Real & “đại ca” quyền uy: Butragueno, kẻ khai sinh "quyền lực đen" (P5)
Vì đâu mà Real Madrid có biệt danh "Kền kền trắng"? Đó là biệt danh của một người được xem là "Quyền lực đen" đầu tiên trong lịch sử Real, trước cả những Raul, Hierro hay Ronaldo.
Một đội bóng lớn, nhiều siêu sao như Real luôn tồn tại những “sóng ngầm” trong chuyện hậu trường. Trong lịch sử đội bóng chứng kiến nhiều huyền thoại, thủ lĩnh phòng thay đồ ra đời. Họ không chỉ là những người có tầm ảnh hưởng về chuyên môn, mà còn có quyền lực lấn át so với phần còn lại. Hãy cùng tìm hiểu qua loạt bài Real và những “đại ca” sân cỏ, bắt đầu từ 24/3! |
"Quyền lực đen" đầu tiên
Đã có khi nào mà khán giả đến xem một đội dự bị lại nhiều hơn một đội hình chính? Real Madrid mang tới ví dụ đó. Khi họ để mất sự thống trị La Liga vào tay hai đội bóng xứ Basque (Bilbao & Sociedad) đầu thập niên 1980, một thế hệ cầu thủ gốc Madrid đã hình thành ở đội dự bị Castilla và thậm chí còn khiến các Madridista hâm mộ hơn các cầu thủ đá chính.
"Bầy Kền kền" - Từ trái sang: Butragueno, Pardeza, Michel, Manolo Sanchis, Vasquez
Emilio Butragueno, Michel, Manolo Sanchis, Martin Vasquez và Miguel Pardeza đều lần lượt được thăng lên đội 1 trước khi mở ra một thời kỳ huy hoàng mới của Real. Cầm đầu bởi nhóm “Kền kền” (La Quinta del Buitre), Real Madrid đoạt 5 chức vô địch La Liga liên tiếp, chuỗi vô địch quốc gia dài cuối cùng của đội bóng Hoàng gia cho tới tận ngày nay.
Emilio Butragueno là thủ lĩnh của nhóm “Kền kền”, sở hữu một gương mặt được mô tả như là của nhân vật Peter Pan và phong cách chơi bóng rất nghệ sĩ. Nhưng đằng sau gương mặt đó là một bản chất cứng rắn, thù lâu nhớ dai và thậm chí sẵn sàng phản bội. Trong phòng thay đồ Real Madrid, kẻ có thể sinh tồn là kẻ biết làm thân với Butragueno, Michel và Sanchis.
Một trong những kẻ thù của bộ ba này là chân sút lừng danh người Mexico, Hugo Sanchez. Gia nhập Real năm 1985, Sanchez và Butragueno nhanh chóng trở thành bộ đôi đáng sợ nhất của La Liga và cá nhân Sanchez đoạt 4 danh hiệu Pichichi liên tiếp. Thế nhưng giữa Butragueno và Sanchez tồn tại một mối thù khá sâu sắc.
Câu chuyện xuất phát từ việc Sanchez trong một lần đàm phán gia hạn hợp đồng với Real đã đòi khá nhiều tiền để ở lại, và Michel đã mắng Sanchez là kẻ tham lam và "phản chủ" (Sanchez rời Atletico để gia nhập Real). Sanchez sinh thù với Michel và đã gọi mình với một số cầu thủ không bè phái với nhóm “Kền kền” là “Nhóm của những người đàn ông đích thực” (La Quinta de los Machos), ý chửi nhóm “Kền kền” là “bọn đàn bà”.
Thù địch với nhau, nhưng bộ đôi Butragueno - Sanchez sát cánh ở Real trong 7 năm
Điều ngạc nhiên là dù công khai thù địch nhau, Butragueno không tìm cách loại bỏ Sanchez ngay từ đầu. Nhà văn Phil Ball trong cuốn “Morbo: Lịch sử bóng đá TBN” viết rằng chừng nào thành công tiếp tục đến với Real, chừng đó Butragueno còn giữ Sanchez ở lại. Phải tới năm 1992, khi Real đã mất thế thống trị La Liga vào tay Barcelona và 3 lần liên tiếp thua ở bán kết Cúp C1, nhóm “Kền kền” mới loại bỏ Hugo Sanchez khỏi sân Bernabeu.
Đó là bản chất của Butragueno, một kẻ hiếu thắng và không để tư thù cá nhân làm ảnh hưởng tới thành tích đội bóng. Roy Keane (huyền thoại của MU) viết trong tự truyện của ông về một kỷ niệm khôi hài lúc ông còn ở Nottingham Forest năm 1992, ông bất ngờ nhận cuộc gọi từ Butragueno trong lúc mình đang ngồi toilet, rằng Butragueno muốn ông đến Real để giúp lật đổ “Dream Team” của Barcelona.
HLV cũng phải chịu
Nhóm “Kền kền” tạo ra một ảnh hưởng đáng sợ ở Real Madrid tới mức, ngay cả HLV trưởng, quan chức cấp cao hay thậm chí chủ tịch của CLB cũng không dám động đến Butragueno, Michel và Sanchis. Họ có thể hất cẳng bất kỳ ai nhờ sự hậu thuẫn của các Madridista, những người trước đó vốn chỉ có những huyền thoại ngoại quốc như Di Stefano, Puskas, Kopa hay Santamaria để sùng bái.
Alfredo Di Stefano, trong thời gian ngắn làm HLV trưởng Real, chính là người đưa những thành viên của nhóm “Kền kền” lần lượt ra mắt đội hình 1. Sanchis, Vasquez, Pardeza, Butragueno lần lượt được ra sân, trong khi Michel vẫn ở lại Castilla. Michel là nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất của nhóm, cãi nhau với chính Di Stefano trên sân tập khi thấy mình chưa được đôn lên đội hình chính.
Raul ra mắt Real Madrid năm 1994 và sau đó thay thế quyền lực của Butragueno
John Toshack được bổ nhiệm làm HLV trưởng Real Madrid vào năm 1989, thay thế Leo Beenhakker. Beenhakker đã là một thành công to lớn ở Real và khi HLV người Hà Lan từ chức để dẫn dắt ĐTQG Hà Lan ở World Cup 1990, ban lãnh đạo Real hy vọng Toshack cũng sẽ thành công bởi ông cũng có sự kỷ luật và cứng rắn như Beenhakker.
Toshack nhanh chóng thể hiện sự cứng rắn đó bằng cách đẩy Butragueno lên ghế dự bị. Real Madrid đoạt chức vô địch La Liga mùa 1989/90 với số bàn thắng nhiều hơn 4 lần vô địch trước, nhưng đẩy Butragueno lên ghế dự bị chẳng khác gì hắt hủi Raul hay Cristiano Ronaldo. Chủ tịch Ramon Mendoza đã cảnh báo Toshack “Khán giả Real đến để xem Butragueno”, và khi Toshack làm trái lời, HLV kỳ cựu này đã bị sa thải, ngay sau chức vô địch.
Đến năm 1992, quyền lực của nhóm “Kền kền” đã suy giảm ở Real Madrid, Vasquez đòi tăng lương không được liền ra đi, Butragueno và Michel xuống phong độ, còn Real bị Barcelona áp đảo ở La Liga liền 4 mùa giải. Khi Raul Gonzalez xuất hiện và lập tức gây dấu ấn để Real vô địch La Liga 1994/95, đó cũng là dấu chấm hết của Butragueno ở CLB và sự khởi đầu của “Chúa nhẫn”. “Bầy kền kền” dần tan rã, và chỉ Manolo Sanchis giải nghệ ở Real, kịp đoạt 2 chức vô địch C1 năm 1998 và 2000.