Sự ân hận muộn màng sau song sắt…

Sự kiện: Phía sau bản án

Gần 25 năm làm Báo CAND, tôi đã gặp nhiều tội phạm giết người, có kẻ sát hại 1 người, kẻ sát hại 2 người, thậm chí có đối tượng dùng súng, dùng dao làm chết, bị thương nhiều người. Có kẻ máu lạnh, lập hẳn kế hoạch để giết người như Lê Văn Luyện (Bắc Giang); Lê Thanh Hợp (Thanh Hoá) hay gần đây nhất là Lê Nguyễn Minh Tuấn (Hà Nam) khi dùng súng bắn chết 2 người ở Nam Định và Bắc Ninh; nhưng có những kẻ chỉ trong lúc nóng giận mất kiểm soát mà gây tội ác. Nhưng hầu hết trong số họ, tâm lý là dù lúc gây án có hung hãn đến đâu, khi bị bắt đều hối hận, sợ hãi. Cho dù từng gây tội ác tày trời, nhưng khi bị bắt, bị giam, họ lại khát khao được sống, được hưởng tự do, được làm người lương thiện, cho dù những mong ước đó có thể không bao giờ thành hiện thực.

Một tội phạm giết người khiến tôi ám ảnh trong nhiều năm đó là bà Phạm Thị Xuân, SN 1952, ở Tiền Hải, Thái Bình. Bà Xuân vốn là nông dân, chưa vi phạm pháp luật, cũng không va chạm với ai. Thế nhưng, chỉ vì suy nghĩ nông cạn, bà đã cướp đi sinh mạng của chính đứa cháu gái chưa đầy tháng tuổi của mình.

Tác giả tiếp xúc với Phan Thanh Hoàng – đối tượng sát hại người yêu cũ và tình địch.

Tác giả tiếp xúc với Phan Thanh Hoàng – đối tượng sát hại người yêu cũ và tình địch.

Gặp bà ta trong Trại tạm giam Công an Thanh Hoá vào một ngày rét buốt năm 2018, tôi khá thương cảm bởi người phụ nữ gần 70 tuổi lẽ ra được hưởng an nhàn thì giờ đây lại phải trả giá những năm cuối đời trong vòng lao lý. Bà Xuân kể rằng, sau phút suy nghĩ nông cạn vì cho rằng cháu gái không may mắn nên đã sát hại cháu.

Đến khi bị bắt, vào trại giam mới thấy rằng, mình thật ác độc và thiếu hiểu biết. Cũng vì lẽ đó, mà bà sống trong dằn vặt, đau khổ vì con trai, con dâu giận mẹ không đến thăm, ân hận vì mình nhẫn tâm ra tay với đứa cháu bé bỏng mới 23 ngày tuổi. Bà ta bảo rằng, điều đáng sợ nhất của đời người, chính là sự giày vò tâm can, sự ân hận bởi khi đã gây tội ác rồi, phạm tội rồi thì không gì có thể thay đổi được và sự trả giá thật đau đớn, thậm chí đau hơn cả cái chết. “Vì thế cho nên trước khi làm việc gì, hãy suy nghĩ thật kỹ bởi có những việc đã làm rồi thì không thể quay lại được”, bà Xuân hối hận cho biết.

“Sát thủ” chuyên nghiệp có số má, tiếng tăm, “ông trùm” trong thế giới ngầm ở Hải Phòng là Mai Đức Vượng (tức Tộ “tích”), SN 1981, ở phố Nguyễn Hữu Tuệ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng khi đã sa lưới thái độ “nhũn” hẳn. Tộ “tích” nổi danh với bảng tiền án dài dằng dặc những vụ bắn, giết. Luật bất thành văn của giang hồ đất Cảng là muốn tồn tại được phải "có số". Muốn “có số” thì phải tham gia đánh chém để “đóng số”. Chính vì vậy, để vươn lên vị trí “ông trùm”, Tộ “tích” đã gây ra hàng loạt vụ giết người, sau đó trốn sang Campuchia rồi sang Trung Quốc.

Từ Trung Quốc, hắn tiếp tục chỉ đạo đàn em gây án ở Hải Phòng, bị Công an Trung Quốc bắt giữ giao cho Việt Nam. Do hắn có bệnh án tâm thần nên cơ quan chức năng bắt buộc phải chuyển đối tượng sang Viện Pháp y tâm thần Trung ương để điều trị bệnh. Dù điều trị bệnh, nhưng Tộ “tích” vẫn trốn ra ngoài chỉ đạo đàn em gây án, bị Công an Hải Phòng bắt khi tiếp tục chỉ đạo đàn em dùng súng đòi nợ.

Gặp Tộ “tích” khi đang chấp hành án tại Trại giam số 5, “ông trùm” đất Cảng khá vui vẻ vì đã xác định được tội trạng để chấp hành án. Dù hư hỏng từ bé, nhưng Tộ khá thương mẹ. Chính vì vậy, trong câu chuyện, đối tượng này luôn nhắc đến mẹ và cho biết, dù làm ra bao nhiêu tiền, dù giàu có bao nhiêu nhưng làm mẹ đau lòng thì cũng vẫn là bất hiếu. “Đến bây giờ em mới hiểu rằng, dù mình “đàn anh, đàn chị”, kiếm được bao nhiêu tiền nhưng làm việc bất chính thì sẽ phải trả giá. Người đau khổ nhất vẫn là mẹ bởi đã sinh ra đứa con gây tội ác. Vì thế, em luôn cố gắng chấp hành quy định để có cơ hội về sớm với mẹ” – Mai Đức Vượng cho biết.

Sự ân hận muộn màng sau song sắt… - 2

“Sát thủ” trẻ tuổi nhất, chỉ sau Lê Văn Luyện mà tôi từng gặp đó là Nguyễn Lê Minh Tuấn, SN 2003, ở Lý Nhân, Hà Nam. Khi tiếp cận thông tin vụ án này, tôi cứ nghĩ mãi vì sao một thanh niên mới lớn như Tuấn, chưa từng va chạm, chưa tiền án, tiền sự mà lại có thể lên kế hoạch nhẫn tâm sát hại 2 người ở 2 tỉnh khác nhau và tiếp tục tìm thêm những người khác để trả thù?

 Nạn nhân đầu tiên của Tuấn là bạn của anh ta, từng làm việc cùng nhau ở quán bar Hương Xuân ở khu phố Minh Khai, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh là anh Nguyễn Văn Viện, SN 2001, ở Hợp Hưng, Vụ Bản, Nam Định. Có lẽ, đến khi chết, anh Viện cũng chưa thể hiểu được vì sao chỉ với nguyên nhân hết sức “vớ vẩn” mà Tuấn lại có thể sát hại mình như vậy. Nạn nhân thứ 2 ở Bắc Ninh là anh Lê Văn Thiềm, quản lý quán bar Hương Xuân. Sau khi bắn chết anh Viện tại Nam Định, Tuấn bắt taxi về Bắc Ninh, dùng súng sát hại anh Thiềm, sau đó tiếp tục tìm những người có mâu thuẫn với hắn để “trả thù”. Rất may hôm đó, Tuấn không gặp ai.

 Tôi gặp Tuấn sau gần 4 tháng hắn bị tạm giam. So với những kẻ “anh chị” giang hồ cộm cán với ánh mắt sắc lạnh thì Lê Nguyễn Minh Tuấn lại có sắc thái khá thản nhiên. Anh ta tỏ thái độ vô cảm một cách đáng sợ. Bị bắt, Tuấn không che giấu tội lỗi mà khai nhận tuốt tuột vì cho rằng các nạn nhân coi thường mình. Hỡi ôi, chỉ vì nguyên nhân hết sức “giời ơi” như vậy mà kẻ máu lạnh này đã lấy đi mạng sống của hai người. Có lẽ, vì sự thiếu giáo dục, lối sống ích kỷ và sự tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng của ma túy khiến anh ta trở nên mất hết nhân tính như vậy. Nhìn Tuấn, tôi thầm tiếc cho hắn, khuôn mặt khá sáng sủa, trắng trẻo, có lẽ chưa hiểu hết cái giá phải trả mà đã gây tội ác tày trời.

Một trong những sát thủ đáng thương nhất mà tôi từng gặp đó là Phùng Quỳnh Trang, SN 1988, ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Trang mồ côi cha mẹ nên phải cùng em gái đến ở nhờ nhà người dì họ tại Thái Bình. Việc không có cha mẹ bên cạnh dạy dỗ, bảo ban đã để lại trong tâm hồn Phùng Quỳnh Trang một khoảng trống khó có thể bù đắp. Có lẽ vì thế mà từ nhỏ Phùng Quỳnh Trang đã tỏ ra ương bướng, khó bảo. Mới 12 - 13 tuổi, Phùng Quỳnh Trang đã bất cần và muốn phá phách, bất chấp sự khuyên bảo của người dì họ.

Không chấp nhận được cuộc sống nghèo khó ở quê nhà, Phùng Quỳnh Trang đã bỏ nhà xuống Hải Phòng khi mới 13 tuổi, đánh dấu những bước trượt đầu tiên trong cuộc đời. Chưa đến 20 tuổi, Phùng Quỳnh Trang đã trở thành một dân chơi có số má ở Hải Phòng, được các “đàn em” đặt cho biệt danh Trang "trắng", Trang "đại gia", Trang "sành điệu". Vết trượt của Trang cứ thế kéo dài khi bạn trai dẫn vào con đường buôn “cái chết trắng”, cầm đầu đường dây mua bán ma tuý Hà Nội – Hải Phòng.

Theo đó, Trang giao cho đồng bọn là Bùi Thị V.A - 1 sinh viên đại học mang 1.900 viên thuốc lắc đi giao cho khách. V.A cầm “hàng” đi nhưng không mang được tiền về vì lý do bị cướp. Nghi ngờ bị V.A “hớt” tay trên, Trang đã chỉ đạo đàn em dụ dỗ V.A, đưa ra cánh đồng ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh tẩm xăng thiêu sống.

Sau khi Trang bị bắt, bị kết án tử hình, tôi nhiều lần gặp cô ta ở trại tạm giam. Cũng giống như Nguyễn Lê Minh Tuấn, lúc mới bị bắt, Phùng Quỳnh Trang vẫn thản nhiên cho rằng nạn nhân của cô ta "bị giết là đúng" bởi đã "không sòng phẳng trong việc làm ăn". Nhưng sau, được sự giáo dục của các cán bộ, đặc biệt là Trung tá Nguyễn Thanh Phú, Đội trưởng Đội Điều tra án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Bắc Ninh cũng là ĐTV chính của vụ án, Trang mới dần thay đổi thái độ, tỏ ra ngoan ngoãn, biết điều hơn.

Những ngày trong trại tạm giam, khi hình dung lại tội ác đã gây ra, Phùng Quỳnh Trang ân hận, chứ không còn mạnh miệng tuyên bố: "Nhớ kỹ mặt tao để xuống âm phủ còn trả thù" như lúc cô ta chuẩn bị đốt xác nạn nhân. Nhưng sự ân hận này là quá muộn màng, bởi những tội ác gây ra đã khiến Phùng Quỳnh Trang không thể tránh khỏi sự trả giá bằng một bản án tử hình. Trang bảo rằng: “Cháu gây tội phải đền tội nhưng điều cháu ăn năn, day dứt và không yên lòng trước khi đền tội chính là đứa em gái của cháu – nó quá  thiệt thòi khi bố mẹ không còn”…

Đối mặt với các “sát thủ” - những kẻ từng gây tội ác, cho dù vô tình, hay cố ý, dù nóng giận nhất thời hay chuẩn bị tư tưởng, kế hoạch từ trước, dù trăm mưu ngàn kế lẩn trốn thì trước hay sau cũng đều trả giá. Đến lúc đó, họ mới hiểu giá trị của sự tự do, giá trị của cuộc sống bình thường mà chính tay mình đã tự đánh mất đi. Hi vọng rằng, trước khi làm việc gì, mọi người nên suy nghĩ thật kỹ càng để không còn phải ân hận muộn màng.

Nguồn: [Link nguồn]

Địa ngục hôn nhân và bản ”hợp đồng” oan nghiệt (P cuối): Sự ân hận muộn màng

Sau thời gian điều tra, Công an Hà Nội đã xác định được bà H là người đứng sau cái chết của chồng mình. Với những uất ức dồn nén bởi sự "phản bội" của chồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thuỷ ([Tên nguồn])
Phía sau bản án Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN