Báo Mỹ đưa tin chấn động: Huawei bí mật hỗ trợ xây mạng không dây cho Triều Tiên?

Sự kiện: Internet

Tờ Washington Post mới đây công bố tài liệu tố cáo Huawei bí mật giúp chính phủ Triều Tiên xây dựng và duy trì mạng không dây thương mại của nước này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Washington Post, Huawei hợp tác với Panda International Information Technology, một công ty Trung Quốc, trên nhiều dự án trong ít nhất 8 năm. Một cựu nhân viên Huawei đã cung cấp tài liệu về các đơn hàng, hợp đồng và bảng tính chi tiết lấy từ cơ sở dữ liệu hoạt động viễn thông toàn cầu của công ty cho tờ báo. Hai bộ tài liệu khác được những người khác chia sẻ. Tất cả đều ẩn danh vì không muốn rắc rối.

Những tiết lộ từ tài liệu này đặt ra câu hỏi liệu có phải Huawei đang sử dụng công nghệ Mỹ trong linh kiện của mình và có vi phạm lệnh cấm xuất khẩu trang thiết bị sang Triều Tiên hay không. Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận, trong khi Huawei khẳng định “không hiện diện kinh doanh” tại Triều Tiên, tuân thủ hoàn toàn luật pháp và quy định tại các quốc gia và khu vực hoạt động, bao gồm cả lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu.

Panda Group, công ty mẹ của Panda International, cũng từ chối bình luận.

Huawei được ông Nhậm Chính Phi, cựu kỹ sư quân đội, thành lập năm 1987. Huawei đi một chặng đường dài để từ nhà sản xuất thiết bị chuyển mạch điện thoại trở thành biểu trưng của sức mạnh công nghệ Trung Quốc. Ngày nay, Huawei đang kinh doanh tại hơn 170 nước.

Trước năm 2008, Triều Tiên gặp khó khi tìm kiếm các công ty đa quốc gia sẵn lòng xây dựng mạng 3G tại đây. Khó khăn đó chấm dứt với sự ra đời của nhà cung cấp dịch vụ không dây Koryolink, thành quả từ chuyến thăm trụ sở Huawei tại Thâm Quyến năm 2006 của lãnh tụ Kim Jong Il.

Theo Alexandre Mansourov, phụ tá giáo sư tại Đại học Georgetown, sự kiện không chỉ cho thấy mối quan tâm của giai cấp lãnh đạo trong hợp tác với Huawei mà còn thể hiện Huawei được lựa chọn như nhà cung ứng công nghệ chính. “Họ quyết định làm với Huawei từ lúc ấy”.

Koryolink được thành lập thông qua liên doanh giữa Orascom Telecom Holding của Ai Cập và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Triều Tiên năm 2008. Cùng nhau, họ được gọi là CHEO Technology.

Một cái tên quan trọng là Panda International. Huawei liên hệ chặt chẽ với Panda. Theo Washington Post, công ty dùng Panda làm “ống dẫn” để cung cấp trạm gốc, ăng-ten và thiết bị cần thiết để ra mắt Koryolink cho Triều Tiên. Một nguồn tin tiết lộ: trong nhiều năm, nhân viên hai hãng làm việc tại một khách sạn bình dân gần quảng trường Kim Il Sung tại Bình Nhưỡng.

Tài liệu chỉ ra Huawei tham gia vào “tích hợp mạng lưới” và dịch vụ phần mềm cũng như ít nhất một dự án “mở rộng” cho Koryolink. Họ cùng cung cấp “dịch vụ quản lý” và “đảm bảo mạng lưới”. Yin Chao, nhân viên đang làm cho Huawei, cho biết anh làm cho hệ thống gọi lại tự động của Koryolink trong hai năm 2012 và 2013.

Theo hợp đồng năm 2008, Panda vận chuyển thiết bị Huawei đến Dandong, thị trấn ở Đông Bắc Trung Quốc. Từ đây, chúng được đưa đến Bình Nhưỡng bằng tàu hỏa.

Tài liệu cho thấy Huawei còn kinh doanh với một công ty Trung Quốc khác là Dandong Kehua. Công ty này tháng 11/2017 bị Bộ Ngân khố Mỹ trừng phạt vì xuất khẩu và nhập khẩu sang Triều Tiên. Không rõ vai trò của Dandong trong giao dịch giữa Huawei và Triều Tiên là gì và Huawei hợp tác với họ trước hay sau khi bị cấm vận.

Quốc gia “A9”

Trong các tài liệu nội bộ và giữa các nhân viên, Huawei đặt mật mã cho các nước như Triều Tiên, Iran và Syria. Chẳng hạn, Triều Tiên được liệt kê là A9 trong cơ sở dữ liệu dự án.

Trên diễn đàn được nhân viên Huawei sử dụng, một người hồi tưởng lại về việc giúp ra mắt Koryolink tại “A9” vào mùa hè năm 2008 trước khi vội vã trở về Trung Quốc để hỗ trợ Thế vận hội Bắc Kinh.

Theo tài liệu Washington Post có được, Triều Tiên bày tỏ lo ngại về gián điệp nước ngoài đối với quan chức và các thành viên gia đình khi dùng Koryolink. Mùa xuân 2008, Orascom và Korea Post giao Huawei nhiệm vụ phát triển giao thức mã hóa cho mạng, lưu ý chính phủ sẽ tạo thuật toán mã hóa riêng.

Tài liệu có chữ ký của kỹ sư trưởng Korea Post và thành viên ban quản trị Orascom viết: Hai bên nhất trí người dân bình thường sẽ sử dụng điện thoại di động tiêu chuẩn quốc tế, còn người dùng đặc biệt dùng điện thoại di động khác, chứa thuật toán mã hóa.

Năm 2011, Vimpelcom, công ty của Nga, mua lại Orascom và tách Koryolink thành chi nhánh mới, nay có tên Orascom Investment Holding. Theo thỏa thuận ban đầu, Orascom được độc quyền điều hành mạng di động tại Triều Tiên đến năm 2015 nhưng sau đó chính phủ ra mắt mạng đối thủ, Kang Song, năm 2013, sử dụng thiết bị của ZTE. Kang Song nhanh chóng qua mặt Koryolink trở thành nhà cung cấp dịch vụ không dây hàng đầu tại nước này.

Năm 2014, Bộ Thương mại Mỹ cấm xuất khẩu linh kiện xuất xứ Mỹ cho Panda, cáo buộc công ty trang bị các linh kiện này cho quân đội Trung Quốc “và/hoặc” các nước bị Mỹ cấm vận. Kể từ đó, bất kỳ công ty nào cung cấp mặt hàng viễn thông cho Panda và chứa ít nhất 10% nội dung xuất xứ Mỹ mà không có giấy pháp đều vi phạm lệnh cấm.

Một vài chuyên gia cho rằng có khả năng thiết bị 3G Huawei chứa linh kiện Mỹ nhưng rất khó để xác định nó có vượt qua ranh giới 10% hay không. Hồi tháng 5/2019, Huawei cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen do cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt với Iran.

Theo nguồn tin, Huawei và Panda bỏ văn phòng tại Bình Nhưỡng nửa đầu năm 2016. Koryolink đang hoạt động với thiết bị lỗi thời do Huawei không còn nâng cấp và bảo trì nữa.

Quan chức Mỹ gửi trát hầu tòa cho Huawei năm 2016, yêu cầu thông tin về xuất khẩu công nghệ Mỹ sang các nước bị cấm vận, trong đó có Triều Tiên. Nếu bị phát hiện vi phạm lệnh trừng phạt với Triều Tiên, Huawei có thể đối mặt với lệnh cấm vận xuất khẩu bổ sung, phạt dân sự hoặc truy tố hình sự.

Theo James Mulvenon, một chuyên gia về gián điệp kinh tế Trung Quốc và Giám đốc nhà thầu quốc phòng SOS International, Huawei không muốn bị bắt gặp giao dịch trực tiếp với Triều Tiên, vì vậy họ mới làm việc thông qua các công ty khác như Panda.

Website của Panda International nhắc đến quan hệ đối tác lâu dài với Huawei từ năm 2007.

Căng thẳng với Mỹ chưa ngã ngũ, Huawei chuyển hướng sang ”gắn bó” với Nga

Giữa bối cảnh căng thẳng, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc đang từng bước giảm sự phụ thuộc với Mỹ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Du Lam/Washington Post ([Tên nguồn])
Internet Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN