Mở tài khoản ngân hàng, mạng xã hội cùng tên để lừa đảo chuyển tiền

Các đối tượng lừa đảo sẽ làm CCCD giống với tên của người bị hại sau đó lợi dụng lỗ hổng khi mở tài khoản trực tuyến để mở tài khoản ngân hàng giống tên của họ và đi vay mượn tiền của người khác.

Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, ông P.T.V (ngụ Gia Lai) cho biết hồi năm 2023 ông đã bị các đối tượng lừa đảo nhắm đến. Chúng sử dụng danh tính của ông để đi lừa những người thân và bạn bè ông bằng cách tạo tài khoản mạng xã hội và tài khoản ngân hàng online cùng tên với ông là P.T.V.

"Các đối tượng rất tinh vi. Chúng đã sử dụng tài khoản Zalo, Facebook để ảnh đại diện của tôi, rồi kết bạn với người nhà, anh em làm ăn của tôi rồi hỏi mượn tiền. Chúng nhắn tin theo phong cách giống tôi, còn chủ động gọi video call có khuôn mặt của tôi để tạo lòng tin. Sau đó, gửi tài khoản ngân hàng với tên P.T.V và yêu cầu họ chuyển tiền vào. Thủ đoạn này dễ khiến nhiều người mắc bẫy. Tôi đã trình báo cơ quan chức năng để giải quyết" - ông V. nói.

Theo chuyên gia thẩm định của một ngân hàng tại TP HCM, nguyên nhân chính xảy ra trường hợp các đối tượng xấu tạo tài khoản giống với người bị hại đó là chúng lợi dụng lỗ hổng từ hình thức mở tài khoản ngân hàng trực tuyến eKYC.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

"Chúng sẽ làm giả một CCCD giống với tên của người bị hại, sau đó mở ứng dụng ngân hàng và tạo một tài khoản online. Hiện nay, chúng còn tinh vi hơn nữa là tạo QRcode giả với thông tin như thật. Để không bị lừa khi chuyển tiền, người dân hãy liên hệ qua điện thoại của chính chủ cần mượn hoặc chuyển bằng số tài khoản từ trước giờ họ sử dụng để tránh mất tiền"- chuyên gia nói.

Không chỉ lừa những khách hàng cá nhân, bằng những cách này các đối tượng lừa đảo còn "qua mặt" ngân hàng để mở thẻ tín dụng và vay tiêu dùng online lên đến cả trăm triệu đồng.

Chuyên gia bảo mật Phạm Đình Thắng cho biết để hạn chế tình trạng các đối tượng lừa đảo sử dụng CCCD giả để mở tài khoản ngân hàng, các tổ chức tín dụng phải siết chặt lại các quy trình mở tài khoản online hoặc áp dụng hạn mức giao dịch hằng ngày ở mức rất thấp.

"Để ngăn chặn tối đa chỉ có thể yêu cầu khách hàng mở tài khoản tại quầy, sau đó xác thực định danh đầy đủ và chính xác nhất. Nếu nhìn chứng từ qua bằng màn hình điện thoại rất khó phân biệt bằng mắt thường do mức độ tinh vi ngày càng cao, nhiều khi công nghệ cũng khó phát hiện. Ngoài ra, người dân còn phải bảo vệ thông tin cá nhân của mình, tránh công khai trên mạng xã hội để kẻ xấu lợi dụng"- ông Thắng chia sẻ.

Để hạn chế tình trạng giả mạo, lừa đảo, các ngân hàng cũng bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn. Điển hình như TPBank áp dụng hạn mức giao dịch 1 triệu đồng/ngày; VPBank áp dụng hạn mức 50 triệu đồng/lần hoặc 50 triệu đồng/ngày (tùy điều kiện nào đến trước)... Nếu khách hàng có nhu cầu giao dịch hạn mức cao hơn, cần phải tới quầy giao dịch để xác thực định danh.

Công nghệ eKYC (viết tắt của từ electronic Know Your Customer) là hình thức định danh khách hàng điện tử. Khách hàng sẽ thực hiện các thủ tục xác minh danh tính ngay trên ứng dụng của ngân hàng. Công nghệ định danh trực tuyến sẽ giúp ngân hàng đơn giản hóa các thủ tục hành chính bằng giấy tờ. Bên cạnh đó khách hàng cũng sẽ không cần phải đến trực tiếp quầy giao dịch ngân hàng để tạo tài khoản, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Nguồn: [Link nguồn]

Meta (công ty mẹ của Facebook) đã chia sẻ một số lời khuyên giúp cha mẹ trao đổi hiệu quả hơn với con về việc sử dụng Internet và mạng xã hội một cách lành mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tỉnh ([Tên nguồn])
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN