Mua Viber - Cuộc chơi lớn của Rakuten

Bỏ ra 900 triệu USD để mua Viber, "đại gia" thương mại điện tử Nhật - Rakuten tỏ rõ tham vọng hướng tới khách hàng tiềm năng đang sử dụng dịch vụ OTT, thị trường nơi đối thủ đồng hương LINE đang chiếm ưu thế.

Rakuten, một công ty thương mại điện tử của Nhật có doanh thu gần 4 tỉ USD mỗi năm vừa chi 900 triệu USD để mua lại Viber - một doanh nghiệp nhắn tin vừa hoạt động được 2 năm. Không chỉ là bước đệm cho Rakuten tiến vào thị trường viễn thông, thương vụ với Viber được CEO Hiroshi Mikitani gọi là "chiến lược hoàn toàn mới để nâng Rakuten lên một vị thế khác".

Mua Viber - Cuộc chơi lớn của Rakuten - 1

Rakuten muốn dùng Viber để kết nối với khách hàng. Ảnh: AFP

Thành lập từ tháng 3-2012, năm đầu tiên hoạt động Viber lỗ 14,7 triệu USD, đến 2013 con số này đã tăng gấp đôi, lên 29,5 triệu USD. Viber từng hoạt động đơn thuần với dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet và gần đây mới kiếm được doanh thu từ việc bán sticker (các hình vui nhộn, biểu cảm trong ứng dụng) và gọi điện tới máy tính để bàn có tính phí.

Đầu tư vào một doanh nghiệp như vậy có thể là mạo hiểm, nhưng đây là phương án khả dụng nhất mà Rakuten có để bước chân vào viễn thông, đồng thời cạnh tranh với LINE, một ứng dụng tương tự Viber đang rất thành công và dẫn đầu thị trường Nhật Bản. Doanh thu 2013 của công ty gần 320 triệu USD, 60% trong số này là người dùng sử dụng LINE để mua hàng, game trực tuyến... Lợi nhuận quý IV/2013 tăng 450% so với cùng kỳ.

Công ty cũng kinh doanh sticker, bán trò chơi. Ngoài ra, người dùng có thể nhận thông tin khuyến mại từ các doanh nghiệp khác và các đơn vị này phải trả tiền cho LINE để được đưa tin. Có thể thấy nhắn tin chỉ là một dịch vụ trong số các cách có thể kiếm ra tiền cho những công ty OTT.

Rakuten nhìn thấy cơ hội từ Internet nên càng tìm cách tấn công mạnh hơn vào môi trường này. Trước Viber, hãng đã chi tiền mua lại các website bán lẻ như Buy.com, Play.com, tập trung vào giải trí để đưa thương hiệu ra toàn cầu. Rakuten cũng mua lại công ty phần cứng như Kobo, dịch vụ nội dung Viki, Wuaki...

Để phục vụ cho mục đích của mình, họ cần những nền tảng như LINE, Viber hay WhatsApp. Tuy nhiên khả năng mua lại các OTT không phải là nhiều. WeChat (Trung Quốc) có 270 triệu người dùng nhưng đang nằm trong tay "gã khổng lồ Internet" Tencent, không có ý bán. WhatsApp (Mỹ) 400 triệu người dùng, 10 tỷ tin nhắn mỗi ngày, thu phí mỗi người một USD mỗi năm nhưng cũng không bán. LINE (Nhật Bản) chuẩn bị IPO, KakaoTalk (Hàn Quốc) có thể bán nhưng giá không hề rẻ nên Viber là lựa chọn hợp lý nhất.

Có Viber trong tay, CEO Hiroshi Mikitani của Rakuten tin rằng OTT này rất có tiềm năng trở thành nền tảng hỗ trợ game và sẽ dùng để phân phối nội dung, trò chơi bằng cách đưa vào hệ sinh thái dịch vụ Internet, tương tác với khách hàng. Tuy nhiên ý định này sẽ tốn của Hiroshi không ít tiền. Ví như LINE, họ phải đổ 200 triệu USD đầu tư mỗi năm để tăng cường sự có mặt trên toàn cầu, đặt kỳ vọng 500 triệu người dùng năm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NLĐ
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN