Sát thủ đại dương đánh bại tàu sân bay hạt nhân Mỹ

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan trị giá 6,2 tỷ USD của Mỹ từng bị tàu ngầm đối phương phóng loạt ngư lôi “đánh chìm” vào năm 2005.

Sát thủ đại dương đánh bại tàu sân bay hạt nhân Mỹ - 1

Gotland được hải quân Mỹ thuê suốt 2 năm để nhiều lần diễn tập lại khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ.

Theo National Interest, đây không phải là cuộc chiến tranh thực sự, mà chỉ là cuộc diễn tập quân sự của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, nhưng vẫn gây choáng váng

Đối phương giả định trong cuộc diễn tập này là “sát thủ đại dương” HSMS Gotland của Thụy Điển. Bằng cách nào đó, tàu ngầm có lượng giãn nước chỉ 1.600 tấn đã vượt qua lưới phòng thủ của các tàu chiến Mỹ, trước khi tung đòn tấn công quyết định bằng ngư lôi nhằm vào tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Kết quả cuộc diễn tập đã khiến hải quân Mỹ bất ngờ. Mỹ yêu cầu diễn tập lại nhiều lần sau đó trong suốt 2 năm. Các tàu khu trục, tàu ngầm tấn công được lệnh truy lùng ráo riết bằng được “sát thủ đại dương” Thụy Điển.

Cho đến nay, làm cách nào mà tàu Gotland có thể xuyên qua mạng lưới chống ngầm của hải quân Mỹ, bao gồm các tàu nổi, máy bay trinh sát vẫn là câu hỏi có giá trị.

Điều quan trọng là tàu ngầm diesel-điện chỉ có giá thành 100 triệu USD, tương đương với một chiến đấu cơ tàng hình F-35 ngày nay, lại có thể hoàn thành nhiệm vụ tưởng như “bất khả thi đến vậy”. Hải quân Mỹ thậm chí đã loại bỏ hoàn toàn các tàu ngầm chạy diesel vào năm 1990.

Sát thủ đại dương đánh bại tàu sân bay hạt nhân Mỹ - 2

Tàu ngầm Gotland chỉ có lưỡng giãn nước 1.600 tấn.

Tàu ngầm diesel trong quá khứ bị giới hạn bởi tầm hoạt động, tiếng ồn. Thông thường, các tàu này chỉ có thể lặn trong vài ngày trước khi nổi lên mặt nước lấy không khí.

Một khi nổi lên, tàu ngầm dễ bị theo dõi, rơi vào tầm ngắm của đối phương. Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân không cần đến lượng dự trữ không khí lớn, có thể hoạt động yên tĩnh trong nhiều tháng và đạt tốc độ tối đa vượt trội hơn.

Kể từ khi được giới thiệu vào năm 1996, tàu ngầm lớp Gotland, dài 60 mét của Thụy Điển đã thu hút sự chú ý đặc biệt nhờ công nghệ động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP).

AIP giúp động cơ tàu ngầm tạo năng lượng mà không cần sử dụng nguồn cung cấp không khí từ bên ngoài. Nhờ vậy, các tàu ngầm diesel-điện có thể hoạt động liên tục dưới nước trong hai tuần, yên tĩnh hơn cả tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm lớp Gotland cũng được trang bị nhiều tính năng giúp “tàng hình” trước phương tiện săn ngầm của đối phương. 27 nam châm điện gắn trên tàu giúp chống lại thiết bị phát hiện từ tính.

Sát thủ đại dương đánh bại tàu sân bay hạt nhân Mỹ - 3

Thành công của tàu ngầm Gotland cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay hạt nhân Mỹ không phải là bất khả xâm phạm.

Thân tàu được phủ lớp chống tĩnh điện, trong khi phần tháp được làm từ vật liệu hấp thụ sóng radar. Máy móc bên trong tàu được phủ lớp làm mát, giảm thiểu khả năng bị sonar phát hiện.

Tàu ngầm Thụy Điển cũng có khả năng hoạt động ở vùng nước nông và vận hành linh hoạt nhờ thiết kế đặc biệt.

Con tàu tàng hình bé nhỏ nhưng lại có thể tung đòn tấn công chết người đối với tàu sân bay Mỹ khiến cho hải quân Mỹ quyết định thuê tàu Gotland và nhóm thủy thủ trong suốt 2 năm để diễn tập lại nhiều lần.

Kết quả cuối cùng cho thấy, hệ thống cảm biến dưới nước của hải quân Mỹ không đối phó được với các tàu ngầm tàng hình trang bị động cơ AIP.

Trải qua một thập kỷ, Gotland không còn là tàu ngầm đầu tiên áp dụng công nghệ AIP. Trung Quốc hiện có loại hai tàu ngầm diesel-điện dùng công nghệ này.

15 tàu ngầm Type 039A lớp Yuan sử dụng công nghệ AIP, với 4 biến thể khác nhau. Bắc Kinh cũng có kế hoạch đóng mới 20 tàu ngầm khác loại này. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện đang vận hành tàu ngầm Type 032 lớp Qing duy nhất.

Tàu ngầm này có thể lặn sâu dưới nước suốt 30 ngày. Đây là tàu ngầm diesel lớn nhất thế giới với 7 ống phóng thẳng đứng (VLS), trang bị tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Sát thủ đại dương đánh bại tàu sân bay hạt nhân Mỹ - 4

Tàu ngầm lớp Gotland đã mở ra cách cửa mới trong việc đánh bại tàu sân bay Mỹ.

Nga áp dụng công nghệ AIP vào các tàu ngầm thử nghiệm lớp Lada. Đây được coi là bước tiến lớn so với tàu ngầm Kilo. Nhưng các cuộc thử nghiệm trên biển không đem đến kết quả tích cực. Cho đến cuối thập kỷ này, Nga mới cho ra mắt hai phiên bản tàu ngầm Lada hạng nặng trang bị công nghệ AIP.

AIP sau này mở rộng đến Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản, Đức. Những quốc gia này sau đó bán lại công nghệ cho Ấn Độ, Israel, Pakistan và Hàn Quốc.

Tàu ngầm AIP ngày nay có kích thước lớn hơn, trang bị vũ khí mạnh mẽ hơn và tốn kém hơn nhiều, như các tàu ngầm lớp Dolphin của Đức và tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp.

Bất chấp mối đe dọa từ các tàu ngầm diesel trang bị AIP, hải quân Mỹ không có kế hoạch đóng mới các tàu ngầm phi hạt nhân. Chính sách quốc phòng của Mỹ cho đến nay hướng đến tàu ngầm hạt nhân vốn có chi phí lên tới hàng tỷ USD.

Lý do chính không phải là bởi Lầu Năm Góc ưu tiên lựa chọn vũ khí đắt tiền, mà bởi các tàu ngầm diesel chỉ chiếm ưu thế khi tuần tra gần bờ. Trong khi đó, tàu ngầm Mỹ phải trải qua hành trình hàng ngàn km để đến khu vực biển châu Á và châu Âu, hiện diện ở đó trong suốt nhiều tháng.

Sát thủ đại dương đánh bại tàu sân bay hạt nhân Mỹ - 5

Tàu ngầm lớp Dolphin mà nhà máy Đức bán cho Israel.

Bản thân tàu ngầm Gotland, sau khi kết thúc quãng thời gian 2 năm ở Mỹ, cũng phải đưa về Thụy Điển bằng tàu chở hàng.

Hải quân Mỹ tin rằng, tuy các tàu ngầm diesel trang bị AIP có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ, nhưng năng lực hoạt động của tàu ngầm dạng này vẫn hết sức hạn chế.

Tàu ngầm diesel không thể bám đuổi tàu ngầm hạt nhân, rất khó chạy thoát nếu bị đối phương phát hiện. Dù vậy, chi phí chế tạo một tàu ngầm hạt nhân tương đương 3-4 tàu ngầm diesel hoạt động siêu yên tĩnh khiến cho loại tàu ngầm này vẫn có chỗ đứng nhất định.

Trong tương lai, hải quân Mỹ không có kế hoạch đóng tàu ngầm diesel mà dùng mạng lưới phương tiện di chuyển không người lái dưới nước để bảo vệ tàu sân bay hạt nhân.

Dù vậy, Trung Quốc đang chế tạo hệ thống AIP mới sử dụng pin lithium-ion để cung cấp năng lượng cho tàu ngầm. Pháp có kế hoạch trang bị AIP cho phiên bản thay thế của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Barracuda.

Có thể nói, chi phí sản xuất cạnh tranh, khả năng hoạt động lâu dài, tuyệt đối yên tĩnh khiến cho các tàu ngầm trang bị AIP có thể tạo ra mối đe dọa không thể phủ nhận đối với tàu sân bay, hoặc tàu nổi cỡ lớn, khi hoạt động ở vùng biển gần bờ.

Đó là một trong những yếu tố quan trọng để các cường quốc trên thế giới xây dựng hạm đội tàu ngầm chuyên tìm diệt tàu sân bay Mỹ, National Interest kết luận.

Thế giới chỉ có một “đối thủ“ của tàu sân bay Mỹ

Trên thế giới, chỉ có một quốc gia duy nhất sở hữu tàu sân bay lớn đủ đọ sức với tàu sân bay Mỹ, và đó không phải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN