Bước chuyển của cô gái đạt điểm thi Olympic Toán quốc tế cao nhất Việt Nam

Sự kiện: Giới trẻ 2024

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Thu Thảo, 34 tuổi, làm chuyên viên nghiên cứu định lượng ở Akuna Capital, từ năm 2019. Đây là công ty tài chính giao dịch chứng khoán tần số cao dựa trên dữ liệu và tự động hóa, có trụ sở tại Chicago. Theo Thảo, đây là bước chuyển lớn của bản thân, từ nghiên cứu sang ứng dụng toán học.

"Sau hơn 10 năm, tôi nhận ra không chỉ nghiên cứu mới là làm toán chuyên nghiệp. Tôi có thể yêu toán theo một cách khác: ứng dụng nó để giải quyết những vấn đề của cuộc sống", Thảo nói.

Cụ thể, Thảo phụ trách xây dựng các mô hình toán học để dự đoán thị trường cổ phiếu. Công việc đòi hỏi sự hiểu biết về thị trường tài chính, khả năng lập trình và xác suất thống kê. Trong đó, hai yếu tố sau vận dụng nhiều kiến thức toán học, nên Thảo vẫn có thể sống với đam mê.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Có bố mẹ là giáo viên dạy toán, Thảo yêu thích và bộc lộ năng khiếu toán học từ sớm. Cô thường học ké mỗi lần mẹ dạy toán cho anh trai hơn 3 tuổi và hiểu phần lớn kiến thức. Thảo cũng tò mò đọc những chồng sách của bố mẹ, đặc biệt là bộ "Các câu chuyện toán học", kể về cuộc đời của các nhà toán học từ xa xưa. Ấn tượng với nhà toán học Évariste Galois (người Pháp), cô nghĩ làm toán là một thứ gì đó cao siêu nên quyết tâm chinh phục.

Lên cấp ba, Thảo thi đỗ vào lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương. Sau đó, cô liên tiếp vượt qua các vòng thi học sinh giỏi, trở thành một trong sáu đại diện của Việt Nam thi IMO năm 2008. Thảo nhận mình hiếu thắng, nên không ngại thử sức với các kỳ thi toán.

Cô gái duy nhất của đội tuyển giành huy chương bạc với 29/42 điểm, xếp hạng 57/535 thí sinh năm đó. Đến nay, đây vẫn là điểm số cao nhất mà một nữ thí sinh của Việt Nam đạt được ở một kỳ thi IMO. Thảo tiếc nuối vì câu hỏi mà cô mất điểm lại hỏi về kiến thức hình học phẳng, vốn là thế mạnh.

"Hồi đó, tôi tiếc vì không đạt giải cao hơn, nhưng giờ nghĩ lại, điều đáng tiếc hơn là khi đó chưa giỏi tiếng Anh để giao lưu với bạn bè quốc tế", Thảo nói.

Cô cũng nhớ những kỷ niệm vui trong thời gian thi IMO ở Tây Ban Nha. Cả đội tuyển trầm trồ nhìn các bạn ăn quả bơ, quả kiwi mà mình chưa thấy bao giờ, hay thán phục vì họ có thể đi bộ hàng chục cây số tham quan thành phố Madrid mà không biết mệt.

Thành tích ở IMO đã mở ra cơ hội du học, điều trước đây Thảo chưa từng nghĩ đến. Năm 2010, cô sang Mỹ, học chuyên ngành Toán học ở Đại học Stony Brook, bằng học bổng chính phủ. Học bổng hỗ trợ học phí 15.000 USD/năm và 1.000 USD tiền ăn ở mỗi tháng, cho toàn bộ bốn năm. Học nhiều kiến thức mới, Thảo càng thêm yêu toán, đăng ký một số lớp cao học và tích cực tham gia nghiên cứu. Với điểm trung bình 3,94/4, cô tốt nghiệp đại học loại xuất sắc.

Thảo sau đó làm nghiên cứu sinh ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), năm 2014. Cô nghiên cứu về hình học rời rạc, cụ thể là hình học tiếp xúc, đếm sự tiếp xúc giữa các điểm và vật thể hình học khác như đường thẳng, đường tròn... trong không gian.

Lúc này, bên cạnh nghiên cứu và làm trợ giảng, Thảo tham gia PRIMES và RSI, hai chương trình hướng dẫn học sinh cấp ba làm nghiên cứu ở trường, giúp các em đạt thành tích cao ở các cuộc thi toán học và công nghệ. Nhận thấy lợi ích từ mô hình trại hè kết hợp nghiên cứu khoa học, cô muốn thực hiện ý tưởng này ở Việt Nam. Sau vài lần họp với bạn bè trong hội sinh viên người Việt ở MIT, Thảo cùng ba du học sinh khác thành lập MaSSP - Trại hè toán và khoa học cho học sinh.

Đến nay, chương trình đã bước sang năm thứ 8, thu hút đông đảo học sinh yêu thích khoa học tự nhiên. Tuy không còn trực tiếp giảng dạy, Thảo vẫn viết cho MaSSP, chia sẻ những ứng dụng vui của toán học trong đời sống.

Năm 2018, thời điểm gần kết thúc chương trình tiến sĩ, cô thực tập ở một công ty tài chính. Lúc này, Thảo nhận ra mình không còn phù hợp với nghiên cứu. Lý do là ngành nghiên cứu lúc đó của cô khá hẹp, ít người làm cùng. Cô cũng không bị ai thúc giục, thường tự dựa vào trí tò mò và đam mê bấy lâu để làm tiếp.

"Mình chợt thấy con đường nghiên cứu thật cô độc, đặc biệt khi vẫn chưa nhiều phụ nữ học và làm trong lĩnh vực STEM", Thảo bộc bạch, cho biết từ lúc học chuyên Toán đến khi đi làm, số bạn bè, đồng nghiệp nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vì thế, khi tốt nghiệp, Thảo quyết định chuyển hướng.

Thu Thảo bên bố mẹ trong ngày nhận bằng tiến sĩ tại MIT, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thu Thảo bên bố mẹ trong ngày nhận bằng tiến sĩ tại MIT, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vũ Minh Châu, "cô gái vàng" Olympic Hóa học quốc tế, là người đồng sáng lập trại hè cùng Thảo. Cả hai quen nhau trong những dịp giao lưu đội tuyển thi Olympic quốc tế. Biết theo đuổi toán học là chặng đường gian nan, nhất là khi Thảo thường làm việc với những nhà toán học xuất sắc trên thế giới, cô rất khâm phục bạn mình.

"Nghĩ thôi đã đủ hiểu một cô gái nhỏ đến từ Việt Nam cảm thấy áp lực thế nào. Bạn luôn khiêm tốn, nhưng mình biết để có được những thành tựu đó, bạn đã phải cố gắng rất nhiều", Châu nói.

Cô cũng nhận xét bạn rất hóm hỉnh, thân thiện, có tâm hồn nghệ sĩ, khác xa hình ảnh "nerdy" (mọt sách) mọi người thường nghĩ về những người học Toán.

Thảo thích vẽ tranh, chơi piano, chơi cờ và leo núi trong nhà. Cô nhìn thấy toán trong mọi sở thích nên học rất nhanh. Cô ví dụ, bức tranh có chiều sâu cần kiến thức hình học xạ ảnh, một bản nhạc hay là sự tổng hòa các nốt nhạc có quy luật.

Gần 15 năm theo đuổi Toán học, Thảo cho rằng vẻ đẹp của toán là điều khiến mình đam mê. Dù làm toán chuyên nghiệp hay không, việc học Toán vẫn định hướng tất cả công việc, cuộc sống của cô.

"Toán học là bản sắc của tôi", cô nói.

Thảo bên bức vẽ của mình trong khuôn viên MIT, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thảo bên bức vẽ của mình trong khuôn viên MIT, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguồn: [Link nguồn]

Từng bị bố mẹ phản đối theo "nghiệp vẽ", Ngô Minh Hiếu (SN 1998, quê Sóc Sơn) vẫn tốt nghiệp thủ khoa Đại học Kiến trúc với điểm GPA đạt 3.66/4.0 và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Anh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN