Startup tự định giá gần 100 tỷ, ra về "tay trắng" ở Shark Tank mùa 6

Công cụ này tích hợp AI của Google, Microsoft, Amazon vào tất cả website video và website.

Xuất hiện tại tập 4 Shark Tank Việt Nam mùa 6, Bùi Thị Hoàng Điệp - đồng sáng lập eJoy kêu gọi các Shark đầu tư 100 ngàn USD cho 2,2% cổ phần, tương đương định giá doanh nghiệp 4,5 triệu USD (gần 100 tỷ đồng).

eJoy là công cụ học kiến thức và tiếng Anh qua hình thức xem phim, chơi game, thư giãn. Công cụ này tích hợp AI của Google, Microsoft, Amazon vào tất cả website video và website text để dịch thuật, tra cứu, giúp tiết kiệm thời gian cho người dùng thay vì phải mở từ điển tra cứu. AI không chỉ dịch nghĩa các thuật ngữ mà còn có thể tạo ra các quiz (câu đố) rồi lưu vào để người dùng ôn tập, ghi nhớ lại.

“Hiện tại, bọn em đang là công cụ duy nhất có thể tích hợp vào tất cả các website video để làm việc đấy”, Hoàng Điệp nói về điểm khác biệt lớn nhất của eJoy lúc này.

“Nó là duy nhất nhưng mà không phải người khác không thể làm được”, Shark Louis đặt vấn đề.

Bùi Thị Hoàng Điệp - đồng sáng lập eJoy.

Bùi Thị Hoàng Điệp - đồng sáng lập eJoy.

Hoàng Điệp thừa nhận rằng, người khác vẫn có thể làm được nhưng hiện tại eJoy đang có lợi thế và startup muốn trở thành sự lựa chọn đầu tiên của thị trường. 

Thành lập từ năm 2019, đến nay eJoy ghi nhận có 1,5 triệu người dùng và 800.000 người dùng thường xuyên hàng tháng. Doanh thu trung bình mỗi tháng là 15.000 USD, đến từ mô hình thu phí thuê bao. Theo đó, khách hàng có thể trả phí theo tháng, theo quý hoặc cả năm với mức phí dao động từ 70.000 đồng/tháng đến 1,7 triệu đồng/năm. Dù đã có lãi nhưng eJoy đang dùng phần lãi thu được để tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm mới.

Với mong muốn phát triển công cụ eJoy trở thành một nền tảng giúp mọi người học tập trọn đời, Hoàng Điệp đến Shark Tank Việt Nam kêu gọi Shark đầu tư.

Giải thích về mức định giá lên đến 4,5 triệu USD, Hoàng Điệp cho biết eJoy đã được 2 quỹ đầu tư với tổng số cổ phần nắm giữ là 8,9%. Ở vòng gọi vốn trước vào năm 2021, eJoy có 700 ngàn người dùng và đã được định giá 1,5 triệu USD.

Ngoài ra, startup cần mức vốn từ 100.000 - 200.000 USD để phát triển sản phẩm trở thành một hệ sinh thái nền tảng mà không muốn pha loãng mức cổ phần. Lý do thứ ba là giá trị lâu dài của khách hàng trung bình của cả người dùng miễn phí và trả phí là 10.000 đồng/người.

Hoàng Điệp chia sẻ, chân dung khách hàng điển hình của eJoy là những người đang cần học trên những nền tảng như Coursera, Udemy hay rất rất nhiều nền tảng khác ở từng chuyên ngành. Trong đó, có hai nhóm khách hàng tiêu biểu là những bạn làm về công nghệ, cần phải học về AI, học về những công nghệ mới và những bác sĩ cần phải học các kiến thức y khoa bằng tiếng Anh.

Shark Hưng nhận định: “Thực chất thư viện và toàn bộ những gì cuốn hút người dùng tới là bạn phụ thuộc hoàn toàn bên thứ ba. Nếu không còn cái đó nữa, những gì bạn nghĩ bạn là lợi điểm bán hàng độc nhất về con số 0 hết”.

Ông cũng bày tỏ sự lo ngại, yếu tố “duy nhất” của startup là do không ai dám đi hoặc không ai muốn đi. Chính vì thế nên ông không đầu tư.

Shark Hùng Anh cho rằng, nền tảng dữ liệu của eJoy không phải đến từ chính nội lực công ty gây dựng, cộng với định giá doanh nghiệp quá cao nên ông cũng từ chối đầu tư.

Shark Bình đánh giá tiềm năng kiếm tiền của startup chưa đủ hấp dẫn trong bối cảnh ngành EdTech đang gặp nhiều thách thức, bên cạnh đó startup cũng không thuộc lĩnh vực ông quan tâm đầu tư nên ông cũng không tham gia thương vụ này.

Shark Louis cho biết ông đang đầu tư vào một hệ thống giáo dục khoảng 20 trường mầm non, trường quốc tế từ tiểu học đến trung học nên ông mong muốn tìm kiếm một công ty Edutech để phát triển chung với hệ thống này.

Muốn nhà đầu tư có tiếng nói với startup, Shark Louis đề nghị đầu tư 300.000 USD cho 36% cổ phần.

Còn lại Shark Tuệ Lâm, cô tìm hiểu về thời điểm eJoy đạt mức doanh thu 45.000 USD/tháng trước khi đưa ra quyết định. 

Hoàng Điệp cho biết eJoy có kế hoạch hoàn thiện phần công cụ và nền tảng trong năm 2024 để đến năm 2025 có thể cung cấp giải pháp cho cả cá nhân và doanh nghiệp.

“Tôi đang chuẩn bị đưa cho bạn một cái đề nghị mà sau khi nghe bạn nói thì tôi thấy hơi mông lung. Vấn đề là bây giờ nội dung của mình đang là của bên thứ ba… Với kinh nghiệm đầu tư của tôi, khi bạn đạt doanh số tầm 500.000 USD/năm thì lúc đấy thị trường có lẽ mới chứng tỏ rằng nó sẵn sàng cho sản phẩm của mình”, Shark Tuệ Lâm phân tích.

Vì lẽ đó, vị Shark nữ đề nghị đầu tư 100.000 USD cho 5% cổ phần vào thời điểm eJoy đạt doanh thu 45.000 USD/tháng.

Đồng tình với quan điểm giáo dục thì phải có nội dung nhưng Hoàng Điệp cho biết, nếu phát triển nội dung thì eJoy không đạt được mục tiêu là mang lại sự tự do cho người học. Vì thế, cô thương lượng thêm với Shark Louis về mức đầu tư 200.000 USD cho 5% cổ phần.

Đáp lại, Shark Louis cho biết ông không thay đổi quyết định của mình.

“Hiện tại trong đợt gọi vốn này thì bọn em chưa muốn pha loãng đến mức như vậy”, Hoàng Điệp chia sẻ và quyết định từ chối đề nghị đầu tư của Shark.

Nguồn: [Link nguồn]

Shark Bình công nghệ với các từ ”ngáo giá”, ”gió đông”, ”long mạch”, ”tri kỷ” nổi tiếng Shark Tank

"Cá mập" công nghệ Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) đã để lại ấn tượng mạnh với người xem Shark Tank bởi nhiều từ ngữ lạ, hay, truyền cảm hứng và đôi lúc bị đánh giá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC PHẠM ([Tên nguồn])
Startup công nghệ tại Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN