Điện toán đám mây: cũ người, mới ta

Thuật ngữ điện toán đám mây (Cloud Computing) không quá xa lạ trong nền công nghệ hiện đại, nhưng để tận dụng được những thế mạnh của nó, cũng như triển khai thành công ngoài thực tế là cả một vấn đề.

Không chỉ là lưu trữ

Thực tế, điện toán đám mây đã xuất hiện từ lâu, dựa trên ý tưởng là cung cấp các dịch vụ thông qua Internet. Từ đó, người dùng có thể truy cập vào và sử dụng dễ dàng, mà không cần phải có kiến thức quá chuyên sâu về công nghệ. Tất nhiên, kèm theo đó là một hệ thống máy chủ tập trung được triển khai bởi nhà cung cấp dịch vụ. Trong nhiều năm qua, điện toán đám mây đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là ở những nước phát triển như Mỹ, Singapore,…

Không chỉ là lưu trữ và chia sẻ dữ liệu lớn “trên mây” như của Google, Microsoft, ở Mỹ còn có những dịch vụ hoạt động trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây khá hoành tráng và là tầm nhìn đáng chú ý cho doanh nghiệp Việt Nam, như hệ thống quản lý kênh phân phối dựa trên nền tảng Acumatica. Đây là một dịch vụ rất thiết thực cho công việc kinh doanh: thay vì phải đồng bộ dữ liệu liệu sau mỗi khoảng thời gian khá dài, giờ đây các nhà bán lẻ có thể cập nhật dữ liệu tức thời, còn người quản lý sẽ dễ dàng kiểm soát mọi dữ liệu thông qua Internet mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là hoạt động 100% trên nền web và có thể mở rộng không giới hạn số lượng người dùng.

Điện toán đám mây: cũ người, mới ta - 1

Không chỉ là lưu trữ, giờ đây có thể tận dụng điện toán đám mây cho việc quản lý doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Internet)

Cũ người, mới ta

Việt Nam cũng là một đất nước phát triển khá mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng lại chưa ghi nhận được nhiều dịch vụ lớn hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây, mà chủ yếu chỉ thiên về khía cạnh thương mại điện tử, như website bán hàng trực tuyến, thanh toán Online,... Còn việc tận dụng công nghệ điện toán đám mây cho nhu cầu lưu trữ dữ liệu lớn, quản lý công ty, doanh nghiệp là một vấn đề khá nan giải.

Trước hết, cần nhìn lại việc giảng dạy tại các trường đại học trong nước. Có thể thấy điện toán đám mây chính là đề tài hấp dẫn thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin, thế nhưng chưa được khai thác triệt để trong hoạt động dạy và học. Hầu hết các trường chưa thể có những môn học chuyên sâu giúp sinh viên nắm bắt được các công nghệ mới nhất của điện toán đám mây, nếu có thì cũng chỉ ở mức sơ lược; mà chủ yếu đi theo hướng lập trình phần mềm là chính. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn có những môn học nền tảng cho sinh viên trong lĩnh vực này và hỗ trợ tối đa cho sinh viên có cơ hội du học ở nước ngoài để nâng cao trình độ. Vì vậy, để tiếp cận công nghệ mới và dễ dàng thành công khi ra trường, sinh viên Việt Nam cần phải tự học và tự nghiên cứu nhiều hơn nữa trước xu hướng điện toán đám mây bùng nổ như hiện nay.

Còn trong thực tế đời sống, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các dịch vụ liên quan dữ liệu lớn và quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là công nghệ được mang từ nước ngoài về. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thiết lập hệ thống quản lý dựa trên điện toán đám mây rất ít ỏi. Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra là họ không có đủ chi phí hoặc chưa cần thiết với họ. Trong khi đó, nếu có kế hoạch dài hạn để thay đổi cơ chế quản lý cục bộ sang hệ thống quản lý “trên mây”, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí bảo trì phần cứng, điều hành hiệu quả và linh hoạt hơn. Chẳng hạn, hệ thống quản lý kênh phân phối của của Acumatica đã ra đời từ năm 2007 tại Mỹ, nhưng tới tận tháng 9 năm nay mới có doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam áp dụng và ngay lập tức cho thấy hiệu quả quản lý tối ưu hơn hẳn. Cũng chính nhờ vào sự phối hợp giữa Acumatica và DMSpro, hệ thống trên đã được Việt Hóa hoàn toàn và sẵn sàng bàn giao cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng.

Điện toán đám mây: cũ người, mới ta - 2

Điện toán đám mây giúp cập nhật dữ liệu ở bất kỳ đâu miễn có Internet.
(Ảnh minh họa: Internet)

Trong một sự kiện về áp dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, Ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Điều hành tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ: “Đội ngũ bán hàng lưu động khắp nơi nên việc kiểm soát và tính kỷ luật là vấn đề hóc búa mà các nhà quản trị của các công ty FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) rất đau đầu. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề liên quan tới khen thưởng nhân viên, xào nấu số liệu,… Vì những khó khăn trên, doanh nghiệp đã phải áp dụng giải pháp quản lý kênh phân phối trực tuyến cho hơn 200 nhà phân phối và 1.600 nhân viên cùng sử dụng, được DMSpro phát triển dựa trên nền tảng Acumatica. Từ đó, hằng ngày đội ngũ quản lý bán hàng có thể theo dõi chính xác chỉ số năng lực của nhân viên, trong khi vẫn thu thập được đầy đủ thông tin để cải thiện khả năng bán hàng và độ bao phủ ngoài thị trường”.

Ngoài ra, trong nước còn có một số danh nghiệp khác đã và đang áp dụng khá thành công các nền tảng công nghệ điện toán đám mây. Đối với họ, đầu tư vào hệ thống quản lý “trên mây” là một bước đi chiến lược, phù hợp với xu thế thời đại và lợi ích dài lâu.

Vấn đề bảo mật

Một hệ thống quản lý tập trung “trên mây” sẽ giúp việc kinh doanh trở nên thuận lợi, tiết kiệm và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, khi quyết định áp dụng nền tảng công nghệ điện toán đám mây, các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nguy cơ mất mát dữ liệu. Do đó, một hệ thống tốt còn phải chú trọng vào vấn đề bảo mật tốt.

Thực tế, việc bảo mật cho một hệ thống trực tuyến không hề đơn giản trước vấn nạn tin tặc mạng ngày càng lộng hành. Ở Việt Nam, các hệ thống như vậy thường được bảo vệ bằng cách sử dụng máy chủ ảo (VPN) và bảo mật đa lớp (thường là 2 lớp). Còn nền tảng Acumatica của Mỹ được xây dựng tới 6 tầng bảo mật, mã hóa dữ liệu mạnh bằng thuật toán riêng, phân hệ người dùng rõ ràng. Đây là điều mà nhiều hãng công nghệ trong nước vẫn còn khá bỏ ngõ, nếu không nói là chưa thể làm được nếu không có sự hỗ trợ từ đội ngũ kỹ sư nước ngoài.

Qua đó mới thấy, Việt Nam còn cần lắm những đội ngũ kỹ thuật có thể tạo nên những sản phẩm đột phá, để đến một lúc nào đó có thể tự mình triển khai các hệ thống chuyên nghiệp không kém nước ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN