Giới trẻ TQ: Tốt nghiệp trường danh tiếng chọn nghề quản gia, gia sư với mức lương không ngờ

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Đừng đánh giá thấp những nghề này bởi nó có mức lương gấp rất nhiều lần với công việc công sở.

Quản gia là nghề đòi hỏi phải có kiến thức ở nhiều lĩnh vực

Trong ấn tượng của mọi người, quản gia, bảo mẫu, người giúp việc là công việc phục vụ người khác, vị trí thấp, những người làm thường không có chuyên môn. Thế nhưng Trần Ngọc Kiệt đã phá vỡ định kiến này.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh, anh tiếp tục theo học ngành kinh tế với tư cách là nghiên cứu sinh tại Đại học Renmin Trung Quốc. 2 năm trước, anh nghỉ việc tại một công ty và bước vào con đường làm quản gia.

Sự lựa chọn của Trần Ngọc Kiệt khiến những người xung quanh cảm thấy khó hiểu. Tuy nhiên, anh biết rõ quyết định của mình. Hiện tại, anh đang làm quản gia cho một gia đình giàu có ở Bắc Kinh, lương 40.000 tệ một tháng (140 triệu đồng).

Nơi làm việc của Trần Ngọc Kiệt.

Nơi làm việc của Trần Ngọc Kiệt.

Nơi làm việc của Trần Ngọc Kiệt là một biệt thự 3 tầng ở Bắc Kinh. Công việc của anh sẽ quản lý một đội gồm 7 người: đầu bếp, tài xế, vệ sĩ, giúp việc… Cũng như làm việc trong công ty, anh cũng cần phải lên kế hoạch làm việc hằng tuần, hằng tháng.

Ngoại trừ bố mẹ, bạn gái, một người bạn thân, không ai biết anh đang làm công việc gì. Trước khi nhận công việc này, anh đã dành nửa năm để học cách chăm sóc người già, trẻ em, công việc nhà, lịch sử văn hóa nghề quản gia, kiến thức liên quan tới rượu, thuốc lá, cà phê, nghệ thuật cắm hoa… Số sách anh mua ước tính lên tới 20.000 tệ (70 triệu đồng). Anh coi những thứ này như cách đầu tư vào bản thân.

Số sách anh đầu tư cho bản thân.

Số sách anh đầu tư cho bản thân.

Anh còn cần học cách bưng bê phục vụ như một nhân viên trong nhà hàng, chẳng hạn như đặt đĩa pizza với 3 chai bia trên 1 khay bằng một tay, thẳng lưng, duy trì dáng đi thanh lịch. Hay như anh phải biết cách đặt rượu trên khay như thế nào để không khiến rượu bị nghiêng đổ nếu người khác lấy ly đi. Để rèn luyện sức mạnh cơ tay, mỗi ngày anh thường tập tạ.

Anh tập tạ mỗi ngày ở nhà.

Anh tập tạ mỗi ngày ở nhà.

Quách Lương là ông chủ của Trần Ngọc Kiệt, ông có yêu cầu rất cao về công việc quản gia. Quản gia cao cấp là người nắm rõ tất cả mọi thứ trong căn biệt thự như lòng bàn tay. Thậm chí, trong vòng bán kính 5km có bao nhiêu món ăn ngon hay nơi nào để trẻ em có thể chơi golf và cưỡi ngựa, quản gia cần nắm rõ.

Ngoài ra, quản gia cũng cần có chứng chỉ chuyên gia dinh dưỡng. Họ không cần nấu ăn nhưng phải có khả năng nấu nướng và sự hiểu biết về cách bài trí trên bàn ăn. Sau khi làm quản gia, Trần Ngọc Kiệt còn học thêm kiến thức về làm vườn, phong thủy, trang trí nhà cửa.

Những chứng chỉ anh có được.

Những chứng chỉ anh có được.

“Kiến thức về việc ăn uống và dinh dưỡng quá rộng, tôi không thể nhớ hết toàn bộ”, Trần Ngọc Kiệt nói.

Là một quản gia cao cấp, Trần Ngọc Kiệt không cần tự mình làm mọi việc nhưng phải quan sát tất cả mọi thứ, kiểm tra tủ, bàn, ghế, đồ đạc đã sắp xếp đúng vị trí chưa. Nếu có một món đồ không được sử dụng trong 2 năm, anh sẽ cân nhắc xem có nên vứt bỏ hay không.

Gia sư giàu có với mức lương 20.000 đô la Hồng Kông

Tại Hồng Kông, Cố Tiểu Thạch và Hạ Thanh Thanh thường xuyên di chuyển giữa các biệt thự và khu dân cư. Họ tốt nghiệp từ Đại học Baptist Hồng Kông với tấm bằng thạc sĩ nhưng thay vì đi làm như nhân viên công sở, họ chọn làm gia sư.

“Gia sư cho những gia đình giàu có thường là công việc làm thêm dành cho những người có kinh tế khó khăn, chưa ai coi đó là một nghề chính thống”, Cố Tiểu Thạch ngượng ngùng nói.

6 ngày một tuần từ 12:30 đến 20:30, Cố Tiểu Thạch sẽ xuất hiện đúng giờ tại một biệt thự cao cấp ở Hồng Kông. Cô nói rằng, nhà bếp của ông chủ còn lớn gấp mấy lần phòng khách của mình.

Mức lương gia sư của Cố Tiểu Thạch rất cao.

Mức lương gia sư của Cố Tiểu Thạch rất cao.

Gia đình nơi cô đang làm việc có 5 người con, đứa lớn nhất đang học lớp 5, đứa nhỏ nhất mới 1 tuổi. Người chủ yêu cầu gia sư phải có tính cách hiền lành, cư xử hòa nhã, học vấn cao. Ngoài việc gia sư còn kiêm thêm việc chơi đùa với em bé 1 tuổi, cô coi như việc này là cách để mình thực hành việc chăm sóc con cái.

Cách đây 1 tháng, cô cùng lúc nhận được 2 lời mời làm việc: 1 là giáo viên tiếng Trung với mức lương 14.000 đô la Hồng Kông (40 triệu đồng), 2 là gia sư cho một gia đình với mức lương 20.000 đô la Hồng Kông (60 triệu đồng), chịu trách nhiệm dạy tiếng Trung, tiếng Anh, Toán tiểu học.

Giống như Trần Ngọc Kiệt, Cố Tiểu Thạch không chia sẻ với bạn bè mình về công việc này. Bạn bè của cô hầu hết chọn công việc truyền thống.

Gia sư trước đây của gia đình này là một nam giới và buộc phải ở lại tại nhà chủ. Cố Tiểu Thạch cảm thấy việc “đóng gói và ở trọ” theo cách này không ổn. Bởi điều đó có nghĩa cô phải trực 24/24 khi chủ có yêu cầu, cần phải kiểm tra cặp sách của lũ trẻ trước khi đi học và sau khi tan học. Việc đối mặt với chủ mỗi ngày sẽ khiến cô luôn trong tình trạng căng thẳng. Vì vậy, cô chọn cách di chuyển trở về nhà mỗi đêm mặc dù nhà cách rất xa.

Bạn của cô Hạ Thanh Thanh cũng làm gia sư trong một gia đình giàu có. Hạ Thanh Thanh tỏ ra mình là người thích trẻ con và yêu công việc gia sư khi phỏng vấn. Trên thực tế, cô cũng như bao người đều làm việc vì mức lương cao. Tại Hồng Kông, sinh viên ngành nghệ thuật nếu làm trái ngành chỉ có mức lương trung bình 10.000 đô la, nhưng khởi điểm của công việc gia sư có thể lên tới 20.000 đô la.

Ngoài làm gia sư, cô còn tranh thủ bán thêm bảo hiểm, thu nhập mỗi tháng khá cao.

Để trụ với công việc lương cao này, họ phải đánh đổi nhiều thứ.

Để trụ với công việc lương cao này, họ phải đánh đổi nhiều thứ.

Khi làm việc cho một gia đình giàu có, Cố Tiểu Thạch, Hạ Thanh Thanh, Trần Ngọc Kiệt luôn phải duy trì ranh giới của mình. Ví dụ, Cố Tiểu Thạch chỉ có thể ngồi trên sàn chứ không được ngồi trên ghế, mặc dù quy tắc này không được quy định rõ ràng nhưng cô vẫn cảm nhận được.

Học trò của Hạ Thanh Thanh là 2 đứa trẻ 10 tuổi nhưng luôn tỏ ra coi thường cô, thường nói chuyện với giọng điệu ra lệnh. Trần Ngọc Kiệt buộc phải giữ bí mật riêng tư của ông chủ, những điều riêng tư nếu có thấy cũng phải phớt lờ coi như không có gì.

Theo quan điểm của Hạ Thanh Thanh, gia sư giống như một bảo mẫu, dành phần lớn thời gian ở nhà của chủ nhân thay vì nhà mình, phải nắm rõ tất tần tật mọi thứ liên quan tới đứa trẻ. Thông thường, một trong những lý do để nghỉ việc chính là chuẩn bị kết hôn.

Còn Cố Tiểu Thạch mô tả công việc của mình “không có quan hệ xã hội”. Bởi cuộc sống xung quanh cô chỉ quanh quẩn giao tiếp với mấy đứa trẻ, còn người giúp việc trong gia đình chủ đều là người Philippines. Cô cảm thấy lo lắng nếu mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy sẽ khiến mình trở nên vô cảm.

Nguồn: [Link nguồn]

Người trẻ Trung Quốc bỏ phố về quê ”nằm duỗi”

Chán với công việc áp lực, anh Guo Jianlong bỏ việc tại một toà soạn ở Bắc Kinh rồi chuyển về vùng núi phía tây nam Trung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Hằng - Sohu ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN