V-League sẽ thiệt hại lớn khi đá bóng không khán giả
Cuối tuần này, Giải bóng đá vô địch quốc gia 2020 (V-League 2020) sẽ khởi tranh mà không có khán giả trên sân vì dịch bệnh Covid-19.
Những khán đài trống trơn sẽ đem đến nhiều hệ lụy, triệt tiêu cảm xúc của cầu thủ.
Vì sao phải đá trên sân không khán giả?
Cuối tuần này, V-League 2020 sẽ chính thức khởi tranh trên sân cỏ cả nước sau hơn 1 tháng tạm hoãn vì dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh vẫn đang khó lường, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - đơn vị tổ chức và điều hành giải đã thống nhất Vòng 1 V-League 2020 sẽ diễn ra trên các sân không khán giả.
CLB Nam Định (áo đỏ) là đội bóng có lượng khán giả sân nhà đông nhất V-League 2019
Những vòng đấu tiếp theo sẽ tùy tình hình để có hướng xử lý. Dẫu vậy, nhiều khả năng trong tháng 3, VPF vẫn chưa thể mở cửa sân để khán giả vào theo dõi bóng đá. Động thái này là cần thiết nhằm hạn chế việc tụ tập đông người, tạo môi trường lây lan dịch bệnh. Trước đó, ngày 1/3, trận tranh Siêu cúp Quốc gia 2020 giữa Hà Nội FC và TP HCM trên sân Thống Nhất cũng diễn ra mà không có khán giả.
Rất may, quyết định trên nhận được sự đồng tình của hầu hết các CLB tham dự V-League 2020. “Bóng đá phải có khán giả nhưng sức khỏe cộng đồng mới là điều quan trọng nhất vào lúc này. Dù Việt Nam đang kiểm soát tốt nhưng nếu chủ quan thì rất dễ phải trả giá đắt. Thế nên, tôi ủng hộ phương án tổ chức giải không khán giả, không thể hoãn mãi được”, ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc CLB SLNA nói.
Dẫu vậy, CLB Nam Định lại không hài lòng với việc chơi trên sân trống. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc kỹ thuật đội bóng thành Nam cho rằng, vắng bóng khán giả, giải đấu sẽ trở nên nhàm chán: “Đá như vậy không khác nào đá tập cả, cầu thủ không có cảm xúc, thiếu động lực thi đấu và chất lượng chuyên môn cũng suy giảm. Đành rằng giữa lúc cả nước đang tập trung chống dịch, bóng đá không thể một mình một kiểu nhưng tại sao không hoãn tiếp, đợi hết dịch rồi đá”.
Tuy nhiên, khó ở chỗ, V-League 2020 đã hoãn hơn 1 tháng, nếu tiếp tục lùi lịch thì có hai nguy cơ xảy ra. Thứ nhất, giải có thể kết thúc muộn, ảnh hưởng tới sự chuẩn bị của đội tuyển Việt Nam cho Giải vô địch Đông Nam Á 2020 (AFF Cup 2020). Thứ hai, nếu giải vẫn kết thúc đúng như dự kiến thì lịch thi đấu bị dồn, gây khó khăn cho những CLB tham dự đấu trường châu Á và Đông Nam Á. Chính bởi vậy, việc khai mạc giải giữa lúc dịch bệnh vẫn đang tồn tại là điều gần như bất khả kháng.
“Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra phương án tạm thời không để khán giả vào sân. Vẫn biết các CLB, cầu thủ sẽ vướng nhiều hệ lụy nhưng tất cả phải hi sinh vì cái chung. Bản thân Ban Điều hành giải cũng rất áp lực, bởi dù không có khán giả nhưng mỗi trận đấu cũng phải có cả trăm người tham gia. Mọi cá nhân, kể cả cầu thủ đều được kiểm tra y tế, đăng ký thông tin rõ ràng nhằm đảm bảo an toàn cao nhất về mặt sức khỏe cho mọi thành viên”, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF chia sẻ.
Ai là người chịu thiệt?
Có một thực tế phải thừa nhận, việc không để khán giả vào sân sẽ có những tác động tiêu cực tới đơn vị tổ chức cũng như các CLB và cầu thủ. Đúng như ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc kỹ thuật CLB Nam Định lo ngại, thi đấu giữa 4 khán đài trống trơn sẽ khiến cầu thủ mất động lực cống hiến.
“Anh em trong đội đương nhiên không vui bởi dù quyết tâm tới mấy nhưng thi đấu như vậy thì khó có sự máu lửa, nhiệt huyết”, Đội trưởng CLB Quảng Nam Đinh Thanh Trung nói.
Trung vệ Bùi Tiến Dũng của CLB Viettel thì cho hay, chắc chắn cầu thủ cũng như Ban huấn luyện các đội đều sẽ cảm thấy trống vắng khi sân đóng cửa với người hâm mộ: “Bóng đá quan trọng nhất là cảm xúc, không khán giả đồng nghĩa với không có cảm xúc và trận đấu sẽ mất đi phần nào ý nghĩa”. Nói vậy nhưng tuyển thủ quê Hà Tĩnh cũng khẳng định, là cầu thủ chuyên nghiệp, anh cùng đồng đội sẽ vẫn nỗ lực thi đấu vì màu cờ sắc áo, để người hâm mộ xem qua truyền hình không rơi vào cảm giác thất vọng.
Riêng về phần CLB, không khán giả đồng nghĩa không có nguồn thu từ bán vé. Mùa trước, CLB Hà Nội có 116 nghìn lượt khán giả tới sân. Giá vé tại sân Hàng Đẫy là 50 nghìn đồng/vé cho hai khán đài A, B (C, D không bán vé). Doanh thu bán vé cả mùa của nhà đương kim vô địch rơi vào khoảng 5,8 tỷ đồng, tức trung bình hơn 400 triệu/trận (13 trận sân nhà). Nếu lấy lượng khán giả như mùa giải 2019, cộng với giá vé không đổi, mỗi trận không khán giả, Hà Nội sẽ mất trắng 400 triệu đồng.
Tương tự, CLB Nam Định thu hút khoảng 195 nghìn lượt CĐV tới sân cổ vũ ở V-League 2019. Sân Thiên Trường có 5 mức giá vé gồm: 10, 30, 40, 60 và 70 nghìn đồng/vé, tức trung bình khoảng 42 nghìn đồng/vé. Tính ra, tổng doanh thu bán vé của Nam Định rơi vào khoảng gần 8,2 tỷ đồng, tương đương 630 triệu đồng/trận. Một số đội bóng khác có lượng khán giả lớn như SLNA, SHB Đà Nẵng, HAGL cũng mất khoản thu nhập đáng kể từ bán vé.
Với CLB rủng rỉnh tài chính như Hà Nội FC, việc thụt két 400 triệu đồng không phải vấn đề lớn. Nhưng với Nam Định, đội bóng có nền tảng tài chính eo hẹp, mất 630 triệu đồng cho mỗi trận sân nhà là khó khăn không hề nhỏ.
Đứng ở góc độ tổ chức, VPF không bị ảnh hưởng quá nhiều. “Nhà tài trợ chúng tôi đã ký hợp đồng từ trước với Tập đoàn LS (Hàn Quốc). Trong hợp đồng đúng là có điều khoản xem xét những tác động của giải để điều chỉnh số tiền tài trợ nhưng trong cuộc làm việc mới nhất, LS tỏ ra rất thông cảm và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để V-League diễn ra thành công. Về bản quyền truyền hình, chúng tôi vẫn đang hợp tác cùng Next Media trong việc phân phối và dự kiến không chịu tác động bởi 100% các trận đấu vẫn được truyền hình trực tiếp”, ông Trần Anh Tú tiết lộ.
Lịch thi đấu Vòng 1 V-League 2020 - 17h00 ngày 6/3: HAGL - Than Quảng Ninh. - 17h00 ngày 6/3: Quảng Nam - TP HCM. - 19h00 ngày 7/3: Hà Nội - DNH Nam Định. - 15h00 ngày 8/3: Hồng Lĩnh Hà Tĩnh - Viettel. - 17h00 ngày 8/3: B.Bình Dương -SHB Đà Nẵng. - 17h00 ngày 8/3: Thanh Hóa - Hải Phòng. - 18h00 ngày 8/3: Sài Gòn FC - SLNA. |
Nguồn: [Link nguồn]
Văn Lâm đăng một bình luận lạ trong bối cảnh đang bị mất vị trí ở Muangthong.