Ý kiến thảo luận rất 'nóng' của Thứ trưởng Lê Chiêm ở Quốc hội

Sự kiện: Thời sự

"Có những lúc tàu ngư dân Trung Quốc vào đến vùng biển cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 30 hải lý để đánh bắt" - Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Lê Chiêm cho hay. 

Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế-xã hội sáng 22-5, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm nhận định tình hình an ninh trên biển trong những tháng đầu năm 2018 có diễn biến tương đối phức tạp. 

Tàu cá Trung Quốc có lúc vào đánh bắt cách Đà Nẵng có 30 hải lý 

Về vấn đề quốc phòng, chúng tôi thấy tình hình an ninh trên biển trong những tháng đầu năm 2018 có diễn biến tương đối phức tạp. Đặc biệt, lực lượng chuyên trách của Trung Quốc đã hỗ trợ ngư dân đánh bắt sâu trong vùng biển của Việt Nam, cách khu vực đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý.

Có những lúc, vài chục tàu của ngư dân dưới sự hỗ trợ của lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc tuyên bố vùng biển này là vùng biển của Trung Quốc và xua đuổi ngư dân Việt Nam ra khỏi khu vực này.

Ý kiến thảo luận rất 'nóng' của Thứ trưởng Lê Chiêm ở Quốc hội - 1

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm. Ảnh: Đức Minh 

Trước tình hình đó, chúng tôi cũng nhận định đây là thủ đoạn tuyên truyền, đồng thời là xâm lấn, tuyên bố chủ quyền trên biển, tuyên bố thực thi đường lưỡi bò (phi pháp - PV).

Chúng tôi đã tổ chức kiên quyết, tuyên truyền vận động và xua đuổi các tàu thuyền này ra khỏi khu vực. Trong tháng 4 có ba vụ, có vụ cao điểm lên tới vài ba chục tàu. Có những lúc tàu ngư dân Trung Quốc vào đến vùng biển cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 30 hải lý để đánh bắt...

Phải truy cứu các chủ đóng tàu thép gây thiệt hại cho ngư dân 

Những vấn đề có liên quan tới kinh tế quốc phòng, chúng tôi thấy có mấy vấn đề:

Thứ nhất, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, chúng ta đã có chủ trương nhưng đến giờ hiệu quả chưa thật cao. Ví dụ, ta tổ chức đưa ra Nghị định 67 về đóng tàu công suất cao để đánh bắt xa thì gặp quá nhiều vấn đề phức tạp liên quan tới các nhà máy đóng tàu cho ngư dân không thực hiện đúng cam kết, dẫn đến hậu quả ngư dân nợ vốn ngân hàng còn tàu thuyền vẫn nằm trên bờ. Không thực hiện mong ước của nhân dân.

Nhưng giải quyết vấn đề này cũng chưa giải quyết một cách thấu đáo. Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng chưa giải quyết một cách dứt điểm. Lỗi, trách nhiệm thuộc về ai? Phải truy tố, phải giải quyết dứt điểm chứ bây giờ người ta vay tiền đưa cho ông đóng tàu, đóng thuyền, đóng không đạt tiêu chuẩn rồi nói trên trời dưới đất thì không minh bạch, không thẳng thắn trong vấn đề này. Thiệt hại là người dân thôi. Chỗ này ta chưa thật kiên quyết.

Tại sao lại có những xưởng gỗ lậu rất lớn tồn tại ngang nhiên?

Thứ hai là việc phá rừng, đặc biệt là địa bàn Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung. Phải nói là rất nghiêm trọng như vụ Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum... rất nghiêm trọng. Ta thực hiện đóng cửa rừng ở Tây Nguyên nhưng quán triệt thực hiện ở cơ sở là rất kém. Tại sao tồn tại những xưởng gỗ rất lớn làm gỗ lậu như ở Gia Lai vừa rồi nằm ngay ở thị trấn rồi vụ gỗ ở Đắk Lắk. Nếu không có vụ việc đó mà trung ương không vào làm thì làm sao phát hiện ra được.

Ta đóng cửa rừng nhưng vẫn nhập gỗ từ Lào, Campuchia, làm như thế cơ quan chức năng rất khó xử lý. Gỗ nhập vào một cây, nhưng gỗ lậu 4-5 cây. Riêng biên phòng vừa rồi phải đình chỉ công tác, kiểm điểm, cách chức liên quan tới khai thác rừng. Phải xử lý nghiêm túc vì rừng ngày càng cạn kiệt, kho gỗ, xưởng gỗ nằm ngay trên địa bàn mà địa phương không xử lý được. Chính phủ cũng cần phải nghiên cứu...

Sai phạm trong đất đai: Địa phương nào sai hãy nhận khuyết điểm với dân

Thứ ba, khiếu kiện trong thời gian vừa qua chủ yếu là đất đai, các dự án, chuyển nhượng ta làm không chặt chẽ. Theo tôi, các địa phương cần phải làm khách quan, chỗ nào thấy không đúng cần phải nhận khuyết điểm trước nhân dân, và sửa sai nghiêm túc. Ở một chỗ kéo dài năm này qua năm kia. Không chỉ ở địa phương mà còn kéo ra Hà Nội ngồi suốt năm này tháng khác, gây ảnh hưởng lớn về an ninh, chính trị, an toàn xã hội.

Vừa qua, Chính phủ tổ chức hội nghị liên quan đến việc khiếu kiện đông người rất hiệu quả. Tôi nghĩ các địa phương trên cơ sở hội nghị này tiếp tục chỉ đạo giải quyết. Và đặc biệt là vai trò chính quyền cơ sở quan trọng, anh có vào cuộc hay không chứ đổ cho cái này cái kia là không được. Nếu một doanh nghiệp tư nhân cũng phải chỉ đạo cương quyết chứ không thể để một cách lộng quyền như thế khiến tình hình trở nên phức tạp, từ cơ sở lên đến trung ương, ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh chính trị.

Bộ trưởng TN-MT lên tiếng về việc Thứ trưởng Trần Quý Kiên bị ”tố” gom đất

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà ngày 21-5 đã lên tiếng về thông tin dư luận phản ánh việc Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Minh (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN