Lên mạng xã hội càng lâu, cô đơn càng sâu?

Các nhà nghiên cứu cho rằng thời gian bạn nhìn chằm chằm vào smartphone để sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Snapchat... càng nhiều thì sự cô đơn, trống trải sẽ càng nặng nề.

Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội thường xuyên khiến con người cảm thấy cô lập giống như hội chứng tâm lý FOMO (Fear of missing out, tạm dịch: Sợ bị bỏ lỡ). Họ thường theo dõi cuộc sống trên mạng của người khác thay vì gặp gỡ ngoài đời thật, theo một nghiên quốc gia về giới thanh niên ở Mỹ.

“Chúng ta vốn là những sinh vật sống thành xã hội nhưng cuộc sống hiện đại có xu hướng đưa con người xa cách thay vì đến gần nhau hơn” – ông Brian Primack, tác giả chính của nghiên cứu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về truyền thông, công nghệ và y tế của Trường ĐH Pittsburgh, nói.

“Đáng lẽ các phương tiện truyền thông xuất hiện để lấp đầy khoảng trống trong xã hội nhưng qua nghiên cứu này, tôi nghĩ nó đang đi ngược lại với kỳ vọng của con người” – ông chia sẻ trong thông cáo báo chí.

Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí American Journal of Preventative Medicine hôm 6-3.

Lên mạng xã hội càng lâu, cô đơn càng sâu? - 1

Phần lớn mọi người sử dụng điện thoại nhiều hơn họ ý thức được. Ảnh: China Daily

Năm 2014, một nghiên cứu đã chỉ ra 2 luồng ý kiến trái chiều về việc sử dụng mạng xã hội: Một cho rằng nó khiến giới trẻ cảm thấy tự ti, ganh tị và một tin là mạng xã hội thúc đẩy niềm tin.

Sự bùng phát song song của mạng xã hội và nỗi cô đơn khiến các nhà khoa học đối mặt câu hỏi lớn: Việc không ngừng sử dụng truyền thông xã hội dẫn đến cô lập ngoài đời thực hay sự lo âu, trầm cảm trong đời sống hàng ngày khiến con người tìm đến “thế giới ảo”? Mạng xã hội khiến chúng ta cô đơn hay đơn giản chỉ làm trầm trọng hơn những cảm xúc có sẵn?

Theo bà Elizabeth Miller, đồng tác giả nghiên cứu hôm 6-3 và là giáo sư nhi khoa, tình trạng trên có thể là sự kết hợp của cả hai yếu tố.

Để thực hiện nghiên cứu đăng tải hôm 6-3, các nhà khoa học đã khảo sát 1.800 người Mỹ ở độ tuổi 19 – 32 vào năm 2014, với những câu hỏi liên quan đến dùng mạng xã hội như mức độ thường xuyên và thời gian sử dụng. 11 mạng xã hội phổ biến nhất xuất hiện trong bảng khảo sát năm 2014 là Facebook, YouTube, Twitter, Google Plus, Instagram, Snapchat, Reddit, Tumblr, Pinterest, Vine and LinkedIn.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng những người sử dụng mạng xã hội nhiều hơn 2 giờ một ngày có khả năng bị cô lập gấp 2 lần so với những người dành ít hơn 30 phút mỗi ngày. Những người sử dụng mạng xã hội 58 lần một tuần hoặc nhiều hơn số đó sẽ bị cô lập gấp 3 lần so với những người truy cập ít hơn 9 lần một tuần.

Lên mạng xã hội càng lâu, cô đơn càng sâu? - 2

Facebook là mạng xã hội đang được quan tâm và sử dụng nhiều nhất. Ảnh: Reuters

TS Primack và các đồng nghiệp cho rằng cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu được những vấn đề xung quanh việc sử dụng mạng xã hội. Thế nhưng, họ nêu ra 3 lý do để tin rằng càng dựa dẫm vào “thế giới ảo” con người càng cô đơn giữa thế giới thật.

Đầu tiên, bạn có ít thời gian hơn để tương tác với thế giới thực khi cứ cắm cúi vào smartphone hay laptop cả ngày.

Thứ hai, mạng xã hội có thể khiến ta cảm thấy bị gạt ra bên lề. Ví dụ, xem bạn bè đăng hình trong 1 bữa tiệc mà bạn không hề biết, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tổn thương.

Cuối cùng, ít người trong chúng ta chịu chia sẻ những chuyện nhàm chán, xấu xí hay áp lực trong cuộc sống lên mạng xã hội. Thay vào đó, những hình ảnh đã được chỉnh sửa cho lung linh hơn tuôn trào trên mạng sẽ khiến bạn ganh tị, buồn bã hơn vì cho rằng ai cũng có cuộc sống tốt đẹp hơn bạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ý Nhi ([Tên nguồn])
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN