Bóng đá Việt Nam: Mặt trái của đội tuyển
Hôm nay, ĐTVN sẽ tập trung để chuẩn bị cho chiến dịch AFF Cup 2012. Trước đó, đã có rất nhiều tranh luận về tư cách cầu thủ khi lên tuyển và các bộ phận cứ đùn đẩy nhau việc xử lý. Bỏ qua những tranh luận, hoặc “chờ” xử lý không khó nhận ra bộ mặt đội tuyển đang phức tạp như thế nào và gánh nặng trên vai HLV Phan Thanh Hùng lớn chừng nào…
Có vẻ như những nhà làm bóng đá Việt Nam đang cố tình nhầm lẫn với việc kỷ cương theo thủ tục và bộ mặt thật của đội tuyển qua việc đùn đẩy trách nhiệm xử lý các cầu thủ hung hăng, bạo lực và rất phản cảm trong trận chung kết Cúp Quốc Gia.
Tôi không đòng ý với cái cách chờ án (Ban Kỷ luật), rồi kiểu nói cũ mèm “án tại hồ sơ” của Ban Kỷ luật và thái độ của ban huấn luyện. Những động tác đấy giống như một kiểu câu giờ nhưng thực tế là không ai muốn làm cái việc mà ai cũng né trong khi dư luận thì đang sôi lên bởi hình ảnh phản cảm của một số cầu thủ sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự AFF Cup 2012.
Chính khán giả là những người nhìn rõ nhất cái phần mà những nhà làm bóng đá Việt Nam ngồi rất gần, quan sát rất kỹ (ở khu VIP sân Thống Nhất) cố tình không thấy.
Ông Phan Thanh Hùng đang gặp khó
Mọi người nói nhiều về ngón tay thối của thủ môn Ngọc Tú đầy thách thức; gương mặt hùng hùng hổ hổ và những câu chửi thề rõ mồn một của Quốc Long sau những cú phi thẳng vào đối thủ. Thái độ đấy kéo sang cả buổi lễ trao thưởng mà trên bục nhận huy chương không ai không thấy gương mặt thách thức cả giới truyền thông đang săn từng tấm ảnh. Rồi Ngọc Duy, rồi Văn Quyết… những cầu thủ còn rất trẻ và đang được xem là nhưng gương mặt trẻ, là tương lai của bóng đá Việt Nam… Thế mà…
Điều đáng lo cho bộ mặt đội tuyển Việt Nam ở chỗ người hâm mộ đang hiểu lầm rằng các cầu thủ đấy được sự dung dưỡng của ông tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam - Phan Thanh Hùng, nên mới có những hành vi xấc láo như thế.
Biết HLV Phan Thanh Hùng từ khi ông còn là cầu thủ trẻ của Quảng Nam Đà Nẵng, rồi lên đội tuyển và cả đời thi đấu rất ít khi bị thẻ phạt, lại là biểu tượng của lối đá kỹ thuật, hiền lành có phong cách đạo đức tốt, tôi hiểu ông Phan Thanh Hùng không bao giờ xúi hay chỉ đạo cầu thủ mình đá láo như thế.
Chính Phan Thanh Hùng là người nhọc công xây dựng Hà Nội T&T thành một đội đá có cá tính với lối chơi mềm mại, kỹ thuật có phong cách đẹp. Thế mà trận chung kết đấy lại là trận mà ông Hùng ngồi "chết" trên hàng ghế ban huấn luyện và không thể chỉ đạo được gì cho cầu thủ mình.
Từ đá bạo lực, phi thẳng vào đối thủ, các cầu thủ ông Hùng ở Hà Nội T&T còn cố tình phá hỏng trận đấu, làm khó cho trọng tài, gây hấn với khán giả và với cả giới truyền thông trong đó có những cầu thủ đã hoặc mới được gọi lên đội tuyển quốc gia.
Nói như nhiều người là ông Hùng giống như một người cha không dạy được con và bây giờ cha con ông Hùng lại gia nhập vào hàng ngũ đội tuyển chuẩn bị đại diện cho quốc gia tham dự những giải lớn.
Lo cho ông Hùng ở chỗ ông biết rõ tại sao cầu thủ mình ở Hà Nội T&T “bẻ” trận đấu sang hướng bạo lực và muốn đổ cho cái thua của đội mình là do khách quan, do trọng tài, do bị ép…, nhưng may là hôm đấy trọng tài Võ Quang Vinh rất cứng tay nên không bị “đổ”.
Bây giờ thì ông Hùng phải chấp nhận “nuôi dưỡng” những nỗi lo đấy khi lên tuyển trong khi những nhà làm bóng đá thì cứ đẩy qua, đẩy lại cho nhau chuyện “xử” các cầu thủ hư.
Việt Thắng nộp nửa tỷ và được lên tuyển
Sự nguy hiểm của đội tuyển Việt Nam bây giờ là ai cũng thấy, cũng biết cầu thủ hư, cầu thủ hỗn nhưng không ai dám nhúng tay vào làm.
Lạ đời của bóng đá Việt Nam ở chỗ chuyện cắt suất một cầu thủ chưa ngoan hay có tầm ảnh hưởng xấu đến đội tuyển, bị dư luận lên án là việc của HLV trưởng nhưng ông Hùng lại vướng ở chỗ ông còn ăn lương Hà Nội T&T. Đấy cũng là bất cập của việc kiêm nhiệm mà VFF không giải được bài toán chuyên trách.
Lạ đời của bóng đá Việt Nam ở chỗ ngăn các cầu thủ hư và “không an toàn” lên tuyển lại là chuyện mà các nhà quản lý cãi nhau, hoặc đổ cho nhau đủ thứ chuyện bắt đầu từ chỗ ông giám sát không ghi biên bản cầu thủ hư, cầu thủ láo thì coi như “không thành án vì không có trong hồ sơ”.
Dư luận lên án, 90 phút của trận đấu được phát đi phát lại, gương mặt hùng hổ, tiếng chửi và cả ngón tay thối bị ghi lại đầy đủ không lẽ chưa đủ hay sao?
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam là điều mà người hâm mộ và giới chuyên môn ai cũng thấy thì những người có trách nhiệm không chịu thấy.
Và đội tuyển Việt Nam vẫn cứ gom quân, vẫn chứa những “quả bom nổ chậm”, đồng thời là mối e ngại của các cầu thủ khi nhìn nhau bằng con mắt phân biện “quân ông Hùng không ai đụng vào được đâu”.
Khó cho ông Hùng là ở chỗ nhắm mắt dung dưỡng những đứa con hư khi mà cái Liên đoàn to như thế nhiều ban bệ như thế mà không ai đụng thì mình đụng vào để làm gì (?!).
Nửa tỷ bồi thường là hết án và lên tuyển Sự kiện Việt Thắng vô kỷ luật ở CLB Thanh Hóa rồi đóng tiền phạt nửa tỷ và được rút lại kỷ luật thế là có suất lên tuyển cũng là một hình ảnh rất tệ ở đội tuyển. Cánh cửa lọc cầu thủ “chất lượng” cả tài lẫn đức ở đội tuyển vẫn chỉ dựa vào mặt giấy tờ trong khi điều người ta cần là tư cách là tính kỷ luật là tầm ảnh hưởng của một tuyển thủ khi lên tuyển phải là người ngoài chuyên môn còn được công chúng nhìn nhận. Nói cách khác là một cầu thủ có đạo đức tốt. Sự cố Việt Thắng nộp nửa tỷ phạt rồi được lên tuyển liệu có đảm bảo cho việc dạy quân sau này không? Và một khi bỏ tiền ra đền là có suất đội tuyển thì chuyện “gỡ” khi lên tuyển rồi cũng dễ xảy ra lắm chứ. Cứ nhìn AFF Cup 2010 rồi SEA Games 2011 ai cũng nói vì một số cầu thủ hư không chịu đá thì biết… |