Xây tượng đài 1.400 tỷ: Đua nhau làm tượng đài là “vấn nạn”

“Việc các tỉnh đua nhau làm tượng đài na ná như nhau, tỉnh làm sau to hơn tỉnh làm trước là hệ lụy của lối tư duy ganh đua thành tích”.

Đề án xây tượng đài Bác Hồ tại thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) đang là tâm điểm chú ý của dư luận cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng số tiền đầu tư cho dự án này lên tới 1.400 tỷ đồng là quá lãng phí và không hợp lý bởi Sơn La hiện vẫn là một tỉnh nghèo.

TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN:
Phải chăng là bệnh thích hoành tráng?

Việc tỉnh Sơn La quyết định xây dựng quần thể quảng trường và tượng đài Bác Hồ với kinh phí dự toán 1.400 tỷ đồng, chủ yếu được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, tôi cho rằng cần phải xem xét lại. Vì sinh thời, Bác Hồ luôn nêu cao tinh thần sống giản dị và tiết kiệm. Như thông tin tôi được biết thì việc xây dựng tượng đài của Bác Hồ, nằm trong quần thể quảng trường cũng lên tới cả trăm tỷ đồng.

Trong bối cảnh hiện nay, khi ngân sách Nhà nước khó khăn, Sơn La lại là một tỉnh nghèo, Trung ương hằng năm vẫn phải cấp ngân sách cho Sơn La hàng nghìn tỷ đồng thì rõ ràng việc dành ra một số tiền lên tới 1.400 tỷ (đây mới là con số dự toán) rõ ràng là chưa hợp lý.

Xây quảng trường mênh mông rồi mỗi năm 1, 2 dịp ra tổ chức lễ kỷ niệm thì quá lãng phí. Hơn nữa, nếu là nguồn tiền anh có được thì việc anh tự xây cũng không nói làm gì, đằng này tiền vẫn phải đi xin Trung ương thì rõ ràng là không ổn tý nào.

Tôi đi nhiều địa phương thấy tình trạng lãnh đạo một số nơi bị nhiễm bệnh thích hoành tráng, tỉnh nghèo nhưng thích xây trụ sở to đẹp, khang trang. Cụm trụ sở hành chính của tỉnh Sơn La nằm trên ngọn đồi, tôi nghĩ như hiện tại cũng là khá đẹp và khang trang rồi, việc gì phải xây mới một khu trung tâm khác kèm vào quần thể tượng đài – quảng trường này nữa cho tốn kém.

Xây tượng đài 1.400 tỷ: Đua nhau làm tượng đài là “vấn nạn” - 1

"Việc tỉnh Sơn La quyết định xây dựng quần thể quảng trường và tượng đài Bác Hồ với kinh phí dự toán 1.400 tỷ đồng, chủ yếu được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, tôi cho rằng cần phải xem xét lại. Vì sinh thời, Bác Hồ luôn nêu cao tinh thần sống giản dị và tiết kiệm". (Ảnh minh họa)

Kiến trúc sư Thân Hồng Linh:
Hệ lụy của lối tư duy ganh đua thành tích

Theo tôi, các đồ án kiến trúc quy hoạch luôn luôn phải giải quyết, thiết lập các không gian kiến trúc dành cho quảng trường, cây xanh công viên. Đó là những yếu tố không thể tách rời cho bất cứ đô thị nào, dù to dù nhỏ.

Tượng đài, nói cho cùng chỉ là một yếu tố cấu thành của không gian đó, trừ trường hợp tượng đài có chủ đề cụ thể thì cần có không gian riêng. Song, cũng không nên coi tượng đài và quảng trường riêng của nó là yếu tố không thể thiếu của quy hoạch kiến trúc đô thị.

Việc các tỉnh đua nhau làm tượng đài na ná như nhau, tỉnh làm sau to hơn tỉnh làm trước thì phải hiểu đó như là một “vấn nạn”. Hệ lụy của lối tư duy thi đua, ganh đua thành tích, cái đó thuộc về nhận thức của một số vị lãnh đạo địa phương. Và như vậy thì đó là yếu tố con người chứ không phải là yếu tố kỹ thuật.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam:
Tránh dùng tượng đài để “đầu tư lớn”

Việc xây dựng tượng đài nếu xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương thì rất nên tôn trọng. Nhưng điều đầu tiên khi xây dựng tượng đài phải xuất phát từ yêu cầu thực của tỉnh đó, cụ thể hơn là yêu cầu từ chính nhân dân. Còn trong hoàn cảnh hầu hết các tỉnh, địa phương đang còn nhiều khó khăn, thì theo tôi nên cân nhắc trong việc xây dựng tượng đài, bởi đó là một sự đầu tư lớn, sẽ ảnh hưởng tới ngân sách của tỉnh, địa phương.

Trong khi đó, hiện nay, chúng ta đang còn rất nhiều thứ phải lo, thiên tai, lũ lụt, các công trình xây dựng cơ bản còn rất thiếu. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh cần tránh dùng việc xây dựng tượng đài để đầu tư lớn, phòng trường hợp có những kịch bản xấu xảy ra vì có thể là khe hở cho lợi ích nhóm tham nhũng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Phong - Mai An - Huy Hoàng ([Tên nguồn])
Tượng đài 1.400 tỷ ở Sơn La Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN