Đi tìm bản sắc
Một mùa giải mới nữa lại bắt đầu và người hâm mộ đang chờ đợi những sự thay đổi ở các đội bóng tham dự V.League. Một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay là xây dựng bản sắc bằng những cầu thủ trẻ được chính các đội bóng đào tạo. Nhưng hơn một thập kỷ đã qua rất ít đội bóng làm được.
Hình mẫu SLNA Hơn một thập kỷ tham dự bóng đá chuyên nghiệp, đội bóng xứ Nghệ vẫn nổi tiếng là lò đào tạo cầu thủ trẻ tốt nhất Việt Nam. Hàng loạt ngôi sao xuất sắc đều được ra lò từ đội bóng xứ Nghê. Những Huy Hoàng, Văn Quyến, Công Vinh… đều là những sản phẩm ưu tú của đội bóng này. Họ không chỉ đóng góp cho đội bóng quê hương nói riêng mà còn là những nhân tố chính góp phần vào thành công của đội tuyển Việt Nam trong một thập kỷ qua.
Đội Sông Lam Nghệ An Ảnh: DƯ HẢI
Nhờ có truyền thống đào tạo trẻ rất tốt nên mỗi mùa giải, dù phải đối diện với hiện tượng chảy máu tài năng nhưng đội bóng xứ Nghệ vẫn duy trì được thành tích ổn định của mình. Những cầu thủ trẻ trưởng thành rất nhanh để thay thế các đàn anh đi trước, giúp SLNA duy trì được sức mạnh đồng thời giữ vững bản sắc vốn có. Việc nhãn hàng Kappa nhảy vào tài trợ cho SLNA mùa giải qua cho thấy sức hút rất lớn của đội bóng này. Nhiều đội bóng ở V.League hiện nay đua nhau sử dụng ngoại binh và ngoại binh nhập tịch nhưng SLNA vẫn ưu tiên sử dụng “cây nhà lá vườn”, họ chỉ sử dụng cầu thủ ngoại ở những vị trí cần thiết. Điều giúp ích cho các cầu thủ trẻ phát triển đồng thời duy trì được truyền thống, lối chơi và bản sắc vốn có.
B.Bình Dương vẫn dùng lính đánh thuê Nếu như SLNA là hình mẫu của việc xây dựng bản sắc bằng cách sử dụng các cầu thủ “cây nhà, lá vườn” thì B.Bình Dương luôn ưu tiên sử dụng lính đánh thuê. Kể từ khi góp mặt ở sân chơi V.League 2004 đến nay đã tròn một thập kỷ, nhưng B.Bình Dương không đào tạo ra một lứa cầu thủ nào đủ khả năng thi đấu ở sân chơi V.League. Cứ mỗi mùa giải trôi qua, lãnh đạo đội bóng này đều đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng để làm mới đội hình. Mùa giải này cũng thế, B.Bình Dương đã đổ tiền để mua về hàng tá ngôi sao như Trọng Hoàng, Văn Bình, Abass… điều này cũng giải thích vì sao họ có được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam”. Trong đội hình của B.Bình Dương lúc này có tới 7 ngoại binh có thể ra sân, chính điều này cũng làm cho các cầu thủ trẻ ở đội bóng này không có cơ hội phát triển tài năng dù lãnh đạo đội bóng này đã có những kế hoạch hoành tráng trong việc đào tạo trẻ.
Những mùa giải vừa qua, các đội bóng không cho ra lò được những sản phẩm trẻ ưu tú vì thế mà đội tuyển U.23 Việt Nam liên tiếp thất bại trong hai kỳ SEA Games gần nhất. Dù cho VPF đã cảnh báo những đội bóng không tuyến trẻ sẽ bị phạt 200 triệu nhưng rất nhiều CLB chỉ đang làm một cách đối phó.