Thủy điện xả lũ, hạ du ngập chìm trong nước

Mưa lớn, mực nước dâng cao, 44 hồ thuỷ lợi, thủy điện ở khu vực miền Trung đã vượt mực nước an toàn, trong đó có 12 hồ đã chảy qua tràn tự do. Từ trưa nay (16/11), các hồ thủy lợi, thủy điện đồng loạt xả lũ khiến các vùng hạ du Quảng Nam, Đà Nẵng… ngập chìm trong nước.

Sau khi tác nghiệp xong ở huyện Hòa Vang, chúng tôi đã lên huyện Đại Lộc. Đến 17h, đoạn xã Đại Hồng vẫn bị ách tắc, quốc lộ 14B vẫn bị phong tỏa vì nước lũ thượng nguồn liên tục dồn về. Tương tự, đoạn giao giữa xã Đại Hiệp và thị trấn Ái Nghĩa đã ngập sâu, mọi giao thông đi lại trên tuyến QL 14B đều bị chặn đứng.

Mực nước ở các hồ đến 14h chiều nay như sau:  hồ Tiên Lang, Vực Nồi, Minh Cầm (Quảng Bình); Nghĩa Hy (QuảngTrị); Hòa Mỹ (TT.Huế); Hòa Trung (Đà Nẵng); Khe Tân, Thạch Bàn, Phước Hà, Hố Giang (Quảng Nam), hồ Tân Giang (Ninh Thuận). Hầu hết các hồ dung tích nhỏ và vừa đã đầy nước. Cụ thể, lượng xả vào hôm nay như sau: hồ Bình Điền: 654m3/s; Hương Điền (Thừa Thiên Huế) xả 636m3/s; Thuỷ điện Sông Tranh 2 xả: 2.352m3/s; Sông Ba Hạ: 2.400m3/s; Ya Ly: 2.000m3/s; PlaiKrông: 602m3/s; Sê San 3: 1.920m3/s; Sê San 4: 2.356m3/s; Sê San 4A: 2.472m3/s.

Trong khi đó, Thủy điện Đắk Mi 4 và Thủy điện A Vương xả lũ đã làm ngập cục bộ cho huyện Đại Lộc, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Toàn huyện Đại Lộc có khoảng 34.000 hộ bị ngập nặng trên 3m; chính quyền đã di dời tại chỗ 1.200 hộ với 3.900 người. Tại huyện Duy Xuyên, nước lũ ngập lên đến 1m. Đã di dời tại chỗ 2.000 hộ với 7.500 người.

Ông Trần Văn Tuyền (ngụ Nước Xa, huyện Bắc Trà My, nơi có Thủy điện Sông Tranh 2), cho biết tuyến đường ĐT 615 từ Tam Kỳ lên huyện Nam Trà My chạy qua Thủy điện Sông Tranh 2 đã bị sạt lở nhiều nơi không di chuyển được. Nước trong lòng hồ của Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đang dâng cao, chảy qua tràn tự do.

“Tôi lạy ông Thủy điện luôn đó. Cứ thế này thì dân sống sao được”, ông Tuyền bức xúc. Trong khi đó, tại xã Đại Hiệp, nhiều người dân cũng bức xúc “tố ông Thủy điện đã liên tục xả lũ nên dân mới khốn đốn thế này.

Bà Huỳnh Thanh Lan (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bức xúc nói: “Phá rừng làm thủy điện, lợi chưa thấy đâu nhưng dân chúng tôi thì cứ đến mùa mưa lũ là lãnh đủ. Nhà cửa ngập chìm trong nước, tài sản bị nước lũ cuốn trôi. Nhà nước phải làm gì với mấy cái ông Thủy điện này đi chứ”.

Sau một hồi tố “ông Thủy điện”, ông Đỗ Thanh Cảng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp, cho biết: “Đến hơn 10h đã di dời khoảng 150 hộ với 450 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, đồng thời đã thành lập đội cứu hộ 20 người, 2 xuồng máy, sẵn sàng ứng cứu người dân”.

Một số hình ảnh do phóng viên vừa gửi về tại vùng tâm lũ Đại Lộc, Quảng Nam

Thủy điện xả lũ, hạ du ngập chìm trong nước - 1

Quốc Lộ 14B đã bị phong tỏa do nước lũ cô lập

Thủy điện xả lũ, hạ du ngập chìm trong nước - 2

Nhiều ngôi nhà lở xã Đại Hiệp bị nước lũ tràn vào

Thủy điện xả lũ, hạ du ngập chìm trong nước - 3

Người dân xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc đưa heo lên đường “trốn” lũ

Thủy điện xả lũ, hạ du ngập chìm trong nước - 4

Nước ngập vào cửa chính, người dân này phải phá cửa sổ đẻ trèo vào nhà (Ảnh chụp lúc 16h chiều nay tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam)

Thủy điện xả lũ, hạ du ngập chìm trong nước - 5

 Người dân bức xúc vì cứ đến mùa mưa bão, các nhà máy thủy điện lại đua nhau xả lũ khiến họ phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”.

Thủy điện xả lũ, hạ du ngập chìm trong nước - 6

 Một ngôi chùa ở Đại Lộc dù ở trên vị trí cao nhưng vẫn bị nước lũ nhấn chìm

Thủy điện xả lũ, hạ du ngập chìm trong nước - 7

 Cả ngày hôm nay, người dân xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phải di chuyển bằng thuyền

Thủy điện xả lũ, hạ du ngập chìm trong nước - 8

 Huyện Đại Lộc đã phải cho HS nghỉ học vì trường ngập nước

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đ. Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN