Người dùng nói gì về việc siết hạn mức thanh toán bằng ví điện tử?

Sự kiện: Internet

Siết các quy định thanh toán bằng ví điện tử nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền cũng như các giao dịch bất hợp pháp, nhưng đi kèm với đó là nhiều hạn chế đã được người tiêu dùng chỉ ra.

Được Chính phủ nhận định là nhân tố chủ chốt giúp tăng trưởng nền kinh tế, song Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước lại đề xuất siết hạn mức giao dịch và giới hạn số lượng ví điện tử được mở cho mỗi khách hàng, tạo nên nhiều ý kiến trái chiều từ người dùng.

Các dịch vụ trung gian thanh toán hiện nay yêu cầu phải liên kết với tài khoản ngân hàng.

Các dịch vụ trung gian thanh toán hiện nay yêu cầu phải liên kết với tài khoản ngân hàng.

Theo đó, Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán với mục đích hỗ trợ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Trong đó, Dự thảo đề xuất hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví sang ví và giao dịch thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ) tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng đối với ví cá nhân. Dự thảo cũng quy định mỗi tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử chỉ được phép mở một ví điện tửcho mỗi khách hàng. 

Vốn được đánh giá như nhân tố quan trọng giúp tăng trưởng nền kinh tế, Nhà nước đã và đang khuyến khích các cá nhân trong nền kinh tế tham gia sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt. Bên cạnh đó, “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020” cũng được xem là động thái thiết thực của Chính phủ để tạo ra chuyển biến rõ rệt thúc đẩy hành vi sử dụng các phương tiện thanh toán không tiền mặt, giảm chi phí xã hội và tỉ lệ tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán. Chính vì vậy, không khó hiểu khi những quy định về siết ví điện tử đang tạo ra nhiều tranh cãi và quan ngại từ những người quan tâm và sử dụng ví điện tử.

Theo đánh giá của nhiều người dùng, hiện nay, mua sắm và thanh toán trực tuyến đã trở thành xu hướng được ưa chuộng của nhiều người bởi tính tiện lợi, nhanh chóng, đi cùng nhiều ưu đãi và tiết kiệm. Các mặt hàng giá trị như đồ công nghệ, điện tử điện lạnh hay các giao dịch mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, đặt tour du lịch… người dùng đều có thể thanh toán nhanh chóng qua ví điện tử. Tuy nhiên, nếu việc giới hạn hạn mức 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng như trong Dự thảo trở thành hiện thực, các giao dịch giá trị này có khả năng gặp nhiều trở ngại.

Anh Hoàng Phong (một chuyên viên tài chí nhở TP.HCM) cho rằng, quy định áp hạn mức có phần mâu thuẫn với chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chưa kể người tiêu dùng như anh hoàn toàn có quyền chính đáng để quyết định nhu cầu sử dụng tài sản hợp pháp của mình. “Trường hợp tôi có nhu cầu và khả năng chi tiêu cao hơn hạn mức được quy định thì sao?”, anh Phong đặt vấn đề.

Chị Linh Phương (nhân viên truyền thông tại Hà Nội) chia sẻ thực tế: “Hiện tại tôi dùng ví điện tử cho hầu hết các giao dịch hàng ngày bởi nó tiện lợi và nhiều ưu đãi. Chuyện đặt vé, đặt khách sạn khi đi du lịch cho gia đình hay nhóm bạn cũng thường một tay tôi phụ trách, tính nhẩm một chuyến đi đơn giản cũng đã vượt quá hạn mức 20 triệu/ngày. Nếu siết như vậy thì tôi chưa biết ứng phó ra sao, có khi phải trở lại những cách thanh toán truyền thống”.

Các ví điện tử đang góp phần thực hiện mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Các ví điện tử đang góp phần thực hiện mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Bên cạnh nội dung siết hạn mức giao dịch, trong Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN còn có quy định ở Khoản 6a Điều 9, tổ chức cung ứng ví điện tử không được phép phát hành hơn 1 ví điện tử cho 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ. Theo diễn giải, việc hạn chế này nhằm tránh lãng phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng mở ví tràn lan, giúp ngăn chặn hành vi mở nhiều ví điện tử để thực hiện các hành vi rửa tiền, bất hợp pháp.

Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động ngân hàng, pháp luật không hạn chế một khách hàng được mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau hay thậm chí cùng một ngân hàng. Khách hàng hoàn toàn có thể có nhiều tài khoản ngân hàng và dùng tài khoản của mình để mở ví và quản lý chi phí cho người thân nhằm phục vụ việc chi tiêu, mua sắm hàng hóa và dịch vụ.

Anh Tuấn Đạt (một người kinh doanh tự do tại TP.HCM) băn khoăn: “Rõ ràng một người dùng hiện nay có thể mở hơn một tài khoản tại một ngân hàng, vậy tại sao chỉ có thể mở một ví điện tử tại một tổ chức? Chỉ riêng trong gia đình tôi, mỗi người cần nhiều hơn một tài khoản kết nối ví điện tử để phục vụ các nhu cầu giao dịch, tiêu dùng khác nhau”.

Dự thảo Thông tư đã yêu cầu tổ chức cung ứng ví điện tử thu thập thông tin khách hàng mở ví và xác thực thông tin này. Ví điện tử phải kết nối với tài khoản ngân hàng, và việc nạp tiền vào ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng hoặc thông qua nhận tiền từ ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng ví điện tử mở.

Do đó, việc phát hành nhiều ví điện tử cho một khách được nhiều chuyên gia nhận định là vẫn sẽ đảm bảo nhận diện được chủ ví và kiểm soát rủi ro rửa tiền chặt chẽ, do các ví vẫn gắn với tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Chưa kể, các tổ chức cung cấp ví điện tử luôn phải tuân thủ bộ quy định hiện hành về phòng, chống rửa tiền như nhận biết khách hàng, theo dõi giao dịch đáng ngờ, chế độ báo cáo, giám sát…

Với những hạn chế có thể nhìn thấy về việc siết ví điện tử kể trên, nhiều người dùng ví điện tử khi được hỏi đều bày tỏ kỳ vọng sẽ có những thay đổi thỏa đáng trong thời gian tới để tiếp tục được sử dụng hình thức thanh toán đơn giản và nhiều tiện ích.

Cách này sẽ giúp 100% người Việt thanh toán không dùng tiền mặt chỉ sau 1 đêm

Khi dịch vụ mobile money được triển khai, chỉ sau 1 đêm, 100% người dân Việt Nam sẽ có thể thanh toán không dùng tiền mặt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Internet Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN