Khó trị “quấy rối” trên điện thoại

Nhắn tin, gọi điện quảng cáo, bán hàng qua điện thoại diễn ra nhiều năm khiến người dùng bực mình, mệt mỏi

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) bất chấp người dùng có đồng ý hay không, họ liên tục nhắn tin, gọi điện quảng cáo, chào bán sản phẩm. Dù hàng loạt biện pháp ngăn chặn đã được cơ quan chức năng và người dùng áp dụng nhưng tần suất “quấy rối” ngày càng gia tăng khiến nhiều người hết sức bất bình. Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần mạnh tay, quyết liệt hơn với vấn nạn này.

Buông lỏng quản lý thông tin cá nhân

Nhiều người dùng phản ánh gần đây, họ liên tục bị quấy rầy bởi những tin nhắn, cuộc gọi chào hàng, thậm chí lúc đang ngon giấc. Anh N.T.H (TP HCM) cho biết: “Gần đây, tôi liên tục nhận tin nhắn, điện thoại giới thiệu bất động sản và sản phẩm bảo hiểm. Tôi đã từ chối nhưng họ liên tục gọi điện để chào mời. Bực mình hơn, họ còn nhắn tin quảng cáo sản phẩm qua Viber, Zalo và liên tục gởi email cho tôi. Tại sao họ nắm được thông tin cá nhân (TTCN) của tôi một cách chi tiết?”.

Theo các chuyên gia, các cá nhân, DN này sử dụng sim rác để nhắn tin, gọi điện. Vì thế, nếu chặn số này thì họ cũng thay sim khác.

Tại hội nghị sơ kết đánh giá thi hành Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện diễn ra mới đây, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM, cho biết: “Việc xử lý vấn đề này đang gặp khó vì chưa có bất cứ quy định nào liên quan đến hoạt động quảng cáo, bán hàng qua cuộc gọi di động như thế. Sở đề nghị Bộ TT-TT sớm xây dựng quy định, chế tài để có căn cứ pháp lý xử lý”.

Khó trị “quấy rối” trên điện thoại - 1

Người dùng vẫn phải sống chung với những trò “quấy rối” qua điện thoại. Ảnh: Hoàng Triều

Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Phó Giám đốc Công ty Emerald Digital Marketing, nhìn nhận: “Tiếp thị, bán hàng qua tin nhắn, điện thoại... là cách thức được sử dụng phổ biến ở các nước nhưng là khi đã được chủ thuê bao chấp thuận. Còn ở ta thì ngược lại, nhiều cá nhân, DN đi tìm mua danh sách TTCN của các thuê bao rồi nhắn tin, gọi điện hàng loạt (spam). Hiện nay, việc mua bán TTCN tại Việt Nam diễn ra công khai, dễ dàng, chỉ cần vài trăm ngàn đồng là có được danh sách TTCN của hàng ngàn thuê bao. Đây chính là nguồn gốc của vấn nạn tin nhắn rác, gọi điện chào mời, quảng cáo làm phiền người dùng”.

Bên cạnh đó, các nhà mạng thường mở rộng quy mô kinh doanh sim số, chạy chỉ tiêu doanh số và lợi nhuận, phát triển thuê bao trả trước một cách ồ ạt nhưng không tuân thủ chặt chẽ quy định về đăng ký và lưu trữ thông tin khách hàng. Đồng thời, thiếu việc kiểm tra giám sát thông tin, dẫn đến hậu quả là không quản lý tốt thuê bao trả trước. Đây là nguyên nhân khiến tin nhắn rác, cuộc gọi “quấy rối” lộng hành.

Nên siết thuê bao trả trước

Theo ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, bên cạnh việc tăng cường quản lý chặt sim rác, thuê bao trả trước, phải xử lý mạnh tay những người mua bán TTCN của các thuê bao thì mới mong giảm được nhắn tin rác, gọi điện quảng cáo, bán hàng tràn lan qua điện thoại.

Hiện nay, người dùng đăng ký thuê bao trả sau phải ký hợp đồng (khai TTCN chi tiết) với nhà mạng nhưng với đăng ký sim trả trước, nhà mạng quản lý thuê bao dựa vào thông tin từ CMND. Theo ông Lê Quốc Cường, thông tin này có thể không đầy đủ, chính xác nên khó quản lý và xử lý thuê bao. Sở TT-TT TP HCM đề xuất nên quản lý thuê bao di động trả trước như trả sau nhằm hạn chế sim rác và dễ xử lý khi có sự cố.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ TT-TT đã ban hành Chỉ thị số 11 tăng cường bảo vệ bí mật TTCN người dùng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông sim di động trái quy định. Theo đó, bộ yêu cầu các DN viễn thông, các Sở TT-TT tăng cường phối hợp với các đơn vị công an để xác minh, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Cục An toàn thông tin sẽ chủ trì thiết lập đường dây nóng, hộp thư điện tử, kênh tiếp nhận thông tin trực tuyến trên website và các kênh khác để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh từ người dùng liên quan đến TTCN trên mạng.

Sắp tới, Bộ TT-TT sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 174/2013 của Chính phủ theo hướng tăng chế tài xử phạt để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa đối với các hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái phép TTCN và mua bán sim đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao.

Phạt nhiều nhưng không ăn thua

Sở TT-TT TP HCM cho biết từ năm 2011 đến nay đã tịch thu gần 4.000 sim rác trả trước, ngừng cung cấp dịch vụ của 90.516 thuê bao và phạt gần 500 triệu đồng với hành vi vi phạm đăng ký thông tin thuê bao trả trước. Trong một đợt thanh tra, sở phát hiện có đơn vị dùng hơn 5.000 sim số để gửi tin nhắn rác.

Từ tháng 5-2013 đến cuối năm 2015, Sở TT-TT Hà Nội đã ban hành 12 văn bản đề nghị DN cung cấp dịch vụ viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với 37 đầu số và 372 số điện thoại phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; đã xử phạt vi phạm hành chính 56,25 triệu đồng; tịch thu 12.419 sim rác và 11 thiết bị có chức năng kích hoạt sim không cần bẻ sim. Sở cũng thanh tra 30 DN cung cấp dịch vụ nội dung, xử phạt vi phạm hành chính 717,5 triệu đồng, thu hồi 2 đầu số 1900 6668 và 1900 6804.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chánh Trung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN