Thơm ngon bánh kẹo hỉ người Tiều

Ai đã trót mê bánh pía thì ắt hẳn sẽ không thể nào quên được cái cảm giác ngây ngất khi thưởng thức loại bánh này.

Món bánh có vỏ ngoài nhiều lớp xếp chồng lên nhau, cắn vào ngập tận chân răng với cái bùi mịn màng của đậu xanh, nồng nàn của sầu riêng và ngầy ngậy của chút mỡ heo.

Thơm ngon bánh kẹo hỉ người Tiều - 1

Thơm ngon bánh kẹo hỉ người Tiều - 2

Tương truyền, bánh pía theo chân người Tiều hay còn gọi là Triều Châu di cư vào vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu vào thời chúa Nguyễn. Ngày nay, bánh pía Sóc Trăng đã trở thành món đặc sản nổi tiếng của vùng Tây Nam Bộ.

Ở khu vực Chợ Lớn (quận 5, 6 - TP HCM) nơi sinh sống đông đảo cộng đồng người Hoa, nghề làm bánh pía truyền thống cũng như hình ảnh món bánh này luôn hiện diện trong các dịp lễ Tết, hiếu hỉ của người Tiều.

Khi xưa, nhân bánh pía truyền thống chỉ có đậu xanh, củ cải muối và mỡ heo. Theo thời gian, công thức ít nhiều đã được cải biên để hợp với khẩu vị cũng như đặc sản vùng miền như thêm vào nhân sầu riêng cho thơm, trứng muối cho đậm vị... Vì vậy mà chiếc bánh pía ngày nay thơm ngon, sang trọng mà vẫn giữ được cái hồn cốt của một loại bánh truyền thống.

Chiếc bánh pía hay xuất hiện trong đám cưới của người Tiều cùng với kẹo đậu phộng và kẹo mè trắng, ngụ ý bày tỏ những lời chúc tốt đẹp đến tân lang tân nương. Mỗi khi nhà nào gả con gái, họ hàng thân thích sẽ được tặng mỗi nhà 1 hộp bánh có hoa văn hình long phụng màu đỏ rất bắt mắt, bên trong bao gồm bánh pía và 2 loại kẹo kể trên.

Ở TP HCM, hiện nay vẫn còn 1 tiệm bánh truyền thống được nhiều người Hoa tìm tới khi gia đình có hỷ sự, đó là Triệu Minh Hiệp, tọa lạc trong một con hẻm trên đường Bình Tây, phường 1, quận 6.

Bánh kẹo ở đây làm thủ công, làm ngày nào bán ngày đó nên rất "tươi". Chủ tiệm cho biết gia đình không dùng phụ gia hay chất bảo quản nên bánh pía chỉ để được tầm 1 tuần và kẹo thì 2 tuần.

Hằng ngày, sau 11 giờ 30 phút, ghé tiệm sẽ được cầm trên tay chiếc bánh pía nóng hổi với 2 loại nhân là đậu xanh và khoai môn, có trứng và không trứng. Nhưng không như nhiều loại bánh khác là ăn nóng mới ngon, với chiếc bánh pía này, bạn phải để qua một ngày, khi mỡ heo tươm ra, hòa quyện vào nhân, thấm ra ngoài lớp vỏ làm chiếc bánh bóng mướt lên thì hẵng thưởng thức. Lúc này, một vài lớp vỏ bên ngoài cùng vẫn còn giòn vụn khi vừa cắn vào nhưng lập tức sẽ cảm nhận được độ ẩm vừa phải của các lớp vỏ bên trong hòa cùng vị ngọt, béo, thơm của nhân và một chút mặn mòi thật cân bằng của trứng muối.

Ngoài món bánh pía là chủ đạo, tiệm Triệu Minh Hiệp còn nổi tiếng với món kẹo đậu phộng và kẹo mè trắng. Kẹo thì ra lò sớm hơn một chút, tầm 9 giờ đã được đóng khuôn, cắt khúc, cân đo rồi đóng gói, giao ngay cho khách. Thoạt nhìn, kẹo ở đây trông như mè xửng của xứ Huế nhưng có lẽ do tươi mới nên bánh cực mềm, dai nhẹ, không dính răng, mùi mạch nha thơm lừng hòa cùng cái bùi của đậu, mè...

Vì được làm thủ công nên giá thành của bánh kẹo ở đây nhỉnh hơn một tí so với thị trường. Tuy nhiên, đây là địa chỉ quen thuộc không chỉ đối với bà con người Tiều dịp cưới hỏi mà còn là món quà vặt thơm ngon của nhiều người dân sinh ra và lớn lên ở khu vực Chợ Lớn.

Nguồn: [Link nguồn]

Bánh khoai mỡ - Món quà vặt thơm ngọt miền Tây

Được làm từ nguyên liệu hết sức đơn giản, những chiếc bánh khoai mỡ có hương vị thơm ngon. Đây là món bánh thân thuộc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trương mỹ Linh ([Tên nguồn])
Đặc sản 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN