Cuộc gọi của thầy hiệu trưởng với học sinh mồ côi ở làng Nủ

Sự kiện: Giới trẻ 2024
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, hỏi trong điện thoại: 'Thầy nhận con là cháu, nuôi ăn học hết lớp 12, con đồng ý không?', đầu dây bên kia, em Hành bật khóc: 'Dạ, được ạ'.

Quyết định nhận 'cháu nuôi' trong chưa đầy 24 giờ

"Bố mẹ con bằng tuổi con trai thầy, con hơn cháu nội út của thầy một tuổi, vậy thầy nhận con là cháu, nuôi con ăn học đến hết lớp 12, con đồng ý không?", thầy Khang nói với Hành - cậu bé mất cha, mồ côi mẹ sau trận lũ quét ở làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) - qua điện thoại hôm 15/9.

Đầu dây bên kia, Hành bật khóc, đáp: "Dạ, được ạ!".

Thầy Khang tiếp lời: "Trong phóng sự ông đọc trên báo, con chia sẻ: 'Con không muốn đi học nữa, sẽ đi làm để kiếm sống'. Bây giờ ông nội sẽ lo tiền ăn học cho con. Ông và các cô giáo của con đều muốn con tiếp tục học xong lớp 12 và học lên nữa, con đồng ý không?".

Hành nói: "Con đồng ý ạ!".

Thầy Khang hỏi Hành: "Để đủ tiền ăn học, mỗi tháng con cần bao nhiêu?" nhưng em lúng túng và chuyển máy cho cô Hồng, cô giáo của em. Cô Hồng nói: "Trên này mỗi con được 2-3 triệu đồng/tháng là thoải mái rồi". Chốt lại, thầy Khang tuyên bố mỗi tháng sẽ chuyển cho cậu học trò ba triệu đồng, những lúc có việc đột xuất cần thêm, "con có thể gọi cho ông".

Thầy Nguyễn Xuân Khang thuật lại cuộc nói chuyện với cậu bé ông chu cấp ở làng Nủ và cho biết thêm: "Mục đích của tôi là cố gắng kéo em lại học tập đến hết THPT. Sau cuộc nói chuyện, em hứa với tôi sẽ tốt nghiệp còn sau đó học tiếp hay đi làm em xin thời gian để suy nghĩ thêm".

Chỉ hai ngày sau cuộc gọi, tối 17/9, cô Nguyễn Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bảo Yên thông báo đã mở tài khoản cho Hành. Thầy Khang gửi ngay số tiền sinh hoạt phí tháng 9 là ba triệu đồng kèm theo khoản tiền cho em mua điện thoại. Hành là học sinh đầu tiên nhận suất học bổng của thầy dành cho các em học sinh sống sót sau trận lũ quét ở làng Nủ.

Thầy Nguyễn Xuân Khang khóc khi nhắc đến những em học sinh không qua khỏi sau trận lũ quét. Video: Phạm Linh

Thầy Khang kể lại cuộc gọi nhận cháu nuôi và hứa sẽ hỗ trợ cháu đến hết năm lớp 12.

Thầy giáo 75 tuổi nói vợ và các con không biết chuyện cho đến khi đọc thông tin trên báo nhưng họ hoàn toàn ủng hộ việc làm của thầy. Riêng cháu nội học lớp 11 nhắn tin: "Con cảm ơn và tự hào về ông". Bên cạnh những người cảm kích, hoan nghênh, thầy Khang cũng nhận được nhiều lời khuyên rằng: "Nên suy nghĩ kỹ. Nếu các em không được người giám hộ chăm sóc chu đáo, không được no ấm, học hành đến nơi đến chốn thì thầy tính sao?". Thầy Khang chỉ đáp: "Tôi không thể giải quyết những vấn đề đó ngay lập tức nhưng lúc này tôi chỉ muốn bắt tay vào giúp các em sớm ổn định cuộc sống và được đến trường. Đối với những em không muốn đi học, tôi sẽ cố gắng hết sức để thuyết phục".

Cô Đào Thị Thanh Thủy, giáo viên chủ nhiệm của em Hành nói cô cảm động vì từ khi Hành vào viện, có nhiều người đến thăm hỏi nhưng thầy Khang là người đầu tiên đề nghị được nuôi em. Theo cô Thủy, trước khi trận lũ quét xảy ra, gia đình Nguyễn Văn Hành thuộc diện khó khăn. Năm 2023, cha em mất vì bạo bệnh, chỉ còn hai mẹ con nương tựa nhau. Trong mắt cô giáo và bạn bè, Hành là chàng trai hiền lành, chịu khó. Túc trực cạnh học trò trong những ngày nằm viện, cô Thủy nhớ lại: "Trong cơn mê man, em hoảng loạn gọi 'Bố ơi, bố đi đâu đấy?', 'Mẹ đi đâu đấy?', 'Mẹ đi với bố à, cho con đi với'".

Cô giáo thông tin thêm, sau khi Hành ra viện, em sẽ được ở ký túc xá của trường. Cùng với thầy Khang, thầy cô giáo trường THPT số 1 Bảo Yên động viên Hành cố gắng học tập.

'Khóc rồi thì làm gì để nguôi ngoai nỗi xót thương?'

Từ sau khi đọc tin tức về lũ quét ở làng Nủ hôm 10/9, thầy Khang nói mình cũng giống bao người, không kìm nổi nước mắt, nhưng lúc này "hành động" là quan trọng nhất. Hôm 11/9, thầy nhờ các phóng viên đang tác nghiệp hiện trường phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Bảo Yên và UBND xã Phúc Khánh lập danh sách các cháu từ 15 tuổi trở xuống còn sống sót sau lũ quét ở làng Nủ để xin được nuôi các em ăn học đến 18 tuổi. Thầy lên kế hoạch hỗ trợ bằng cách: cấp ba triệu đồng/cháu/tháng, chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu.

Chiều 18/9, tại Trường Marie Curie (Hà Nội), cầm trên tay danh sách của 20 em học sinh của trường TH & THCS Phúc Khánh được tìm thấy sau trận lũ quét, có 13 em đã qua đời, chỉ còn lại 7 em bị thương đang được điều trị, thầy Khang bật khóc nói: "Có muốn nuôi nhiều em cũng không được đâu".

Thầy Nguyễn Xuân Khang khóc khi nhắc đến những em học sinh không qua khỏi sau trận lũ quét. Video: Phạm Linh

Thầy Xuân Khang cho biết tròn một tuần sau trận lũ kinh hoàng, đến nay chính quyền vẫn chưa có danh sách cụ thể của những nạn nhân còn mất tích. Tính đến ngày 15/9, đã có 29 người mất tích được xác minh còn sống, 14 người chưa được tìm thấy, trong đó có ba trẻ em: một tuổi, 9 và 10 tuổi.

Thầy hy vọng trong tuần này sẽ sớm nhận được danh sách từ chính quyền xã để sang tuần, thầy và Trường Marie Curie lên kế hoạch hỗ trợ cho từng em.

Thầy Nguyễn Xuân Khang sinh năm 1949, người Nghệ An, là lứa học sinh chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam những năm 1965. Năm 1968, thầy học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội khoa Vật lý. Trường Marie Curie Hà Nội do thầy Nguyễn Xuân Khang sáng lập từ năm 1992, đến nay là 32 năm. Trong nhiều năm qua, thầy Khang tích cực tham gia nhiều hoạt động nhân ái, thiện nguyện: Xây dựng hai cây cầu cho bà con ở Tiền Giang; Trồng 20.000 cây xanh ở rừng đầu nguồn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; Dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh ở Mèo Vạc...

Ngoài công tác giáo dục, thầy Khang còn là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thầy vinh dự được tặng Huy chương "Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc" và Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 2022, thầy Nguyễn Xuân Khang được vinh danh là một trong 10 Công dân ưu tú Thủ đô.

Nguồn: [Link nguồn]

Trận lũ quét sáng 10/9 tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) khiến những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi, không nơi nương tựa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Linh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN