Bầu Đức - Khi đại gia BĐS đi bán thịt bò

Sự kiện: Bầu Đức

“Năm nay Hoàng Anh Gia Lai mà không có bò thì chắc là … bò luôn” – chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức thú thật trong buổi lễ ra mắt, niêm yết cổ phiết Công ty HAGL Agrico quốc tế lên sàn chứng khoán HSX. Điều gì đã khiến bầu Đức, từ một đại gia bất động sản lại chuyển sang bán thịt bò như vậy?

Tôi thích ngồi nghe bầu Đức áo thun quần jean ngồi café “chém gió” hơn là một bầu Đức sơmi, caravate trịnh trọng đọc hết bài diễn văn trước quan chức nước này, quan chức nước nọ.

Ngày trước nghe ông kể chuyện “người ta bảo tui nổ vụ Kiatisak”, rồi đến chuyện mía đường “tui không dám nói, sợ người ta lại bảo nổ nữa”. Lần này thì nghe ông “chém” về chuyện bán thịt bò.

“Năm nay HAGL đã nhập 200 ngàn con bò và đưa ra thị trường hơn 80.000 con bò thịt. Giá bò thịt 20 năm qua chưa bao giờ giảm” – bầu Đức cho biết.

 “Nếu có đưa ra thị trường 300 ngàn con bò năm sau thì HAGL cũng không đủ lượng thịt bò đáp ứng cho thị trường. Tính trên đầu người Việt Nam hiện nay, mỗi năm một người Việt chỉ ăn có 6,5 kg thịt bò, kém cả người Lào ăn hơn 8 kg” – vị chủ tịch HAGL nhận định.

Bầu Đức - Khi đại gia BĐS đi bán thịt bò - 1

Điều gì đã khiến bầu Đức, từ một đại gia bất động sản lại chuyển sang bán thịt bò ?

“Kỳ lạ là xưa giờ Việt Nam chưa có ai nuôi… 1.000 con bò”

Đó là câu hỏi cũng hàm ý luôn câu trả lời của bầu Đức dù Việt Nam cho đến giờ vẫn được xem là nước nông nghiệp.

“Ở Việt Nam không ai dám nuôi nhiều hơn 1.000 con bò” – bầu Đức khẳng định. “Với loại đại gia súc này tôi có thể nói là nếu nuôi 2.000 con bò thì không biết đào đâu ra thức ăn cho bò ăn”.

“Đến giờ vẫn chưa có một nhà máy chế biến thức ăn nào cho bò. Hiện tại, những người nuôi bò ở Việt Nam đa số vẫn cho bò ăn với nguồn thức ăn tự tìm kiếm, nguồn ăn chính là thực vật xanh, thức ăn rác chiếm đến 85%”.

“Trong khi đó HAGL không lo về nguồn thức ăn cho bò. Chúng tôi có nguồn cọ dầu, bã cọ dầu, thân cây bắp, mía và cỏ rất lớn. Quỹ đất dành cho nông nghiệp của HAGL hiện đã lên đến 88 ngàn hecta. Do đó chúng tôi không sợ thiếu nguồn thức ăn cho bò.

“Ngày xưa ba tôi hay nói là nếu mày không ráng học thì tao sẽ cho mày đi chăn bò. Thực ra nuôi bò rất khó và đòi hỏi phải có trình độ.

“Người của HAGL ai không có bằng đại học tôi không cho đụng đến đàn bò. Chúng tôi nuôi bằng công nghệ Israel, sẽ cùng Nutifood sản xuất sữa organic. Bò của HAGL sắp tới sẽ có logo đàng hoàng” – bầu Đức tiếp tục câu chuyện một cách đầy phấn chấn.

 “Thịt bò của tôi không ai cạnh tranh nổi”

Trả lời quan ngại về việc VN gia nhập TPP thì thịt bò của ông có chống nổi với bò Mỹ, bò Nhật hay bò Úc hay không?

Bầu Đức nói chắc nịch:

“TPP sẽ tấn công người nông dân VN, tuy nhiên, HAGL với công nghệ, con người và điều kiện sẵn có sẽ không bị ảnh hưởng gì.

“Một con bò Úc khi nhập khẩu qua đây, giá thành của 1 ký hơi sẽ chịu phí vận chuyển tương đương 1 USD. Một con nặng 500 ký hơi sẽ chịu phí vận chuyển 500 USD. Còn bò Nhật thì chi phí chăn nuôi rất cao do xứ này mùa đông chiếm đến 6 tháng. Do đó, nhập về VN họ sẽ rất khó cạnh tranh với thịt bò HAGL với công nghệ Israel và những điều kiện sẵn có”.

“Bà con đi ngoài chợ hay vô siêu thị mua bò không bao giờ biết nguồn gốc miếng thịt bò mình ăn ở đâu. Còn thịt bò HAGL sẽ có lý lịch nguồn gốc đàng hoàng: giống ở đâu, nuôi  bao nhiêu tháng, xả thịt ngày nào, khi xả thịt nặng bao nhiêu ký…”

Câu chuyện của bầu Đức làm tôi sực nhớ đến nhà chức trách lên tiếng về 2,5 ngàn tấn thịt trâu Ấn Độ nhập về VN song lại “biến mất” khỏi thị trường vì… không ai thấy bán thịt trâu cả!

Đầu tư vào nông nghiệp thì phải “mật phục”

Trước những thông tin cho rằng nghề nông nghiệp của HAGL đang gặp khó khăn do giá cao su, dầu cọ đang giảm, trong khi bầu Đức lại niêm yết giá cổ phiếu của HAGL Agrico quốc tế lên đến 28.000 đồng/ cổ phiếu, bầu Đức rành rọt giảng giải:

“Khi tôi bắt đầu trồng cao su năm 2010, giá mủ cao su thế giới đang là 5.000 USD tấn. Bây giờ, khi HAGL bắt đầu khai thác 9.000 hecta thì giá cao su giảm còn 1.500 USD. Chi phí sản xuất mủ của HAGL đang là 1.300 USD tấn.

“Cũng may là giá cao su giảm vào lúc này, chứ đợi đến năm 2017, khi diện tích cao su của HAGL đưa vào khai thác đạt đến 38.000 hecta thì lúc đó thiệt hại mới thực sự đáng lo. Như vậy là dẫu sao trong rủi cũng có may.

“Thái Lan, Malaysia và Indonesia hiện chiếm đến 70% tổng sản lượng cao su trên toàn thế giới. Mà cạo mủ cao su thì chỉ làm bằng tay chứ không máy móc nào thay thế được. Trong khi chi phí nhân công ở 3 nước này hiện cao gấp 3 HAGL thì với giá cao su 1.500 USD chắc chắn họ sẽ lỗ và tôi đoán họ sẽ buộc phải giảm sản lượng cao su.

“Do đó, đến chu kỳ 2017 – 2018 giá mủ cao su sẽ cao trở lại. Và nếu như chỉ cần đạt đến 2.500 USD/tấn thì với diện tích 38.000 hecta cao su cho năng suất từ 2,2 – 2,5 tấn/hecta, quý vị có thể tính thử xem doanh thu của chúng tôi từ cao su hàng năm sẽ bao nhiêu” – bầu Đức nói, và thêm:

“Các nhà đầu tư họ khôn lắm chứ đâu có dại. Muốn thu lợi lớn thì họ phải mật phục chứ!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Huỳnh Lê (Một thế giới)
Bầu Đức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN