Đằng sau sự thống trị của Real và Barca
Barcelona và Real Madrid đang là hai ứng viên hàng đầu cho chức vô địch Champions League mùa này, nhưng đằng sau sức mạnh vượt trội họ đang thể hiện là gì?
Những người thích bất ngờ hẳn đã cảm thấy rất thất vọng vì chiến thắng quá dễ dàng của Real Madrid trước Galatasaray. Đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ vốn không phải là một tập thể dễ bắt nạt: HLV của họ là Fatih Terim, từng "làm mưa làm gió" ở châu Âu cũng với đội bóng này một thập kỷ trước; dàn cầu thủ của họ rất đồng đều, với hai ngôi sao đầu tàu là Didier Drogba và Wesley Sneijder, mỗi người sở hữu một chức vô địch Champions League.
Cho đến trước khi trận đấu này diễn ra, chân sút tốt nhất của Galatasaray ở Champions League đến lúc này là Burak Yilmaz vẫn đang được “ngồi chung mâm” với Cristiano ở vị trí dẫn đầu danh sách ghi bàn của giải, với 8 bàn thắng.
Nhưng chỉ sau 9 phút bóng lăn, tất cả những ảo tưởng của Galatasaray tan biến. Ronaldo ghi bàn thứ 9 của anh tại Champions League, mở màn cho một cuộc chinh phạt chóng vánh của Real Madrid. Lật ngược tình thế ở lượt về là điều không tưởng, đặc biệt là với trình độ chênh lệch quá xa giữa hai đội.
Barca và Real đang thể hiện sức mạnh tuyệt đối
Barcelona chỉ giành được một điểm, nhưng họ vẫn để lại ấn tượng kinh sợ trên Parc des Princes. Đội bóng xứ Calalunya vẫn biến sân đối thủ thành Camp Nou, ngay cả khi mất Messi trong cả hiệp hai. Bàn gỡ 1-1 của Zlatan Ibrahimovic đã được ghi ở tư thế việt vị.
Hai đội bóng tốt nhất thế giới
Cả hai đều đã từng phải chịu những hoài nghi: Real Madrid chỉ đứng thứ hai ở bảng đấu của mình, vượt qua M.U ở vòng 1/8 đầy tranh cãi; còn Barcelona tưởng như đã rơi vào khủng hoảng sau thất bại trước AC Milan ở lượt đi vòng 1/8.
Nhưng rốt cục, vàng thật không sợ lửa. Sức mạnh của họ đã được phô diễn đúng lúc. Thứ sức mạnh có thể làm rung chuyển châu Âu.
Đó là hai đội bóng sở hữu lực lượng mạnh nhất lục địa già hiện tại, với hai ngôi sao ở đẳng cấp vượt xa những cầu thủ còn lại của bóng đá thế giới, những chủ nhân của 5 Quả bóng Vàng gần đây, Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.
Đó cũng là hai đội bóng tạo nòng cốt cho đội tuyển TBN, nhà ĐKVĐ châu Âu lẫn thế giới. Tiki-taka của Barca vẫn là trường phái thống trị thế giới. Với Jose Mourinho, Real Madrid hiện là đội chơi phản công hay nhất thế giới.
Trong số các đội bóng còn ở lại Champions League đến thời điểm này, chỉ có Bayern là có thể được xếp “chung mâm” với hai CLB TBN. Dortmund đã từng xếp trên Real Madrid ở vòng bảng, nhưng nên coi họ là một hiện tượng hơn là một ứng viên.
Liga không khác gì giải... Scotland
Liga còn tới 3 đại diện ở tứ kết Champions League mùa này. Ngoài Real Madrid và Barca, còn Malaga. Nhưng thực sự thì so với hai ông lớn kia, Malaga mang một sự “mặc cảm” lớn.
Có một giai thoại nổi tiếng thế này: Mùa 2010-2011, Real Madrid "hủy diệt" Malaga 7-0 tại Bernabeu, một thảm bại được HLV Manuel Pellegrini tỉnh bơ thừa nhận: “Trận chiến của chúng tôi không nằm ở đó”. HLV người Chile đã đưa ra sân đội hình B, nhằm... giữ sức cho trận gặp Osasuna sau đó. Ông cho rằng gặp Real Madrid là một trận đấu đáng vứt đi, đơn giản vì bạn không thể thắng.
Rất khó cản Real của Ronaldo
Ngoài Madrid và Barcelona, không còn đội nào ở Liga chơi vì chức vô địch, và giải đấu vốn có 38 vòng , trong vài mùa gần đây lại thường xuyên được định đoạt chỉ trong hai lượt El Clasico. Qua rồi cái thời mà Deportivo lên ngôi vào mùa 1999-2000, Valencia đăng quang vào các mùa 2001-2002 và 2003-2004. Mùa trước, Madrid đã đăng quang với tròn 100 điểm, và bộ đôi Real – Barca hơn phần còn lại đến... 30 điểm. Mùa 2010-2011, khoảng cách giữa họ và các đội còn lại là 21 điểm, còn mùa 2009-2010 là 25 điểm.
Ngôi sao xuất sắc nhất Real mùa trước, Cristiano Ronaldo, ghi 46 bàn thắng, nhiều hơn số bàn thắng của 8 đội ở Liga, và chỉ kém 13 bàn so với đội ghi bàn tốt nhất của “phần còn lại” là Valencia. Anh cũng đã lập kỷ lục ghi bàn vào lưới tất cả các đội còn lại của giải. Mùa này, Messi thậm chí ghi bàn vào lưới 19 đội khác nhau trong 19 trận liên tiếp.
Cả TBN chỉ “nuôi” hai đội bóng
Mùa này, tại Liga, Atletico Madrid đã từng có giai đoạn vượt lên đối thủ cùng thành phố Real, nhưng càng về cuối, đội áo đỏ trắng chơi càng đuối, và giờ đã bị Real vượt mặt.
Điều nguy hiểm là mọi cuộc phản kích của bất kỳ đội bóng nào không phải Real hay Barca đều chỉ mang tính chất hiện tượng: Nó không dựa trên nền tảng nào cả. Tương tự với những gì đang diễn ra ở Bundesliga: Ngay cả khi đã đăng quang hai mùa liên tiếp, thì Dortmund vẫn không thể ngồi chung mâm với Bayern, mà khoảng cách 20 điểm lúc này đã chứng minh điều đó.
Nền tảng tài chính vượt xa mặt bằng chung tại Bundesliga cung cấp cho đội bóng xứ Bavaria vị thế thống trị rất vững chắc. Họ “hút máu” các nhân tài của giải, mạnh lên không ngừng và đồng thời làm đối thủ cạnh tranh suy yếu theo từng mùa.
Đó là những gì đã và đang diễn ra ở Liga. Việc bản quyền truyền hình được phân phối theo hình thức tự thương lượng đã tạo ra một thế giới cho riêng Barca và Real. Các đội tiếp cận gần bộ đôi ấy nhất là Valencia và Atletico Madrid kiếm ít hơn đến nửa tỷ euro trong vòng 5 năm qua.
Barca đang vượt trội phần còn lại
Ban tổ chức Liga còn không dám công bố danh tính một trận đấu đáng xấu hổ ở Liga diễn ra vào mùa 2010-2011 chỉ có... 47 lượt người xem. Tất nhiên, đó là trận không có Real hoặc Barca tham dự.
Các cầu thủ tốt nhất của các đội bóng TBN buộc phải chọn Real, hoặc Barca. Nếu không, họ chỉ có thể ra nước ngoài thi đấu (như Mata hay Silva). Falcao của Atletico có thể sẽ là ngôi sao tiếp theo rời Liga.
Chênh lệch tài chính đã khiến Real và Barca ngày một mạnh lên, trong sự lụi tàn của phần còn lại. Nói không ngoa, thì cả giải đấu này giờ chỉ “nuôi” hai đội bóng. Đến thời điểm này, thì sức mạnh của họ thậm chí vượt trội so với toàn châu Âu.
Nhưng giải VĐQG TBN vẫn là một khoảng tối, ngay cả khi Real và Barca có tái ngộ ở trận chung kết tại Wembley vào tháng Năm tới đây.