Đằng sau câu nói "chè Thái, gái Tuyên", đi tìm ra đệ nhất hảo hạng danh trà Thái Nguyên

Sự kiện: Sống khỏe

Không phải ngẫu nhiên mà Thái Nguyên được mệnh danh là thủ phủ trà ngon bậc nhất cả nước. Những búp trà tươi xanh được chăm bón kỹ lưỡng, sử dụng đúng kỹ thuật để cho ra loại đệ nhất danh trà nức tiếng vang xa. Đó là loại trà Tân Cương.

Đi tìm gốc tích danh trà

Ít ai biết, ông tổ của "Đệ nhất danh trà Tân Cương" lại vốn không phải là người Thái Nguyên. Ông là Nguyễn Đình Tuân tiền thân là quan Nghè Sổ làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình, Hiệp Hòa (Bắc Giang). Xưa vốn vùng Tân Cương rộng lớn này cũng chỉ là những bãi đất hoang vắng, nhiều cây cối rậm rạp, đời sống người dân nhiều vất vả khó khăn, bữa cơm hàng ngày còn không có nổi hạt gạo. Ngày ấy ông quan Nghè thấy vùng đất này tuy hoang nhưng chất thổ nhưỡng lại cực tốt, thời tiết quanh năm mát mẻ thích hợp cho việc trồng những giống cây ưa lạnh. Theo chỉ dẫn của ông, một đội người đã được cử đi sang tận vùng đất Phú Thọ - bấy giờ nổi tiếng là vùng trồng chè ngon để xin giống về phát triển. Qua nhiều chuyến đi như thế, dần dần vùng đất hoang được phủ bởi những đồi chè xanh ngát.

Những búp chè xanh non mơn mởn phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng Tân Cương

Những búp chè xanh non mơn mởn phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng Tân Cương

Qua các tài liệu nghiên cứu còn lưu trữ ở Không gian văn hoá Trà và Chè Tân Cương, giống chè mang về từ Phú Thọ khi được trồng ở đất Tân Cương lại khác hoàn toàn so với vị gốc ban đầu. Thổ nhưỡng đất đỏ nhưng lại nhiều dinh dưỡng kết hợp cùng khí hậu mát mẻ cho ra mùa chè đầu tiên, khi pha lên có vị ngọt, thanh mát mà chỉ cần nhấp ngụm đầu tiên ai cũng phải tấm tắc. Vụ thu hoạch đầu tiên ấy được người dân bản địa đặt cho cái tên cao sang, tinh tế như chính vị chè là Bạch Hạc.

Cũng theo các tài liệu ghi chép lại, tại cuộc thi Đấu Xảo do chính quyền thực dân Pháp tổ chức vào năm 1935 ở Hà Nội, loại chè Tân Cương ấy đã được trao giải đặc biệt mang thương hiệu Cánh hạc - biểu tượng của nền văn hóa con lạc cháu hồng. Vậy mới đủ thấy cái danh "Đệ nhất danh trà" từ đây mà có. Cũng từ thời điểm ấy, chè Tân Cương cũng dần được nhân giống, phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống người dân khấm phá phát triển hơn nhờ nghề trồng chè.

Người dân thu hoạch thủ công

Người dân thu hoạch thủ công

Thêm một lý do lý giải cho danh tiếng trà Tân Cương Thái Nguyên đó chính là độ ngon của trà nơi đây. Trong tất cả các vùng trà Thái Nguyên, riêng trà của Tân Cương có vị ngọt thuộc hàng cao nhất. Chè Tân Cương có hương vị khác biệt, chất lượng cao vượt trội hơn hẳn so với những loại chè khác. Sở dĩ được mệnh danh là "Đệ nhất danh trà" là bởi nó mang một hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn. Hương vị ấy là cái vị chát dịu khi uống nhưng ngọt hậu đượm kéo dài, theo người dân bản địa, khi đã quen vị chè rồi dễ sinh thành nghiện cái vị chát nhẹ ấy. Đặc biệt, chè Tân Cương có vương lại mùi hương thơm nồng nàn, lan tỏa ngào ngạt từ lúc pha và đượm mãi đến tận khi uống vào rồi mà vị ngọt vẫn còn đọng lại trên đầu lưỡi, thấm đẫm vị giác. Quan sát màu nước trà khi pha sẽ có màu xanh nhẹ hoà với chút màu vàng trong trẻo, vừa thanh mát vừa tinh tế hấp dẫn người thưởng trà từ ánh nhìn.

Nước trà pha tự nhiên có màu xanh nhẹ, vàng trong

Nước trà pha tự nhiên có màu xanh nhẹ, vàng trong

Anh Trần Mạnh Cường (Phổ Yên, Thái Nguyên), đại diện HTX chè phường Bắc Sơn cho biết: "Chính vì nước trà có độ ngọt tự nhiên cao, vị đắng chát vừa phải thêm phần bùi béo ngậy, hậu ngọt, kết hợp với hương cốm nồng nàn tạo ra thứ vị khó nơi đâu có thể đạt được. Độ ngon này không chỉ đến từ việc cây trà được chăm bón rất tốt mà kỹ thuật của người làm trà cũng rất cao. Trà Tân Cương đúng nghĩa "đắt mà xắt ra miếng". Trà giá cao hơn tất cả các vùng trà khác nhưng chất lượng trà là điều không cần bàn cãi".

Cách nhận diện "đệ nhất danh trà" Tân Cương

Danh trà nức tiếng vang xa, giống chè Tân Cương cũng được nhân giống phát triển mạnh mẽ với nhiều cách thức khác nhau, cho ra nhiều loại trà hương vị đặc trưng. Dù cùng là gốc gác chè Tân Cương nhưng riêng mỗi vùng nguyên liệu, vị trà lại khác biệt rõ rệt. Thừa hưởng tính chất chè đậm đà chát ngọt với hương thơm thoảng sâu quyến rũ của cây chè trung du do vùng đất và khí hậu mang lại, những giống chè của người dân vùng Tân Cương ngày nay còn tạo thêm nét khác biệt riêng cho mình.

Tân Cương nhiều loại trà, mỗi loại có một cách thưởng thức khác nhau

Tân Cương nhiều loại trà, mỗi loại có một cách thưởng thức khác nhau

Ví dụ, loại hồng trà thường sử dụng các búp trà đẹp nhất trong đồi, người dân lượm lặt kỹ càng, được ươm giống với kỹ thuật bí truyền mà không phải ai cũng sẵn sàng tiết lộ. Để rồi thứ hồng trà ấy, nhấm nháp một vài ngụm ngay giữa đồi xanh Tân Cương đã khiến bao du khách say mê. Người ta ví von rằng, thưởng thức thứ hồng trà này vào mỗi buổi chiều tinh tế hệt như những cô gái Anh cổ điển sang trọng, nhưng trong không gian những đồi chè xanh ngát ở Tân Cương lại càng thoả mãn vị giác, xúc giác và đê mê tinh thần.

Còn có loại trà Tân Cương chỉ thích hợp ủ làm trà hoa ngâu. Hoa ngâu đỏng đảnh nhưng rất tình tứ đi vào bao ý thơ, lời nhạc, hương vị nhẹ dịu như thức quà thiên nhiên ban tặng. Hái hoa khi sớm tinh mơ, đem về nhặt lại lá, rồi liền tay ướp vào hũ sành. Trà thích hợp cho hoa ngâu chỉ duy nhất là loại trà xanh Tân Cương, ủ 3 đến 5 lượt ngâu mới lưu giữ lâu hương, đượm nước. Khi hết thứ hoa này, cũng là lúc tiết trời mưa ngâu. Ngồi nhâm nhi tách trà hoa ngâu Tân Cương, cuối mùa ngắm mưa tí tách giọt vắn giọt dài, suy ngẫm chuyện đời, với nhiều người là thứ mỹ cảnh không gì sánh được.

Những đồi chè xanh ngút ngàn ở vùng Tân Cương

Những đồi chè xanh ngút ngàn ở vùng Tân Cương

Theo anh Mạnh Cường, trà Tân Cương có danh tiếng cũng là bởi kỹ thuật trồng khác biệt, đòi hỏi sự tinh xảo như chính những nghệ nhân. "Từng búp trà mới tươi non được thu hái hoàn toàn bằng thủ công, được chế biến bởi đôi bàn tay khéo léo, mềm mại của nghệ nhân trà dày dạn năm kinh nghiệm nên trà có hương vị thơm ngon, đậm đà hơn hẳn các dòng trà khác", anh Cường cho hay.

Để nhận diện trà Tân Cương chính gốc, thường người trong nghề chỉ cần ngửi qua chút hương, quan sát độ tươi mới và màu lá trà. Nước trà khi pha lên có màu xanh cốm đặc trưng, hương vị chát dịu, êm, ngọt hậu sâu, nhẹ, không gắt. Đặc biệt, trà Tân Cương giữ được màu nước lâu, qua 3 – 5 lần nước vẫn không phai màu trà.

Thái Nguyên đệ nhất danh trà Tân Cương

Thái Nguyên đệ nhất danh trà Tân Cương

Khác với việc làm trà mạn trước kia, trà Tân Cương Thái Nguyên giờ đây chỉ làm từ búp nõn của cây chè (phần tươi ngon nhất, chất lượng chè cao) nên cánh trà nhìn nhỏ và có độ xoăn nhẹ. Đặc biệt, các loại trà Tân Cương có màu nâu được phủ một lớp phấn giống màu mốc cau, đây là lớp phấn còn vương lại trên búp.

Để chọn được trà Tân Cương ngon nhất, không gì tuyệt hơn việc đến tận thủ phủ chè xanh, tự tay lựa những búp chè tươi ngon và thưởng trà trong hơi tiết mát mẻ của đất trời vùng Thái Nguyên.

Nguồn: [Link nguồn]

Về Thái Nguyên mà không thưởng thức tôm cuốn Thừa Lâm thì thật đáng tiếc

Được xem là món ăn dân dã, độc đáo, mang đậm hương vị của làng quê Việt Nam. Món tôm cuốn đơn giản nhưng tinh tế của Thừa Lâm được người Thái Nguyên khéo léo xếp vào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Trang ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN