Bốn hãng điện thoại Trung Quốc thách thức Google Play

Sự kiện: Công nghệ

Bốn hãng công nghệ Trung Quốc đã cùng nhau thiết lập một nền tảng cho các nhà viết phần mềm bên ngoài Trung Quốc đưa ứng dụng (apps) lên các “cửa hàng ứng dụng” (apps store) của điện thoại do bốn hãng này sản xuất cùng lúc.

Một phụ nữ đứng trước một cửa hàng của hãng điện thoại Oppo. Ảnh: Reuters

Một phụ nữ đứng trước một cửa hàng của hãng điện thoại Oppo. Ảnh: Reuters

Động thái này được các nhà phân tích mô tả là nhằm thách thức sự thống trị của Google’s Play, apps store của hãng công nghệ khổng lồ Google (Mỹ).

Cụ thể: bốn hãng điện thoại nói trên, bao gồm Xiaomi, Huawei Technologies, Oppo và Vivo, đã lập ra một nền tảng mang tên Liên minh dịch vụ các nhà phát triển toàn cầu (GDSA), nhằm giúp các tổ chức, cá nhân phát triển ứng dụng điện thoại, bao gồm trò chơi, âm nhạc, phim ảnh và các loại apps khác rao bán ứng dụng ở thị trường nước ngoài, Reuters trích một số nguồn tin “có hiểu biết về vấn đề” cho hay.

Các nguồn tin nói GDSA dự kiến sẽ khai trương vào tháng 3 tới, cho dù chưa rõ chủ trương này bị ảnh hưởng thế nào khi dịch bệnh do virus corona đang bùng phát ở Trung Quốc.

Một website thử nghiệm nói nền tảng GDSA ban đầu sẽ “bao phủ” 9 “khu vực” gồm Ấn Độ, Indonesia và Nga. Cả hãng Oppo và Vivo đều thuộc sở hữu của tập đoàn điện tử BBK Electronics của Trung Quốc.

Oppo, Vivo và Xiaomi xác nhận họ cùng nhau phát triển GDSA để tạo phương thức đưa các ứng dụng lên cửa hàng ứng dụng cùng lúc.

Một người phát ngôn của hãng Xiaomi nói liên minh “không có ý định thách thức Google” và bác bỏ sự tham gia của Huawei trong liên minh, nhưng hãng Oppo và Vivo thì không đề cập Huawei trong thông báo của họ. Còn bản thân Huawei thì từ chối bình luận.

Google, công ty không có dịch vụ ở Trung Quốc do bị cấm, đã kiếm được 8,8 tỷ USD trên thị trường toàn cầu từ cửa hàng Play Store trong năm 2019, theo lời Katie Williams, nhà phân tích của hãng công nghệ Sensor Tower, Mỹ, nói. Google cũng bán các nội dung như phim, sách và ứng dụng trên cửa hàng Play của họ và được hưởng hoa hồng 30%.

Về chuyện GDSA, Google đã không hồi đáp trước đề nghị bình luận của Reuters.

Tuy các hãng Trung Quốc nói không thách thức Google nhưng một số nhà phân tích không nghĩ vậy.

“Bằng việc thành lập liên minh, các công ty đều tìm cách tận dụng lợi thế của các công ty khác ở các khu vực khác nhau, khi Xiaomi mạnh ở Ấn Độ, Vivo và Oppo ở Đông Nam Á và Huawei ở châu Âu,” Nicole Peng, chuyên gia của công ty phân tích thị trường công nghệ Canalys nói. “Thứ hai, đây là khởi đầu cho việc xây dựng sức mạnh để đối đầu với Google” bà nói thêm.

Bốn công ty điện thoại Trung Quốc nói trên chiếm 40,1% doanh số điện thoại di động toàn cầu trong quý 4/2019, theo hãng tư vấn IDC. Trong khi người dùng điện thoại Oppo, Vivo và Xiaomi được thoải mái truy cập dịch vụ của Google trên thị trường quốc tế, điện thoại Huawei kể từ năm ngoái không được truy cập các dịch vụ này do Mỹ cấm các công ty Mỹ cung cấp hàng hóa dịch vụ cho Huawei với lý do an ninh quốc gia.

Các nhà kinh doanh Trung Quốc đang cố gắng giành lấy thị phần phần mềm và dịch vụ lớn hơn khi điện thoại đang được tiêu thụ chậm lại, theo Will Wong, nhà phân tích thị trường điện thoại di động của hãng IDC.

Huawei cũng đang tìm cách độc lập với Google bằng việc phát triển hệ điều hành  Harmony OS của riêng họ.

Một số nhà phân tích nói GDSA có thể thu hút một số nhà phát triển ứng dụng bằng việc cung cấp “không gian” mở hơn so với cửa hàng Play Store của Google vốn đã rất chật chội, và nền tảng mới có thể có các điều khoản chia sẻ lợi nhuận hấp dẫn hơn.

“Việc đơn giản hóa để ứng dụng dễ dàng vươn đến nhiều “cửa hàng”, của Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi sẽ thu hút nhiều nhà phát triển hơn và cuối cùng là nhiều apps hơn”, ông Williams nói.

Tuy có vẻ có một số lợi thế, nhưng liên minh tồn tại được hay không là một thách thức quản lý, bà Peng nói. “Việc  thực thi là khó khăn bởi khó có thể nói công ty nào đầu tư nhiều hơn, bỏ công nhiều hơn. Chúng ta chưa từng thấy mô hình dạng này hoạt động hiệu quả trước đây”.

Nguồn: [Link nguồn]

Google Maps mừng sinh nhật 15 tuổi: 'Bí thuật' dùng bản đồ như chuyên gia

Từ khi Google Maps ra đời vào năm 2005, người dùng không còn mò mẫm tìm đường như ở thời kỳ chưa có bản đồ số như...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Minh ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN