Miền Trung: Thương vong nhiều do thủy điện xả lũ?

Đến sáng nay (18/11), mưa đã tạnh hẳn và lũ cơ bản đã rút khỏi các tỉnh miền Trung. Nhưng số người chết, bị thương và mất tích ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã lên đến 60 người.

Trong khi đó, các nhà máy thủy điện lẫn Bộ Công thương đều phủ nhận trách nhiệm và cho biết: không có nhiều nhà máy thủ điện xả lũ.

Đón nhận thông tin trên, người dân và lãnh đạo các địa phương miền rốn lũ bức xúc: “Thủy điện không xả lũ thì nước ở đâu ra mà ngập đến thế?".

Người chết, nhà trôi theo dòng nước lũ

Từ tối 17/11, lượng mưa dù đã giảm, lũ bắt đầu rút nhưng tại các địa phương đến sáng nay (18/11) vẫn có thêm 10 người chết, mất tích và bị thương. Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên, hiện tổng số người thương vong, mất tích ở miền Trung – Tây Nguyên do đợt mưa lũ lớn sau bão số 15 đã lên đến 60 người. Trong đó có 31 người chết.

Thống kê về thiệt hại tài sản cũng tăng lên đáng kể so với báo cáo ngày 17/11. Trong đó có 225 nhà bị đổ, sập, trôi; 166 nhà tốc mái, hư hỏng và 242.190 nhà bị ngập.

Ngoài ra còn có 1.078ha lúa (tăng 16ha) và 1.872ha hoa màu (tăng 1,181ha) bị úng ngập, hư hỏng.

Miền Trung: Thương vong nhiều do thủy điện xả lũ? - 1

Miền Trung: Thương vong nhiều do thủy điện xả lũ? - 2

Chính quyền địa phương đều khẳng định thủy điện xả lũ nên hàng vạn ngôi nhà của dân mới ngập chìm trong nước

Đến sáng nay, các hồ thuỷ lợi lớn trong khu vực đều đạt trên 80% dung tích thiết kế, đang mở các cửa van tràn. Đặc biệt, một số hồ đang có mực nước cao. Các hồ chứa nhỏ ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Nguyên cơ bản đã đầy nước, các hồ chứa thuộc các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đạt 80 - 85% dung tích thiết kế.

Lúc 6h sáng 18/11, có 14 hồ thủy điện xả tràn, trong đó có 6 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 400m3/s là Sông Tranh 2, Sông Ba Hạ, Yaly, Sê San 3, Sê San 4, Sê San 4A.

Trước đó, chiều tối 17/11, nước về lòng hồ tại thủy điện Sông Tranh 2 là 2.558 m3/giây, khiến nước trong lòng hồ dâng cao vượt trên ngưỡng tràn hơn 3,5m, buộc thủy điện này phải tiếp tục xả tràn với lưu lượng lên đến 2.450 m3/giây. Số liệu trên do Ban Phòng chống lụt bão và chính lãnh đạo các nhà máy thủy điện báo cáo về Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong khi đó, lượng nước về hồ ở thủy điện A Vương là 250 m3/giây, hiện nhà máy này đang xả về hạ lưu một lượng nước tương tự đã nhận.

Nhưng, báo cáo của Văn phòng thường trực Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng lại cho biết, trong đợt lũ vừa qua, không có nhiều thủy điện xả lũ và mức xả không lớn. Thế nhưng, phản ánh từ các địa phương cho thấy bản báo cáo này hoàn toàn khác xa với thực tế.

Ai chịu trách nhiệm?

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hùng Trận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết: “Lượng mưa năm nay không lớn, nhưng lũ lên nhanh và tàn phá ghê gớm là do các nhà máy thủy điện xả lũ (có lúc xả hơn 7.000 m3/giây). Nếu các nhà máy thủy điện không xả lũ thì Đại Lộc không bị lụt và chắc chắn cũng không thiệt hại lớn như vậy”.

Miền Trung: Thương vong nhiều do thủy điện xả lũ? - 3

Trong khi người dân đang sống cảnh “màn trời chiếu đất" thì các nhà máy thủy điện lại “né” trách nhiệm

Khi được hỏi, các nhà máy thủy điện trước khi xả lũ có báo cho người dân và chính quyền địa phương biết? Ông Trận nói: “Khi thủy điện xả lũ, có báo trước với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện, chúng tôi thông báo đến các địa phương và người dân. Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện báo cáo trước đó chỉ vài ba tiếng đồng hồ nên trở tay không kịp. Nước lớn về ban đêm, trong vòng hai giờ mà từ báo động 1 lên đến báo động 3, người dân ở dưới trở tay không kịp”.

Cũng theo ông Trận, mỗi lần thủy điện xả lũ là y như rằng người dân Đại Lộc mất trắng, đợt này hoa màu bị hư hỏng nặng hơn 100ha. Mặt khác, việc tiếp nhận thông tin của người dân còn hết sức hạn chế, có nhiều người đi làm đâu có nghe thông báo, đối phó không kịp, việc thiệt hại về người và của là rất dễ xảy ra.

Khẳng định các nhà máy thủy điện là “thủ phạm” gây nên cơn lũ kinh hoàng này, ông Hồ Văn Mẫn - Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) kiến nghị: “Phải dự báo và xả lũ sớm, khi mực nước thấp, mực nước sông ở mức báo động 1, 2 thì nên xả, đừng đợi đến khi nước sông ở mức báo động 3 thì xả một lần mấy nghìn m3/giây, dân hạ du Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ ngập sâu trong nước”, ông Mẫn nhấn mạnh.

Ông Mẫn cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền giám sát cho được các hồ chứa nước của thủy điện về quy trình vận hành xả lũ, quy trình phối hợp xả lũ giữa các thủy điện. Thời gian qua, địa phương cử người lên giám sát xả lũ tại nhà máy nên chỉ duy nhất thủy điện A Vương là có thông báo lũ trên hệ thống loa công cộng. Còn các thủy điện khác như Đăk Mi 4, Sông Bung 4, 4A, 4B đều không thực hiện được việc này.

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy TP Hội An (Quảng Nam) cho rằng, ngoại trừ cái lợi của thủy điện mang lại là năng lượng thì mặt trái của nó quá nhiều. “Tôi cương quyết nói không với thủy điện. Bất cứ một thủy điện nào xả lũ, Hội An cũng phải gánh chịu. Nếu giờ mấy ông thủy điện và Bộ Công thương đều chối bỏ trách nhiệm thì việc hàng chục người chết và hàng nghìn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi là do cái gì gây ra? Ai là người chịu trách nhiệm?”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đoàn Sông Hàn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN