Giới trẻ Việt "GATO" với Flappy Bird quá mức?

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Một bộ phận giới trẻ Việt đã biểu lộ thái độ "GATO" với người sáng lập ra game Flappy Bird.

Game Flappy Bird của chàng trai Nguyễn Hà Đông Không nổi bật ở thiết kế đồ họa lẫn âm thanh, hình ảnh nhưng game của anh lại rất thành công, thậm chí dẫn đầu bảng xếp hạng những ứng dụng được tải nhiều nhất trên iOS trong suốt hơn 20 ngày qua. Tuy nhiên, sự thành công vang dội của Flappy Bird đã vấp phải sự GATO lớn từ bộ phận giới trẻ.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội về vấn đề này.

Nhiều người “ghen ăn tức ở” với Flappy Bird

Tiến sĩ Lâm cho biết, hiện nay giới trẻ thường có hai xu hướng khi thấy một hiện tượng nổi bật, tác động đến nhiều người. Xu hướng yêu thích một thần tượng A và có những hành động đẩy thần tượng của mình lên quá mức như: đi theo thần tượng, reo hò, xin chữ ký.. .Hoặc xu hướng không sùng bái thần tượng, “ghen ăn tức ở” với những thành công họ. Đó là chính biểu hiện của sự “GATO" quá mức, mình không làm được và cũng không muốn người khác làm được.

“Chàng trai tên Đông, người sáng chế game Flappy Bird được nhiều người trong và ngoài nước đón nhận thì các bạn trẻ phải nên vui, ủng hộ, coi đó là bài học để sáng chế ra những trò chơi khác. Tuy nhiên, nhiều người lại “GATO”, thậm chí là chê bai là điều không hay”, Tiến sĩ Lâm chia sẻ.

Giới trẻ Việt "GATO" với Flappy Bird quá mức? - 1

Trò chơi Flappy Bird đứng đầu bảng xếp hạng của Appstore US trong suốt mấy tuần liền

Những người hay chê bai người khác thường không thấy được cái hay trong cuộc sống mà sáng tạo. Tâm hồn của họ bị ảnh hưởng, tâm lý hay ghen ghét, không muốn ai hơn mình. Bệnh đó nó giống như con sâu đục khoét tâm hồn của bản thân họ.

“Khi đã rơi vào tâm lý như vậy, họ thường nhìn cuộc sống không lạc quan, tự dưng bản thân thiếu động lực sáng tạo. Đặc biệt khi họ rơi vào tâm lý bị stress sẽ ức chế, hay cáu gắt, thậm chí có nhiều hành động dại dột”, Tiến sĩ Lâm nói.

Chủ tịch hội tâm lý giáo dục cho biết thêm, cái khác biệt ở người sáng tạo ra game Flappy Bird chính là việc anh ta không đi vào những game bạo lực, chém giết mà đi vào game đơn giản nhưng lại kích thích được sự sáng tạo của người chơi. Khi nhìn game Flappy Bird, người chơi tưởng chừng như rất dễ nhưng chơi thật lại có một độ khó nhất định khiến người chơi phải suy nghĩ để vượt qua. Như vậy, giới trẻ phải thấy đó niềm tự hào, bài học để rút kinh nghiệm và sáng tạo ra những trò chơi khác tương tự mới phải.

"GATO" có phải là bệnh?

Theo tiến sĩ Lâm, nhiều bạn trẻ “GATO” với game Flappy bird, đó không phải là bệnh mà là thói quen xấu hay đố kỵ, không thích người khác hơn mình. Trong một cộng đồng, bạn trẻ biết sống hòa đồng, biết sửa tính xấu thì việc “GATO” với người khác sẽ không còn. Nhưng nếu bạn trẻ tách khỏi cộng đồng thì cơn giận sẽ kéo theo, thiếu sáng suốt và thói xấu đó sẽ ảnh hưởng tới bản thân.

Bạn trẻ ảnh hưởng thói xấu từ môi trường sống nên nếu họ sống trong môi trường tốt, bạn bè sẽ phát hiện và hóa giải cái xấu cho họ. Còn trong môi trường mà người ta thờ ơ, không có trách nhiệm với người khác thì cái xấu sẽ nổi lên. Bản thân họ sẽ không thể phát hiện, điều chỉnh những hành vi, suy nghĩ không tốt của bản thân mình.

Giới trẻ Việt "GATO" với Flappy Bird quá mức? - 2

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội

Ngoài môi trường sống, bạn trẻ còn ảnh hưởng cả yếu tố cá tính, người nào biết sống giàu lòng vị tha, biết xác lập giá trị yêu thương cho bản thân mình thì sẽ không mắc phải thói xấu. Đặc biệt là bản thân họ sẽ không “GATO” trước một hiện tượng, hình tượng nổi bật trong xã hội.

Tiến sĩ Lâm cho hay, thanh niên thời nay thường có xu hướng chạy theo mốt, theo đám đông mà chưa xác lập được cho bản thân giá trị nhận thức tốt đẹp. Đơn cử, như sự kiện đội bóng Arsenal sang thăm Việt Nam vào tháng 7/2013. Vì hâm mộ, chàng sinh viên quê Hải Dương Vũ Văn Tiến đã cởi áo chạy bộ đuổi theo xe gần 5km để xin chữ ký các cầu thủ.

Sau đó có nhiều ý kiến cho rằng, đó là hình ảnh đẹp, trong sáng của Tiến khi thể hiện niềm đam mê môn bóng đá. Thậm chí, Báo giới Anh sau đó cũng gọi Vũ Xuân Tiến là ''Running man'' và hình ảnh của anh đã xuất hiện dày đặc trên nhiều tờ báo quốc tế. Trang chủ của Arsenal cũng đăng hình ảnh ''Running man'' cười rạng rỡ khi chụp hình với thần tượng số một của mình là Mikel Arteta.

Tuy nhiên cũng có nhiều bạn trẻ không ủng hộ, nói đó là hành động “điên rồ”,  không coi đó là một bài học về lòng đam mê. Họ không nghĩ rằng, đam mê cái gì cũng cần phải được minh chứng và thể hiện bằng hành động.

“Đó là thói quen xấu của một số bạn trẻ, không ủng hộ thành tích của người khác mà cứ sợ người khác hơn mình. Góc nhìn đó thiển cận, không trong sáng, ích kỷ từ bản thân của chính các bạn trẻ”, Tiến sĩ Lâm nêu.

Sáng ngày 10/2, Nguyễn Hà Đông, tác giả của game Flappy Bird đã chính thức gỡ bỏ trò chơi này khỏi kho ứng dụng App Store và Google Play. Dù không có câu trả lời chính xác cho việc xóa bỏ Flappy Bird, nhưng người dùng Việt có thể dễ dàng nhận thấy những áp lực mà chàng trai 29 tuổi Nguyễn Hà Đông phải chịu đựng trong suốt nhiều tuần qua.

Đầu tiên là sự GATO vô tội vạ của cộng đồng mạng trong nước, sau đó là loạt tin đồn về khả năng bị khởi kiện bởi Nintendo và sự "lăm le" thu thuế từ cơ quan nhà nước. Chưa kể sự soi mói thái quá của người dùng đối với doanh thu mà Flappy Bird mang lại cho anh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN