Ngang nhiên rao bán tiền giả trên Facebook dịp giáp Tết

Bất chấp quy định cấm của pháp luật, hàng loạt trang Facebook cá nhân công khai rao bán tiền giả nhiều mệnh giá khác nhau.

Ngang nhiên rao bán tiền giả trên Facebook dịp giáp Tết - 1

Một tài khoản rao bán tiền giả

“Bán tiền giả nhiều mệnh giá trên toàn quốc”, “Tiền giả y như thật giao tận nơi, vui lòng inbox Facebook, Zalo”, “Bán tiền giả giá cạnh tranh, 98% như tiền thật”… là hàng loạt thông tin quảng cáo đang xuất hiện trên mạng xã hội Facebook tại thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2019.

Theo tìm hiểu thực tế của ICTnews, các thông tin rao bán tiền giả hầu hết đều khẳng định bán tiền giả mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng giống đến 98% tiền thật, chỉ có máy soi mới phát hiện được.

Về giá mua bán, các đối tượng ngang nhiên công khai quảng cáo bán với tỷ lệ từ 1 “ăn” 5, cho đến mức cao hơn là theo tỷ lệ 1 đổi 10 - 12.

Ngang nhiên rao bán tiền giả trên Facebook dịp giáp Tết - 2

Một đối tượng quảng cáo bán với tỷ lệ 1 "ăn" 10

Cụ thể, có tài khoản Facebook rao thông tin nếu mua bằng 1 triệu đồng tiền thật, người mua sẽ nhận được 5 triệu tiền giả, hoặc 1 triệu tiền thật được 10 - 12 triệu đồng tiền giả.

'Nếu mua thì chuyển trước tiền bằng mã thẻ cào điện thoại, sau đó sẽ có người chuyển tiền đến tận nơi", tài khoản Facebook P.H nói với phóng viên ICTnews.

Trước vấn nạn tiền giả được rao bán công khai trên mạng xã hội Facebook, trong suốt thời gian qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 – Bộ Công an) đã vào cuộc bắt được nhiều đối tượng bán tiền giả và lên tiếng cảnh báo người dân.

Ngang nhiên rao bán tiền giả trên Facebook dịp giáp Tết - 3

Tài khoản này cho biết bán trên toàn quốc

Thậm chí, lực lượng cảnh sát đã từng phát hiện bên cạnh các giao dịch tiền giả có mua bán thật thì nhiều vụ bản chất chỉ là lừa đảo nhắm vào những người cả tin, hám lợi, muốn “làm giàu” phi pháp.

Về thủ đoạn lừa đảo, các đối tượng rao bán tiền giả sau khi nhận tiền thật được người mua chuyển khoản hoặc qua mã thẻ cào điện thoại, sẽ nhanh chóng hủy số điện thoại vốn được sử dụng để giao dịch với nạn nhân, cắt đứt liên lạc qua Zalo, Facebook để chiếm đoạt tiền.

Tiêu biểu phải kể đến vụ việc lớn xảy ra từ năm 2017, bà Nguyễn Thu H (Hà Nội) đã đến Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an trình báo đã chuyển 4,2 tỷ đồng cho đối tượng quản lý tài khoản Facebook có tên “Nhật Vy (bán tiền giả)” để mua… 18 tỷ đồng tiền giả. Tuy nhiên sau đó, do không nhận được số tiền giả như đối tượng hứa hẹn, bà H. mới ngã ngửa biết mình bị lừa.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả nêu rõ: người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm.

Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng bị phạt tù từ 5 - 12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 10 - 20 năm, hoặc tù chung thân.

Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng nêu rõ người chuẩn bị phạm tội này bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm.

Mua tiền giả trên Facebook dễ như… mua rau

Tình trạng mua bán tiền giả diễn ra công khai trên hàng chục trang Facebook với lời rao bán tiền giả polyme giống 98% tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Hoàng ([Tên nguồn])
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN