Rò rỉ gần 25.000 email của nhiều tổ chức lớn: WHO xác nhận khớp với mật khẩu

WHO xác nhận 457 địa chỉ email khớp với mật khẩu và khả dụng, trong khi các nơi khác không bình luận hoặc khẳng định không bị ảnh hưởng.

Sáng 23/4, dẫn thông tin từ SITE Intelligence Group, The Washington Post cho biết, ai đó (chưa xác định) đã chia sẻ gần 25.000 địa chỉ email kèm mật khẩu lên mạng internet. Các thông tin này được cho là của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quỹ Gates Foundation và các nhóm khác hoạt động trong "cuộc chiến" chống lại đại dịch COVID-19.

Trụ sở WHO. (Ảnh: Denis Balibouse/Reuters)

Trụ sở WHO. (Ảnh: Denis Balibouse/Reuters)

Theo báo cáo của SITE, nhóm email và mật khẩu bị rò rỉ nhiều nhất là của NIH với 9.938. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) có số lượng cao thứ hai với 6.857. Ngân hàng Thế giới có 5.120 địa chỉ email được tìm thấy trong dữ liệu rò rỉ. Còn danh sách các địa chỉ và mật khẩu liên quan tới WHO là 2.732.

Mặc dù SITE không thể xác minh liệu các địa chỉ email và mật khẩu rò rỉ có thật hay không, nhưng họ cho biết thông tin được công bố hôm Chủ nhật và thứ Hai đã ngay lập tức được kẻ gian sử dụng để cố gắng thực hiện các cuộc tấn công mạng cũng như quấy rối.

Trong khi đó, một chuyên gia an ninh mạng của Úc, Robert Potter cho biết, ông có thể xác minh các địa chỉ email và mật khẩu của WHO như rò rỉ là có thật. Về phía WHO, cơ quan này cũng đã chính thức xác nhận việc rò rỉ ít nhất 6.835 địa chỉ email, nhưng chỉ 457 trong số đó là còn hiệu lực và khớp với mật khẩu. Hiện, 457 địa chỉ email nói trên đều đã được thay đổi mật khẩu.

Ngân hàng Thế giới từ chối bình luận, trong khi CDC không trả lời yêu cầu bình luận. Quỹ Gates Foundation thì cho biết trong một tuyên bố rằng: "Chúng tôi đang theo dõi tình hình cùng với việc đánh giá bảo mật dữ liệu của chúng tôi. Hiện, chúng tôi không nhận thấy dấu hiệu vi phạm dữ liệu".

Nguy cơ xâm nhập trái phép từ việc để lộ địa chỉ email và mật khẩu là khó lường, vì chính phủ và các tổ chức kinh doanh thường sử dụng xác thực nhiều lớp, như yêu cầu mã OTP tạm thời hoặc khóa vật lý để truy cập hệ thống máy tính - ngay cả khi kẻ tấn công có mật khẩu hợp lệ. Thực tế, các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ sử dụng xác thực nhiều lớp rộng rãi, mặc dù không phải triển khai ở tất cả các cơ quan trên toàn cầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Dịch COVID-19: Tìm thông tin về nới lỏng giãn cách, coi chừng sập bẫy của hacker

Máy tính có thể nhiễm virus khi người dùng tìm kiếm thông tin liên quan tới việc nới lỏng giãn cách trong mùa dịch COVID-19.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN