eSport đang tạo ra dòng tiền khổng lồ: Chỉ một giải đấu có thể mang về 53 triệu USD
Với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (CAGR) 7 - 8% và lượng khán giả trẻ (18 - 34 tuổi) chiếm tới 70%, eSport đã trở thành hiện tượng văn hóa - kinh tế có sức ảnh hưởng toàn cầu.
Sự phát triển của thể thao điện tử (eSport) không chỉ có tác động mạnh mẽ về văn hóa, đóng góp doanh thu khủng cho cho nền kinh tế số toàn cầu, mà còn tạo ra nhiều việc làm mới trong các lĩnh vực tổ chức sự kiện, streaming và sáng tạo nội dung.
Với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (CAGR) 7 - 8% và lượng khán giả trẻ (18 - 34 tuổi) chiếm tới 70%, eSport đã trở thành hiện tượng văn hóa - kinh tế có sức ảnh hưởng toàn cầu.
Cỗ máy tỷ đô đang tăng tốc
Trên phạm vi toàn cầu, eSport đã vượt xa khỏi khuôn khổ của một hoạt động giải trí đơn thuần, vươn mình trở thành ngành công nghiệp trị giá 1,6 tỷ USD vào năm 2024, và dự kiến sẽ đạt 1,87 tỷ USD vào năm 2025 theo thống kê từ Newzoo.
Cần lưu ý rằng, đây mới chỉ là phần doanh thu trực tiếp từ eSport, chẳng hạn như bản quyền phát sóng, tài trợ, quảng cáo, bán vé và hàng hóa liên quan đến các giải đấu chuyên nghiệp, chưa bao gồm doanh thu gián tiếp như bán vật phẩm trong game hay quảng bá thương hiệu.
Đáng chú ý, hơn 600 triệu người trên thế giới đã theo dõi các sự kiện eSport trong năm 2024. Riêng tại Việt Nam, theo dự báo của Statista, doanh thu thị trường eSport sẽ đạt 7,2 triệu USD vào năm 2025 và tăng lên 10,4 triệu USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ấn tượng 9,72%.
Trong khi đó, số lượng người tham gia giải trí điện tử tại Việt Nam hiện tại đạt tầm 28,2 triệu người, chiếm 28,7% dân số. Số lượng người theo dõi eSport tại Việt Nam cũng ghi nhận hơn 10 triệu người. Những con số này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp này tại Việt Nam.
"Quả trứng vàng" cho nền kinh tế địa phương
eSport đang tạo ra dòng tiền khổng lồ cho các nền kinh tế địa phương. Các giải đấu lớn như Chung kết Thế giới Liên Minh Huyền Thoại (LOL Worlds Championship) đã trở thành nguồn thu đáng kể cho các thành phố đăng cai.
Chẳng hạn, giải đấu LOL Worlds Championship 2022 tổ chức tại San Francisco và New York đã tạo ra doanh thu khoảng 53 triệu USD từ du lịch, khách sạn và chi tiêu của khán giả. Tương tự, trận Chung kết LOL Worlds Championship 2024 diễn ra tại O2 Arena ở London đã đóng góp thêm 15,5 triệu USD cho nền kinh tế Anh, theo ước tính của công ty London & Partners.
Giải đấu LOL Worlds Championship do Riot Games tổ chức hàng năm thu hút hàng triệu người theo dõi trên thế giới.
Không chỉ vậy, nhờ tính đại chúng, eSport đang trở thành một kênh quảng bá đặc biệt hiệu quả cho các nhãn hàng thông qua việc tài trợ trang phục, thiết bị, giải thưởng. Theo Newzoo, doanh thu từ tài trợ chiếm tới khoảng 63% doanh thu của thể thao điện tử toàn cầu.
Các thương hiệu lớn như Mercedes-Benz đã đồng hành cùng giải đấu Liên Minh Huyền Thoại từ rất sớm và tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác 4 năm liên tiếp cho đến năm 2025. Hay Adidas lựa chọn hợp tác với các đội tuyển eSport để ra mắt các dòng sản phẩm thể thao dành riêng cho các tuyển thủ, giúp doanh thu từ nguồn này tăng thêm 15% mỗi năm.
Đặc biệt, eSport đang tạo ra hàng chục nghìn việc làm liên quan đến sản xuất nội dung (streamer, biên tập video), tổ chức sự kiện, phát triển phần mềm và marketing. Theo Forbes, bang Georgia (Mỹ) hưởng lợi 500 triệu USD và 12.000 việc làm từ eSport, với tác động lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác như công nghệ, truyền thông và du lịch.
Nói về eSport, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến tại VNGGames chia sẻ: “eSport đang ngày càng có vai trò quan trọng trên thế giới với doanh thu và lượng người xem đông đảo. Trong những năm qua, Việt Nam đã đem về nhiều thành tích tốt với eSport. Tuy nhiên, để phát triển eSport nói riêng và ngành game nói chung thì cần tạo cú hích về chính sách, quan điểm của Chính phủ trong việc đóng góp cho nền kinh tế số”.
Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế để phát triển eSports: Dân số trẻ, hạ tầng Internet với tốc độ cao nhất Đông Nam Á, chi phí phải chăng, và tỷ lệ sử dụng smartphone lên đến 90% trong số người trưởng thành. Đây là những yếu tố "vàng" giúp Việt Nam có thể trở thành trung tâm eSport hàng đầu khu vực.
Không chỉ vậy, những định kiến của cộng đồng về game như "gây nghiện" hay "độc hại" đang dần được xóa bỏ khi eSport được công nhận là môn thể thao chính thức tại nhiều giải đấu quốc tế. Tại Việt Nam, các buổi truyền hình trực tiếp quy mô lớn dành cho các giải đấu eSport trọng điểm đã được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo người hâm mộ tham gia, góp phần xây dựng cộng đồng eSport sôi động và bền vững.
Sự công nhận của xã hội đối với eSports càng được thể hiện rõ nét khi nhiều giải đấu eSport chuyên nghiệp đã bắt đầu được phát sóng trên truyền hình quốc gia và các nền tảng số, giúp bộ môn này trở nên phổ biến và dễ dàng tiếp cận với đông đảo khán giả.
Với sự đầu tư bài bản, nghiêm túc từ các nhà phát triển và phát hành game, sự hỗ trợ của Chính phủ và các đối tác quốc tế, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để trở thành trung tâm eSport hàng đầu khu vực và phát triển eSport thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Những đóng góp của eSport không chỉ tạo ra giá trị kinh tế khổng lồ mà còn giúp đa dạng hóa nguồn thu ngân sách và định hình tương lai của nền kinh tế số Việt Nam.
Sự phát triển của eSport không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo ra cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực khác.
Nguồn: [Link nguồn]
-13/05/2025 10:52 AM (GMT+7)