Trưng đào rừng ngày Tết: Thú chơi gây tranh cãi!

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Nhiều người cho rằng, chặt đào rừng chơi Tết là phá rừng nhưng cũng có ý kiến, chơi đào rừng là để giúp đồng bào dân tộc có thêm thu nhập.

Trưng đào rừng ngày Tết: Thú chơi gây tranh cãi! - 1

Gần Tết Nguyên đán Đinh Dậu, đào rừng được bày bán nhiều ở Thủ đô

Những năm gần đây, đào rừng được rất nhiều người săn đón mỗi dịp Tết đến. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, các thương lái ở dưới xuôi lại tấp nập lên miền ngược để tìm mua những cành đào rừng to đẹp về bán.

Nhiều ý kiến cho rằng, chặt đào rừng là phá rừng, làm mất đi vẻ đẹp hoang dã của miền sơn cước dịp xuân về. Thậm chí, có người còn so sánh chặt đào rừng chẳng khác gì cưa sừng tê giác, ngà voi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, mua đào rừng là để cải thiện cuộc sống của bà con dân tộc vùng cao.

Theo khảo sát của PV ngày 25/1 (tức 28 tháng Chạp), nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Nghi Tàm… đang bày bán rất nhiều đào rừng. Các thương lái cho biết, đào rừng chủ yếu được nhập từ Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lạng Sơn…

Trưng đào rừng ngày Tết: Thú chơi gây tranh cãi! - 2

Vỏ xù xì, có nhiều rêu mốc nên đào rừng được nhiều người ưa chuộng hơn đào dưới xuôi

Những cành đào rừng to đẹp có giá từ 3-5 triệu đồng, cành nhỏ không dưới 1 triệu đồng. Người dân ở Thủ đô rất chuộng đào rừng bởi, vỏ xù xì, rêu mốc và hoa cứng cáp, toát lên vẻ đẹp của núi rừng.

Anh Đinh Công Nguyên – một người bán đào rừng trên phố Lạc Long Quân (Tây Hồ) cho biết, trước Tết Đinh Dậu khoảng 15 ngày, hơn 200 cành đào anh nhập từ vùng Mẫu Sơn (Lạng Sơn) về Hà Nội đã bán hết. Hôm qua, anh mới nhập thêm 100 cành về bán tiếp.

“Đợt này nắng ấm nên đào rừng hé nụ. Vài hôm nữa đến Tết là hoa nở đẹp nên đợt này bao nhiêu cũng bán được”, anh Nguyên nói.

Quan điểm của anh Nguyên về việc chặt đào rừng là phá rừng, anh cho hay: “Bây giờ làm gì có đào rừng tự nhiên. Gọi là đào rừng nhưng đây là những cành đào của người đồng bào dân tộc trồng những bờ nương, cửa nhà hoặc có nơi trồng cả thành một quả đồi.

Tôi lên miền núi nhiều rồi, cuộc sống của đồng bào vùng cao còn rất khó khăn. Họ trồng đào cũng chỉ mong đến dịp cuối năm bán được tăng thu nhập cho gia đình. Họ trồng đâu để ngắm, họ trồng là để có thêm thu nhập nên họ bán cành đào là chuyện có gì phải ồn ào đâu. Các bạn ở xuôi lên ngắm đào có đem lại thu nhập cho họ ko hay?”

Trưng đào rừng ngày Tết: Thú chơi gây tranh cãi! - 3

Thời tiết cận Tết ấm lên, nụ hoa bắt đầu hé nở

Trưng đào rừng ngày Tết: Thú chơi gây tranh cãi! - 4

Có những cành đào to phải thuê xe 3 bánh chở về. Đào rừng thích hợp trưng ở những nơi có không gian rộng rãi.

Trên đường Âu Cơ, chị Huyền cũng bày bán hơn 100 cành đào rừng và một số cành mai rừng trắng. Số lượng đào, mai này được chị Huyền nhập về từ Sơn La, gần với biên giới nước Lào.

“Ở mạn dưới giờ làm gì còn nhiều đâu mà phải vào mãi vùng sâu vùng xa, thậm chí phải sang cả Lào nhập mới có hàng bán. Toàn là đào do bà con dân tộc trồng. Gọi là đào rừng nhưng trồng ở vườn nhà hay trên đồi… Khí hậu vùng cao mát mẻ, đất đá khô cằn tạo nên vẻ rêu phong, xù xì khác với đào ở dưới xuôi nên cứ gọi là đào rừng”, chị Huyền chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của PV về việc nhiều người ví chặt đào rừng chẳng khác gì so với chặt ngà voi hay cưa sừng tê giác, chị Huyền nói: “So sánh động vật với thực vật là hơi khập khiễng. Voi hay tê giác bị cưa ngà, cưa sừng thì không thể mọc lại nhưng đào thì có đặc điểm khác là năm nay cắt cành này thì năm sau nó lại ra cành khác. Nếu không cắt thì chỉ để lấy quả, rồi vài năm là gãy mục”.

Vừa mua một cành đào rừng với giá hơn 2 triệu ở đường Lạc Long Quân, ông Nguyễn Văn Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Ba năm nay, nhà tôi mua đào rừng về trưng Tết. Tôi thấy trên vùng cao người ta trồng rất nhiều đào này, chúng tôi không lên đó mua được thì mua qua thương lái. Tôi không nghĩ đó là hành động phá hoại hay tiếp tay cho phá rừng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN