Tái tạo vú cho bệnh nhân ung thư

Sự kiện: Ung thư

Trước khi điều trị ung thư vú, một số chị em thường lo lắng khi đối mặt với nguy cơ mất đi “đôi gò bồng đảo”- biểu tượng nữ tính của mình.

Nhưng hiện tái tạo vú cho bệnh nhân ung thư vú trở thành bước quan trọng trong quá trình điều trị, giúp nhiều phụ nữ không may có thể xua tan nỗi sợ hãi đó.

Tái tạo vú cho bệnh nhân ung thư - 1

Một ca thăm khám ung thư vú tại Bệnh viện K, Hà Nội - Ảnh: CHÂU ANH

Một bước trong quá trình điều trị

Dùng mô tự thân

Có hai phương pháp tái tạo vú được áp dụng phổ biến ở VN là dùng túi độn ngực và dùng ngay chính mô tự thân của bệnh nhân. Do đặc điểm của phụ nữ VN không cần kích thước ngực quá lớn nên các bác sĩ thường dùng phương pháp dùng mô tự thân. Những vùng mô ở lưng, bụng được kéo lên để tạo thành bầu ngực.

Mặc dù phương pháp này có thời gian phục hồi lâu, mổ phức tạp nhưng lại tạo cảm giác thật, tự nhiên và chi phí rẻ hơn so với đặt túi độn ngực.

Cách đây một năm, bà L.T.H. (56 tuổi, TP.HCM) được các bác sĩ thông báo bị ung thư vú và phải cắt bỏ hoàn toàn một bên ngực. Điều này khiến bà khủng hoảng tâm lý trầm trọng vì bà thường xuyên mặc áo dài do công việc nên cảm thấy mất tự tin.

Tuy nhiên sự lo âu của bà đã được giải tỏa khi các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết sẽ tái tạo hình dáng bên ngoài của bộ ngực sau khi cắt bỏ, đảm bảo tính thẩm mỹ. Sau một năm điều trị ung thư vú, bà H. vừa trải qua giai đoạn cuối cùng trong quá trình điều trị ung thư: tái tạo vú.

“Khi biết mình có thể giữ lại được bộ ngực như cũ, tôi rất nhẹ nhõm, những ngày điều trị ung thư phía trước không còn quá khủng khiếp nữa”- bà H. chia sẻ.

Bác sĩ Trần Văn Thiệp - trưởng khoa ngoại 3 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tái tạo vú cho bệnh nhân ung thư - cho biết một vấn đề đáng lo ngại của những phụ nữ bị ung thư vú là tâm lý hoang mang lo lắng, mất tự tin khi bị mất cả hai hoặc một bên ngực sau khi trải qua quá trình điều trị ung thư vú.

Đặc biệt là những bệnh nhân còn trẻ hoặc phải làm những công việc cần ngoại hình thì ảnh hưởng tâm lý càng nặng nề hơn. Nhưng ngày nay việc tái tạo vú đã giải tỏa được tâm lý căng thẳng đó cho họ, giúp họ tự tin bước vào quá trình điều trị ung thư.

Nhiều người thường nhầm tưởng tái tạo vú chỉ được thực hiện khi bệnh nhân có yêu cầu, nó là một khâu được thực hiện tách rời sau khi đã điều trị ung thư. Song theo bác sĩ Thiệp, ngày nay tái tạo vú đã trở thành một bước quan trọng trong quá trình điều trị ung thư vú. Bệnh nhân sẽ được tư vấn kỹ về quá trình điều trị ung thư vú, trong đó bước tái tạo vú, trả lại hình dáng cũ cho bộ ngực được thực hiện sau cùng của quá trình điều trị.

Cần tư vấn kỹ

Tái tạo vú là phẫu thuật lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao và có thể chia làm nhiều giai đoạn, vì vậy không phải bệnh nhân ung thư vú nào cũng có thể tái tạo vú. “Những bệnh nhân còn ở trong giai đoạn sớm, có sức khỏe tương đối tốt, tác nhân dẫn đến chỉ định cắt vú đã được điều trị dứt điểm và có tâm lý, hiểu biết tốt về tái tạo vú mới được tiến hành quá trình tái tạo” - bác sĩ Trần Văn Thiệp cho biết. Những bệnh nhân béo phì, hút thuốc, uống rượu, đái tháo đường cần cân nhắc khi tiến hành phẫu thuật tái tạo.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phùng, giảng viên Trường đại học Y dược TP.HCM, cho biết trước khi tiến hành tái tạo vú, bệnh nhân ung thư và người nhà cần được các bác sĩ tư vấn kỹ để chuẩn bị tâm lý và lựa chọn phương pháp thực hiện tốt nhất. Tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị.

Trước đây nhiều ý kiến lo ngại khi thực hiện tái tạo vú quá sớm sẽ ảnh hưởng đến việc theo dõi quá trình tái phát của các khối u ở vú, nhưng một số nghiên cứu đã khẳng định việc tái tạo vú sẽ không ảnh hưởng đến quá trình theo dõi diễn tiến của bệnh. Vì vậy thay vì phải chờ 2-3 năm sau khi điều trị ung thư vú, các bác sĩ mới tiến hành tái tạo vú (tái tạo trì hoãn) như trước thì nay các bác sĩ thường tiến hành tái tạo vú ngay sau khi vừa xong quá trình điều trị ung thư (tái tạo tức thì).

Ưu điểm của tái tạo vú tức thì là đem lại kết quả thẩm mỹ cao do lượng mô hiện tại còn tốt, an toàn về mặt ung thư. Tuy nhiên những trường hợp bệnh nhân còn chưa dứt khoát tư tưởng lựa chọn việc tái tạo vú, sức khỏe không ổn định... thì bác sĩ sẽ lựa chọn tái tạo trì hoãn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NGỌC NGA (Tuổi trẻ)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN