Xả lũ chết người: Phải truy trách nhiệm hình sự

Nhiều ĐB Quốc hội đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thủy điện xả lũ làm chết nhiều người.

Không ai chịu trách nhiệm

Tại phiên chất vấn của QH ngày 19/11, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chia sẻ: “Hôm nay chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ. Dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ xả nước không đúng quy định của các hồ chứa thủy điện. Vậy tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương chỗ này như thế nào?”

Ông Đỗ Văn Đương không thể có câu trả lời ngay, bởi Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đang đi công tác, không có mặt ở Quốc hội. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đang ở miền Trung, trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua.

ĐB Đỗ Văn Đương tiếp tục phát biểu, phải ra quy định, trước khi bão đến, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn phải xả hết nước đi, tăng dung tích hồ chứa lên.

“Chứ cứ giữ lại đấy để mà phát điện kiếm một vài tỷ đồng, nhưng khi xả lũ hạ lưu gây thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và còn liên quan cả tính mạng người dân nữa...”, ông Đương nói.

ĐB Đương đề nghị: “Nếu anh nào không làm, truy cứu trách nhiệm hình sự rất nặng về tội cố ý làm trái hoặc tội thiếu trách nhiệm hoặc tội gì đấy trong Bộ luật hình sự không thiếu. Chứ không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ lưu như vậy”.

“Tôi cho rằng không được, tôi đề nghị Chính phủ và Bộ Công thương có quy định rất chặt chẽ, bây giờ nói phải đi đôi với làm”.

Xả lũ chết người: Phải truy trách nhiệm hình sự - 1

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh). Ảnh: Người lao động

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị quy hoạch lại hệ thống thủy điện, thủy lợi, vì việc xả lũ vừa qua gây thiệt hại rất lớn cho người dân.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết. Và cho đến nay vẫn tranh luận giữa các cơ quan quản lý các hồ, đập và chính quyền địa phương có báo với nhau không, có thông tin cho nhân dân hay không?

“Phải điều tra để xử lý kỷ luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự. Phải làm một vài vụ cho nghiêm, không thể để cho người dân bị chết và bị thương như thế. Tài sản thiệt hại vô cùng nhưng không có ai bị xử lý”, Phó Chủ nhiệm nói.

Hỗ trợ dân tại các công trình thủy điện

Cũng tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu tình hình khó khăn trong đời sống của người dân tại các công trình thủy điện. Đó là vào mùa khô, cạn kiệt nguồn nước, mùa mưa thì lũ lụt như ở miền trung hiện nay. Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng này rất cao.

Đại biểu Nguyễn Thái học cho biết, nghị quyết của Quốc hội giao cho Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho đồng bào nghèo tại các công trình thủy điện. Nghị quyết Quốc hội xác định trong năm 2013 chính sách này phải được ban hành nhưng đến nay vẫn chưa có.

Đại biểu chia sẻ: “Đáng buồn hơn, tại kỳ họp này khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng trách nhiệm này thuộc về Bộ Nông nghiệp và PTNT”.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thái Học, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Cao Đức Phát cho rằng, Bộ NN & PTNT phối hợp với Bộ Công thương khảo sát tình hình thực hiện di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, Bộ đang chỉ đạo lập đề án chính sách và giải pháp ổn định cuộc sống người dân tái định cư, các công trình thủy lợi, thủy điện và dự kiến trong tháng 12/2013 sẽ nghiệm thu.

“Trên cơ sở đề án này chúng tôi sẽ trình Chính phủ đề án kèm theo chính sách để khắc phục khó khăn, tồn tại theo tinh thần nghị quyết Quốc hội. Đồng thời cũng trên cơ sở khảo sát này chúng tôi đang chỉ đạo dự thảo để khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách sửa đổi đối với công tác di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện nói chung”, Bộ trưởng cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN