Mẹ “bỉm sữa” mất 600 triệu đồng vì ham “lương cứng” 5 triệu đồng/tháng của con trai 3 tuổi

Đường dây nóng Báo CAND nhận được thông tin bạn đọc phản ánh một số mẹ “bỉm sữa” ở Hà Nội vừa bị mất hàng trăm triệu đồng vì chiêu lừa đảo “cao tay” trên mạng, trong đó 1 thiếu phụ mất trắng 600 triệu đồng.

Theo phản ánh của bạn đọc, nhóm lừa đảo bài binh bố trận rất kín kẽ, có kẻ đóng vai chuyên viên tư vấn/trợ lý, một số kẻ làm chân gỗ để dẫn dụ “con mồi” vào tròng. Thủ đoạn của băng nhóm này rất tinh vi, triệt để khai thác tâm lí các cặp vợ chồng trẻ, nhất là các mẹ “bỉm sữa” có mong muốn con được trở thành… người mẫu nhí, vừa nổi tiếng, vừa được rèn luyện kĩ năng sống.

Chị T chỉ vì mong muốn con trai được làm người mẫu nhí và mức lương 5 triệu đồng/tháng của bé, nên đã trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo.

Chị T chỉ vì mong muốn con trai được làm người mẫu nhí và mức lương 5 triệu đồng/tháng của bé, nên đã trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo.

Thông qua mạng xã hội Facebook hoặc Zalo, nhóm lừa đảo sẽ kết bạn và mời tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang. Sau khi ông bố/bà mẹ “cắn câu”, chúng sẽ lập một group chat Telegram để mời tham gia thử thách. Nếu không tham gia, sẽ không được ứng tuyển mẫu nhí nữa. Thử thách thứ nhất là: chuyển khoản để mua sản phẩm hàng hiệu, số tiền tăng dần, trong một khoảng thời gian theo quy định.

Nếu cú pháp/số tiền chuyển khoản sai sẽ phải chuyển lại cho đúng. Nếu ko kịp thời hạn quy định sẽ phải nộp thêm tiền để được gia hạn, thì mới được ứng tuyển và hoàn tiền. Nếu ko đáp ứng các quy định trên, sẽ bị mất tiền đã nộp. Hình thức này tương tự đấu giá cao và nhanh để giành được suất người mẫu nhí.

Cuối tháng 11/2022, chị T (32 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được lời mời kết bạn qua Zalo. Chị T đang mang bầu bé thứ hai và có một con trai 3 tuổi. Đang ở nhà chờ sinh con, chị T lướt mạng và nhận được lời mời kết bạn từ một số máy lạ, và đồng ý. Sau khi thăm hỏi, nắm bắt thông tin về hoàn cảnh gia đình, người bạn zalo nức nở khen chị T có đứa con trai bụ bẫm, dễ thương…., rất phù hợp làm một “mẫu nhí” cho hãng thời trang tên tuổi nơi người này làm việc.

Những bước "thử thách" dụ dỗ chị T vào cạm bẫy, mất trắng 600 triệu đồng.

Những bước "thử thách" dụ dỗ chị T vào cạm bẫy, mất trắng 600 triệu đồng.

Con được khen thì mẹ nào cũng lâng lâng. Chị T nhanh chóng bị câu nhử vào cạm bẫy, với viễn cảnh con mình “bé xíu” đã biết kiếm tiền và tương lai rộng mở cho cả gia đình: “Khi bé đã trở thành mẫu ảnh nhí của Hệ Thống thì mỗi tháng sẽ nhận được lương cứng là : 5.000.000 VNĐ. Ngoài ra, các bé sẽ nhận thêm 20% hoa hồng theo giá trị sản phẩm bé quảng bá cho Kindo Happy Kids trên mỗi đơn hàng được bán ra thị trường chị nhé. Được đào tạo nuôi dưỡng phát triển kĩ năng bởi đội ngũ chuyên nghiệp để hỗ trợ phát triển tài năng cho bé. Được rèn luyện khả năng xử lý tình huống trước đám đông giúp bé tự tin và duyên dáng hơn. Được tham gia các show thời trang, các viral video của công ty. Ngoài những buổi chụp sản phẩm, các bé còn được tham gia nhiều cơ hội trình diễn những bộ trang phục hoành tráng nằm trong bộ sưu tập mới nhất của Kindo Happy Kids. Được có cơ hội sải bước trên sân khấu hoành tráng, chuyên nghiệp, đẹp mơ màng như lạc vào giữa Khu vườn cổ tích. Từ hoạt động mẫu nhí, các bé sẽ có nhiều cơ hội để có thể trở thành người mẫu nhí trong các show thời trang, chụp hình, quay phim quảng cáo.

Thấy những cơ hội mở ra cho con trai và cả gia đình mình, chị T khấp khởi khai báo một số thông tin cá nhân để “đăng kí” dự tuyển cho con, gồm tên tuổi của mẹ, của bé; số điện thoại, nghề nghiệp bố, mẹ của bé…

Các đối tượng tỏ ra rất am hiểu tâm lí, tận tình hướng dẫn chị T hoàn thành hồ sơ đăng kí dự tuyển. Sau khi hồ sơ hoàn tất, chúng bắt đầu màn lừa đảo bằng chiêu “Thử thách tạo tương tác cho sản phẩm”, gồm 3 bước thao tác: Nhấn vào link đơn hàng từ thông báo, Tìm sản phẩm (không mua) và chụp ảnh ảnh sản phẩm rồi gửi lại lên nhóm, đợi hệ thống xác nhận.

Các đối tượng yêu cầu chị T hoàn thành đủ 5 sản phẩm thì nhắn tin đến @TroLyVienYODY để gửi thông tin tài khoản hưởng thụ và nhận lại tiền gốc cùng 50.000 đồng tiền thử thách. Sau đó, trợ lí viên sẽ mời chị T qua nhóm nhân viên chính thức để hoàn thành thử thách 2. Ở đây, chị T được một điều phối viên hướng dẫn và hoàn thành thử thách. Qua đó, Hệ Thống Công Ty xác nhận con trai của chị T trở thành Mẫu Ảnh chính thức của YODY-KIDS (đối tượng mạo danh là nhân viên của thương hiệu này).

Các đối tượng lưu ý chị T, nếu trong 2 ngày chị không tham gia và hoàn thành thử thách, thì cả 2 mẹ con sẽ bị out khỏi nhóm để “Nhường cơ hội ứng tuyển cho những người khác, chị nhé!”.

Sau khi chị T chấp nhận bước vào vòng thử thách, đầu tiên là việc chuyển tiền để mua một món hàng hiệu, lập tức chị được trả ngay “hoa hồng” 50.000 đồng; lần sau lại được ngay 100.000 đồng. Thấy tiền về rất nhanh và con mình sớm được nổi tiếng, mới 3 tuổi đã có thu nhập hằng tháng 5 triệu đồng; chị T mê mẩn và bị nhóm lừa đảo cho “leo dây” liên tiếp mấy ngày. Số tiền chuyển mua sản phẩm để thử thách tăng dần lên vài triệu, rồi đến 45 triệu, 82 triệu và lần cuối cùng là 367 triệu đồng vào ngày 29/11.

Sau khi chị T đã chuyển khoảng 600 triệu đồng vào tài khoản nhóm lừa đảo, thì chúng liên tiếp báo trục trặc, và phải nộp thêm 400 triệu thì mới rút được tiền gốc và lãi. Đến lúc này, chị T đành hỏi chồng còn tiền trong tài khoản không để chuyển theo yêu cầu của “Trợ lý viên” thì mọi việc mới vỡ lở và chồng chị “ngã ngửa người” vì biết vợ đã bị một cú lừa lớn, mất sạch số tiền tích cóp, chưa kể 200 triệu đồng chị T vay thêm.

Theo tư vấn của Báo CAND, vợ chồng chị T đã đến trình báo tại Công an quận Cầu Giấy ngay tối 29/11/2022 và “oan gia tương ngộ” cũng gặp một số ông bố, bà mẹ bỉm sữa cũng đến trình báo bị lừa đảo tương tự, mất hàng trăm triệu đồng mỗi người.

Trao đổi với PV Báo CAND, một cán bộ chỉ huy thuộc Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, tình trạng lừa đảo trên mạng rất tinh vi, đối tượng có thể ở trong nước, có thể ngoài nước; việc điều tra, bắt giữ kẻ lừa đảo và thu hồi tài sản là rất khó khăn, tốn nhiều thời gian và công sức. Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối tránh cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ, tránh kết bạn với người lạ trên mạng, không tham gia các kênh đầu tư ảo.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyện xử lý “kẻ lừa đảo online” ở Bắc Kạn

Thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, và có chiều hướng gia tăng vào thời...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Hiển ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN