Mất 122 triệu đồng vì tin người trên Facebook

Chiêu trò giả mạo các trang web ngân hàng để đánh cắp tài khoản người dùng vốn chẳng phải là mới, tuy nhiên mọi thứ ngày càng tinh vi hơn theo thời gian.

Mới đây, tài khoản Facebook H.C Phương đã chia sẻ bài viết cảnh báo về việc bị lừa mất 122 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. 

Theo đó, kẻ gian đã liên lạc với nạn nhân để mua một chú chó trị giá 8 triệu đồng. Sau khi tạo được lòng tin, kẻ gian gửi lại một tin nhắn với nội dung đã chuyển tiền và yêu cầu nạn nhân nhấp vào liên kết đi kèm để xác nhận lại mọi thứ. Do chủ quan, anh H.C Phương đã nhấp vào liên kết kể trên, điền thông tin về tên tài khoản, mật khẩu ngân hàng, mã OTP… Không lâu sau, số tiền 122 triệu đồng trong tài khoản đã không cánh mà bay.

Mất 122 triệu đồng vì tin người trên Facebook - 1

Tin nhắn chuyển tiền giả mạo và tin nhắn thông báo 122 triệu đồng đã bị "bốc hơi". Ảnh: TIỂU MINH

Ngay lập tức nạn nhân đến công an phường trình báo để phối hợp cùng ngân hàng niêm phong tài khoản thụ hưởng 122 triệu đồng. Tuy nhiên, phía ngân hàng cho biết không thể phong tỏa vì số tiền đã được chuyển sang ngân hàng khác. 

Chiêu trò lừa đảo bằng các trang web giả mạo vốn chẳng phải là mới, tuy nhiên có không ít người vẫn trở thành nạn nhân và bị mất tiền, mất tài khoản. Trong trường hợp này, kẻ gian đã tạo một trang web giả mạo MoneyGram (dịch vụ chuyển tiền) để lừa người dùng điền vào thông tin đăng nhập, mã OTP. Khi có được thông tin, kẻ gian sẽ ngay lập tức truy cập và đánh cắp tiền trong tài khoản.

Mất 122 triệu đồng vì tin người trên Facebook - 2

Trang web giả mạo mà kẻ gian đã dụ người dùng đăng nhập thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP. Ảnh: TIỂU MINH

Trước đó không lâu, một số người dùng cũng phản ánh về việc liên tiếp xuất hiện các trang web giả mạo các ngân hàng Vietcombank, Techcombank…

Làm thế nào để hạn chế tình trạng trên?

Người dùng cần phải cảnh giác hơn với những tin nhắn lừa đảo thông báo trúng thưởng qua SMS, Facebook, điện thoại… Có thể thấy hành vi của kẻ gian ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn, hãy nhớ tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hay địa chỉ email cho người khác.

Đồng thời, khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến, hãy để ý đến liên kết trang xem có đúng hay chưa, thường thì các trang web của ngân hàng sẽ sử dụng giao thức bảo mật HTTPS nên ở phần đầu địa chỉ sẽ có biểu tượng ổ khóa màu xanh lá, nghĩa là an toàn.

- Sử dụng giải pháp bảo mật mạnh mẽ cho máy tính, smartphone và bảo đảm rằng mọi thứ luôn được cập nhật.

- Đảm bảo rằng bạn đang sử dụng mật khẩu mạnh và thường xuyên thay đổi.

- Tránh truy cập vào các liên kết lạ từ những người không quen biết, bạn bè và kể cả người thân (không loại trừ trường hợp tài khoản của họ đã bị kẻ gian xâm nhập).

- Không nên jailbreak hoặc root smartphone để tránh bị dính phần mềm độc hại.

- Thường xuyên chạy các chương trình bảo mật để quét thiết bị lây nhiễm.

- Không đăng nhập vào các trang web đáng ngờ, bạn hãy để ý kỹ địa chỉ trang web trước khi tiến hành nhập thông tin.

- Dùng tay che khi nhập mật khẩu thẻ.

- Hãy sử dụng các máy ATM ngay tại ngân hàng.

- Thông báo cho ngân hàng khi thấy những giao dịch đáng ngờ.

Đối với doanh nghiệp, bạn cần phải báo cáo cuộc tấn công cho ngân hàng hoặc cảnh sát. Sử dụng các biện pháp bảo mật và cập nhật dữ liệu thường xuyên, nâng cao nhận thức cho nhân viên và cuối cùng là áp dụng các chính sách bảo mật thông tin nghiêm khắc.

Ngoài những giải pháp kể trên, người dùng cũng nên cài đặt thêm các ứng dụng VPN để mã hóa toàn bộ thông tin khi giao dịch. Đối với máy tính, bạn hãy cài đặt trình duyệt Opera tại địa chỉ https://www.opera.com/vi. Khi hoàn tất, bạn hãy gõ vào thanh địa chỉ trình duyệt dòng lệnh opera://settings/, chuyển sang mục Privacy & security > Enable VPN.

Mất 122 triệu đồng vì tin người trên Facebook - 3

Sử dụng VPN để đảm bảo an toàn khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. Ảnh: TIỂU MINH

Nhìn chung, trên đây chỉ là một trong số nhiều kiểu lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Tất nhiên đằng sau đó vẫn còn khá nhiều hình thức và các trang web lừa đảo tương tự, người dùng phải thật sự tỉnh táo, tránh ham rẻ để rồi bị sập bẫy kẻ gian, đến khi mất tiền thì hối hận đã muộn.

Bị lừa hơn 40 triệu đồng vì mắc bẫy thông báo trúng thưởng xe Sh qua Facebook

Mắc bẫy thông báo trúng thưởng xe Sh trị giá 102 triệu đồng và tiền mặt 200 triệu đồng, anh Trung Kiên (trú tại Thái Bình)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiểu Minh ([Tên nguồn])
Internet và những hiểm họa khôn lường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN