò này dường như đang nhận và thực hiện các lệnh tốt và đang tiếp tục di chuyển giữa các vì sao cách Trái đất hơn 24 tỷ km, vượt xa rìa của hệ mặt trời. Tuy nhiên, nếu không tiếp cận được các hệ thống đang gặp trục trặc, các kỹ sư khó có thể đánh giá đầy đủ tình trạng của nó.

Suzanne Dodd, giám đốc dự án Voyager cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Ars Technica: “Sẽ là phép màu lớn nhất nếu chúng tôi liên lạc được với nó.”

Kể từ khi tàu Voyager 1 được phóng vào ngày 5/9 năm 1977, nó đã di chuyển ra xa mặt trời với vận tốc khoảng 17 km/giây. Tàu Voyager 1 chính thức đi vào giữa các vì sao vào năm 2012, trở thành tàu vũ trụ đầu tiên làm được điều đó. Đây là vật thể nhân tạo xa Trái đất nhất.

Thông thường, tàu thăm dò truyền dữ liệu về Trái đất bằng hệ thống dữ liệu chuyến bay, một trong ba máy tính trên tàu. Nhưng một trục trặc ở một trong các hệ thống con của nó, bộ điều chế đo từ xa (TMU), đã gửi lại các chuỗi số 0 lặp đi lặp lại trong nhiều tháng.

Việc khắc phục sự cố này khá phức tạp do tuổi tác và khoảng cách của tàu vũ trụ với Trái đất. Theo NASA, sau khi gửi lệnh, đội ngũ mặt đất phải đợi 45 giờ để tàu phản hồi. Hơn nữa, do tàu thăm dò được thiết kế và chế tạo vào những năm 1970, phần lớn công nghệ trên tàu không còn hiện đại nữa và sơ đồ không được số hóa.

Dodd nói: “Những người chế tạo tàu vũ trụ này không còn sống nữa. Chúng tôi có một bộ tài liệu khá tốt, nhưng phần lớn trong số đó là trên giấy”.

Nếu NASA không thể thiết lập lại liên lạc với Voyager 1, họ vẫn sẽ có ít nhất một tàu thăm dò vũ trụ giữa các vì sao. Tàu vũ trụ song sinh của nó, Voyager 2, đã được phóng lên vũ trụ vào năm 2018 và đã duy trì liên lạc với Trái đất kể từ đó. Tàu thăm dò New Horizons của NASA dự kiến sẽ rời khỏi hệ mặt trời hoàn toàn vào khoảng những năm 2040.

Hiện tại, nhóm nhà khoa học của sứ mệnh này cam kết đưa TMU hoạt động trở lại. “Chúng tôi chắc chắn không bỏ cuộc,” Dodd nói.

Nguồn: [Link nguồn]

"Em nghĩ rằng tiềm năng của não bộ là rất lớn, năng lực ghi nhớ của em chỉ đang là hạt cát so với sa mạc ngoài kia".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Thu (theo Live Science) ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN