Vì sao Triều Tiên đòi đánh Mỹ?

Trên khắp Triều Tiên, binh sĩ đang sẵn sàng chiến đấu, che giấu xe của họ bằng lưới ngụy trang. Các tấm biển và poster mới sơn kêu gọi “tiêu diệt đế quốc Mỹ” và thúc giục người dân chiến đấu bằng “vũ khí, không phải lời nói”.

Mặc dù nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa chỉ thị cho các đơn vị tên lửa sẵn sàng khai hỏa nhưng ông và đội quân triệu người của mình chắc chắn hiểu rất rõ rằng, tấn công tên lửa vào các mục tiêu Mỹ sẽ là tự sát, theo các nhà phân tích phương Tây. Ai cũng biết hỏa lực của Mỹ mạnh hơn rất nhiều so với Triều Tiên.

Gây sức ép

Các nhà phân tích cho rằng, dù các tuyên bố sặc mùi khói súng liên tục được đưa ra mấy ngày qua, không có nhân vật chủ chốt nào trong khu vực muốn hoặc mong đợi một cuộc chiến Triều Tiên mới. Người Triều Tiên cũng vậy.

Nhưng bằng cách đưa khu vực tới bờ vực xung đột với nhiều lời đe dọa và hành động gây hấn, Bình Nhưỡng đang muốn thu hút sự chú ý của nhiều bên tới sự mong manh của hiệp định đình chiến được ký với Mỹ nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Mới đây, Triều Tiên tuyên bố hủy hiệp định đình chiến, cảnh báo rằng, chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào. Và ngày 29/3/2013, Triều Tiên đã tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc.

Vì sao Triều Tiên đòi đánh Mỹ? - 1

Lực lượng tên lửa Triều Tiên diễn tập (Ảnh: KCNA)

Theo các nhà phân tích, đó là một phần của kế hoạch tổng thể của Triều Tiên nhằm buộc Mỹ trở lại bàn đàm phán, gây sức ép đối với tân tổng thống Hàn Quốc, để bà thay đổi chính sách đối với Bình Nhưỡng và củng cố tinh thần đoàn kết trong nước, mà không phải châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tổng lực.

Tháng 7 tới sẽ là tròn 60 năm kể từ khi Triều Tiên và Trung Quốc ký hiệp định đình chiến với Mỹ và Liên Hợp Quốc để chấm dứt cuộc chiến đẫm máu kéo dài 3 năm, khiến hàng triệu người thiệt mạng. Khu phi quân sự tại biên giới liên Triều đã trở thành biên giới được canh gác cẩn mật nhất thế giới.

Sáu thập kỷ sau, trên bán đảo Triều Tiên, miền Nam, miền Bắc vẫn chia cắt. Bình Nhưỡng cảm giác bị Seoul bỏ rơi trong nỗ lực tái thống nhất và bị Washington đe dọa.

Hàn Quốc từ một nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành nền kinh tế lớn thứ 15 thế giới, trong khi Triều Tiên vẫn chật vật tìm lối thoát khỏi vực thẳm chiến tranh lạnh, với thu nhập bình quân đầu người ngang với khu vực cận Sahara ở châu Phi.

Binh sĩ Trung Quốc cùng chiến đấu với lính Triều Tiên đã rút đi. Nhưng 28.500 quân nhân Mỹ vẫn đồn trú ở Hàn Quốc, trong khi 50.000 lính Mỹ đồn trú ở Nhật Bản cách đó không xa.

Vì sao Triều Tiên đòi đánh Mỹ? - 2

Tầm bắn tên lửa của Triều Tiên (Đồ họa: BBC)

Phô trương hỏa lực

Mấy tuần qua, cả Mỹ và Hàn Quốc liên tục thể hiện sức mạnh quân sự với hàng loạt cuộc tập trận chung mà Triều Tiên cho rằng đó là diễn tập xâm lược nước này. Hôm 28/3, quân đội Mỹ xác nhận trong cuộc tập trận “Đại bàng non” đang diễn ra có hai máy bay ném bom tàng hình B-2 (có khả năng mang đầu đạn hạt nhân). Loại máy bay này có thể thả loại bom truyền thống lớn nhất của Không lực Mỹ - siêu bom phá boong-ke nặng 30.000 cân Anh (hơn 13,6 tấn), đủ mạnh để phá hủy mạng lưới hầm ngầm quân sự của Triều Tiên.

Theo nhiều nhà phân tích, đó là hành động khiêu khích của Washington, có lẽ không chỉ nhằm vào Bình Nhưỡng mà còn nhằm vào cả Bắc Kinh. Ở Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong Un phản ứng nhanh chóng, triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các tướng lĩnh quân đội và chỉ thị cho họ chuẩn bị tấn công nếu Mỹ tiếp tục gây hấn. Một bức ảnh do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên phát đi cho thấy ông Kim trong phòng tác chiến quân sự treo các bản đồ vạch chi tiết kế hoạch tấn công Mỹ.

Triều Tiên coi mối nguy cơ quân sự Mỹ là lý do chính để nước này cần phát triển vũ khí hạt nhân. Triều Tiên đã đổ một phần đáng kể trong ngân sách nhà nước khiêm tốn vào quốc phòng, khoa học và công nghệ.

Vì sao Triều Tiên đòi đánh Mỹ? - 3

Một chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ bay trên căn cứ không quân Mỹ ở phía nam Seoul hôm 28/3 (Nguồn: Yonhap)

Tháng 12/2012, các nhà khoa học Triều Tiên phóng vệ tinh lên quỹ đạo nhờ một tên lửa tầm xa sử dụng công nghệ có thể dễ dàng chuyển đổi cho tên lửa. Tháng 2/2013, họ thử nghiệm thiết bị hạt nhân trong lòng đất, một phần trong kế hoạch chế tạo bom để lắp vào tên lửa có khả năng bay tới Mỹ.

Tuy nhiên, điều Triều Tiên thực sự muốn là tính hợp pháp trong con mắt của Mỹ và một hiệp định hòa bình, theo các nhà phân tích. Bình Nhưỡng muốn binh sĩ Mỹ rút khỏi Hàn Quốc. Theo nhiều nhà phân tích, sử dụng chương trình hạt nhân như mồi nhử, Triều Tiên muốn Mỹ trở lại bàn thương lượng, trong khi hỏa lực thực sự của Triều Tiên chưa đủ mạnh.

Narushige Michishita, Giám đốc Chương trình an ninh và nghiên cứu quốc tế thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia của Nhật Bản, nói rằng, ông không tin rằng, Triều Tiên đủ khả năng tấn công Guam, Hawai hoặc Mỹ lục địa. Ông nói rằng, Bình Nhưỡng chưa thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tuy nhiên, tên lửa tầm trung Rodong với tầm bắn 1.300 km hiện “hoạt động tốt và đáng tin cậy”, có thể bay tới các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, ông Michishita nhận định.

Trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ thị quân đội sẵn sàng chiến đấu chống Mỹ và đồng minh, đối tượng chính mà chính quyền Triều Tiên muốn nhắm tới lại là người dân trong nước, các nhà phân tích nhận định.

Vì sao Triều Tiên đòi đánh Mỹ? - 4

Các quân nhân Triều Tiên thể hiện ủng hộ nhà lãnh đạo Kim Jong Un (Ảnh: AP)

Mặt trận tuyên truyền

Theo các nhà phân tích, nhiều tháng qua, các đạo diễn của ngành tuyên truyền Triều Tiên chỉ ra rằng, dịp kỷ niệm 60 năm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên trong năm nay là thời điểm rất tốt để nâng cao mức độ tin cậy về mặt quân sự của ông Kim Jong Un, đồng thời là thời điểm rất tốt để thúc đẩy ký kết một hiệp định hòa bình.

Bằng cách tạo ra ấn tượng rằng, cuộc tấn công của Mỹ sắp bắt đầu, chế độ Triều Tiên có thể nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc và khuyến khích người dân tập hợp xung quanh nhà lãnh đạo mới của họ, theo các nhà phân tích.

Ở Bình Nhưỡng, nhiều hoạt động khoa trương về mặt quân sự có cảm giác giống như sân khấu. Không hiếm cảnh người vác súng trường, nhưng có lúc súng giấu trong ba lô chỉ là đạo cụ và “người lính” là diễn viên múa, theo hãng tin AP. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên đang tập luyện, chuẩn bị cho một chương trình nghệ thuật lớn có chủ đề về Chiến tranh Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào giữa hoặc cuối năm nay.

Ngày 29/3, hơn 100.000 binh sĩ, sinh viên và công nhân phổ thông tập trung ở Quảng trường Kim Il Sung tại trung tâm Bình Nhưỡng, giơ cao nắm đấm thể hiện sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Nhưng ở những nơi khác, mọi việc diễn ra bình thường.

“Căng thẳng gia tăng hầu như mọi năm, quanh thời điểm Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung. Nhưng sau khi tập trận kết thúc, mọi thứ trở lại bình thường; những căng thẳng đó bị người ta nhanh chóng để lại phía sau. Tôi hy vọng lần này cũng không khác biệt”, Sung Hyun-sang, giám đốc một nhà máy dệt may ở thị trấn biên giới Kaesong (Triều Tiên), nói.

Một dấu hiệu cho thấy người Triều Tiên không mong chờ chiến tranh là hãng hàng không quốc gia Air Koryo đang mở thêm chuyến bay vào mùa xuân tới và chuẩn bị tiếp đón lượng lớn du khách tới Bình Nhưỡng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thạch Vũ (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN